Alaska, tiểu bang lớn nhất nước Mỹ có biệt danh “ Biên giới cuối cùng”. Những ai đến Alaska có lẽ đều ít nhiều có tâm tưởng “xa lánh chốn bụi trần” và yêu thiên nhiên lắm.
Thiên nhiên ở Alaska. Ảnh: Khang An.
“Xa chốn bụi trần”
Thật ngạc nhiên khi quá nửa đêm bước xuống sân bay Anchorage ở bang “khỉ ho cò gáy” Alaska lại thấy đèn đuốc vẫn sáng choang, du khách đi lại tấp nập.
Thành phố Anchorage với dân số chỉ khoảng 270.000 người (chiếm một phần ba tổng số dân Alaska) là cửa ngỏ đầu tiên đón chào khách thập phương đến tiểu bang đặc biệt của nước Mỹ.
Nói đặc biệt vì đây là tiểu bang lớn nhất nước Mỹ (rộng 1.477.261 km2), là một trong hai tiểu bang (cùng với Hawaii) không giáp ranh với bất kỳ tiểu bang nào khác của Mỹ nên có biệt danh “ Biên giới cuối cùng”. Những ai đến Alaska có lẽ đều ít nhiều có tâm tưởng “xa lánh chốn bụi trần” và yêu thiên nhiên lắm.
Chúng tôi thuê xe chuyên dụng cho các kỳ nghỉ (RV - Recreational Vehicle) nhỏ gọn, tiện nghi để khám phá Alaska. Trên đường đi đến Valdez, cảnh thiên nhiên hoang dã xung quanh hiện lên đẹp đến ngẩn ngơ: này là những dòng sông uốn lượn, thác nước trắng xoá hơi nước bốc lên mù mịt bên cạnh núi băng xanh ngắt, này là màu hồng của hoa Tundra rực rỡ trong nắng chiều cạnh màu xanh ngắt của lá thông. Những cụm cỏ lau cúi rạp trong gió miên man...
Ngắm các tảng băng trên sông. Ảnh: Khang An.
Cảng Valdez có nhiều dịch vụ như chở khách đi câu cá , dịch vụ làm cá đông lạnh vận chuyển đến tận nhà. Dịch vụ chở khách tham quan thì giao phó cho một bác thuyền trưởng trên là John, cũng chính là chủ của chiếc tàu hai tầng xinh xắn.
Mặt trời rẽ đám mây toả xuống mặt nước ngàn tia nắng lấp lánh. Con tàu đi giữa dòng nước có những tảng băng màu xanh khổng lồ trôi lững lờ, hai bên là những vách núi sừng sững ken dày những hàng thông xanh ngắt.
Làn mây trắng hững hờ trễ nải vắt qua sườn núi , thỉnh thoảng đâu đó lại hiện ra dòng thác trắng xoá từ trên núi cao đổ thẳng xuống biển, rồi từ biển có một đàn rái cá biển (sea otter) thảnh thơi bơi ngửa , lăn tròn, hoặc vắt hai tay lên đầu rất ngộ nghĩnh.
Có khi một đàn cá heo đuổi theo tàu , búng thân nhảy trên mặt nước như trẻ con chơi ném lia thia . Có lúc hiện ra một bầy sư tử biển hàng trăm con ồn ào như một cái chợ...
Bác thuyền trưởng John là một người vô cùng vui tính và yêu thích công việc của ông. Tàu của bác chở khách từ năm 1973, riêng mỗi ngày chủ nhật còn chở khách miễn phí đến một hòn đảo để đi lễ nhà thờ lúc tám giờ sáng.
Những núi băng trùng điệp, hùng vĩ. Ảnh: Khang An.
Tàu tiến sát rặng Columbia Glacier, còn cách chừng 800m thì dừng lại một tiếng cho du khách chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên hùng vĩ . Bác John ngồi nói chuyện với một vài du khách già , thỉnh thoảng lại cầm micro thông báo cho khách tảng băng nào sắp rơi xuống.
“Cách đây vài chục năm glacier còn dầy cả 10 dặm , không biết chục năm sau còn gì để xem hay không ?”, bác ngậm ngùi nói.
Màu trời Alaska mùa đông. Ảnh: Khang An.
Ngây ngất với Wonderlake hùng vĩ
Ngày hôm sau, chúng tôi đi đến Denali Naitonal Park để kịpđón chuyến bus cuối cùng đi vào khu Wonderlake cắm trại tiếp vào cuối giờ chiều.
Trên dưới hai chục du khách đi vào Denali National Park , 2/3 trong số đó đi “backcountry camp” – nghĩa là họ phải có backcountry permit để được cắm trại ở một địa điểm nào đó trong rừng trong núi, phải cắm trại ở chỗ xe bus không nhìn thấy mình.
Du khách muốn tập chèo kayak thì mặc quần áo chống thấm ra cảng Valdez nghe người hướng dẫn rồi trải nghiệm cảm giác mạnh dưới dòng nước. Ảnh: Khang An.
Cho nên xe cứ đi vài khúc quanh lại thấy có người thản nhiên đeo ba lô đi xuống, lẩn khuất vào bờ đá bụi cây. Con gái thì thường đi đôi, con trai thì đi một mình lầm lũi như nhân vật Christopher McCandless trong quyển sách Into the wild của Jon Krakauer được chuyển thể thành phim.
Họ đến từ Đức, Thuỵ Sĩ , New Zealand , CH Czech…, hành trang gói gọn trong chiếc ba lô cao ngất ngưởng quá đầu người, kèm đủ thứ xoong , nồi, túi ngủ ,lều chõng , cả những chiếc bình đựng thức ăn để gấu không đánh hơi được mùi.
Ngủ lều giữa mênh mông là trải nghiệm của du khách đi du lịch Alaska. Ảnh: Khang An.
Đường vào Wonderlake rất hùng vĩ, núi cao sừng sững , đường đi quanh co uốn lượn. Nắng chiều vàng như mật ong làm cảnh vật lung linh huyền ảo, ấm áp hơn. Lâu lâu bác tài tên là Gary lại dừng xe lại để mọi người xem hươu, gấu.
Ông Gary có 19 năm làm nghề lái xe bus trong Denali Park (ra vào mỗi lần 5 tiếng đồng hồ). Bác bảo ở đây mùa hè có khoảng 2.000 người làm việc nhưng mùa đông chỉ còn 8 người trong đó có ông.
Mỗi lần "về xuôi" (trung tâm) phải mua thức ăn phần lớn là đồ hộp đủ dùng trong 2, 3 tháng ở một nơi lánh xa thế giới bên ngoài không có tivi, internet như thế.
Chú hươu nhẩn nhơ đi trên đường. Ảnh: Khang An.
21g đêm ở Wonderlake mà trời vẫn sáng trưng, quả không hổ danh Alaska là “Vùng đất mặt trời nửa đêm”. Nơi cắm trại có kho để thức ăn, khu nấu nướng ăn uống, chỗ rửa bát đĩa, có cả nước uống được.
Buổi sáng mới 6g trời đã sáng trưng nên bạn có cảm giác “hình như hôm qua không có đêm”. Chúng tôi đi bộ thong thả 1km để đến hồ Wonderlake. Vài con hươu sừng nhiều nhánh nhởn nhơ bước ngang đường cái hay đứng sững giữa bình nguyên, bình yên lạ thường. Có khi còn nhìn thấy cả đàn hươu 15 con trên sườn núi. Người khách lạ cứ nhìn ngắm mà như hóa “Alice lạc vào xứ sở thần tiên".
Reflection Pond là một điểm tham quan thu hút. Có một cặp vợ chồng người Thuỵ Sĩ ngồi hàng giờ đây cứ đặt chân máy chụp ảnh suốt rồi lại ôm kindle đọc sách đợi mây tan, lặng lẽ và an nhiên lắm.
Bình minh ở Alaska tuyệt đẹp. Ảnh: Khang An.
Từ Denali Park chúng tôi trở lại Anchorage bằng xe lửa. Tàu đi tương đối chậm, du khách tha hồ ngắm cảnh thiên nhiên. Có 3 nhân viên thay nhau thuyết minh giúp khách hiểu biết thêm những điều thú vị về Alaska. Ví dụ Angorage chỉ là thành phố lớn nhất còn Juneau mới là thủ phủ của Alaska. Và thủ phủ chỉ có thể đến được bằng… thuyền và máy bay!
20% dân Alaska có bằng lái máy bay dân dụng và hầu hết trong số đó có máy bay riêng. Alaska rộng hơn cả Texas mà chỉ có 30% là có đường để đi đến, mà cũng rất ít đường trải nhựa , phần lớn là đá dăm và đường đất. Có mỏ dầu dồi dào nên dân Alaska đi làm không phải đóng thuế , cuối năm còn được tiểu bang chia tiền bán dầu theo đầu người nữa.
Những cây thông ở đây mọc san sát nhưng èo uột và không cao nổi bởi ở đây đất chỉ là một lớp mỏng bên trên, còn lại phía dưới là băng (gọi là permafrost). Số ngày nắng đẹp trong năm ở Alaska chỉ hơn trăm ngày/năm không đủ ấm làm tan lớp băng có từ 10.000 năm.
Khu nơi nào có đất từ núi lửa đã tắt phun lên thì sẽ trồng được nhiều loại rau cỏ có năng suất cao hơn. 17/20 ngọn núi cao nhất Mỹ đều nằm ở Alaska – trong đó có núi McKinley là ngọn núi cao nhất nước Mỹ.
Cảnh đẹp như tranh và cực kỳ yên bình ở Alaska để lại ấn tượng khó phai cho du khách. Ảnh: Khang An.
Theo Khang An
http://dulich.tuoitre.vn/tin/20151223/vao-noi-hoang-da-alaska-de-xa-chon-bui-tran/1026082.html