Không chỉ có Nga và Mỹ- 2 cường quốc lớn nhất đang đứng về hai phía của cuộc xung đột, mà giờ càng có thêm nhiều quốc gia can thiệp vào Syria.
Cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm qua ở Syria vẫn chưa có lối thoát. (Ảnh: un.org).
Mỹ, Nga và một số quốc gia liên quan ngày 15/10 kết thúc hơn 4 giờ họp về Syria tại Thụy Sĩ mà không đạt được bất cứ thỏa thuận hay bước đi cụ thể nào để chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria, cụ thể hơn là thành phố chiến lược Aleppo.
Tuy nhiên các bên khẳng định sẽ không từ bỏ nỗ lực tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Syria, với việc triệu tập một cuộc họp tiếp theo trong ngày 16/10 tại London.
Cuộc họp tại Lausanne, Thụy Sĩ bao gồm các cường quốc có ảnh hưởng đến Syria hiện nay, với sự tham dự của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria, Staffan de Mistura.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, đại diện của Saudi Arabia, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq và Jordan cũng tham gia cuộc họp. Đây là cuộc đàm phán đầu tiên về Syria kể từ khi Mỹ tạm dừng đàm phán song phương với Nga về thỏa thuận ngừng bắn ở Syria hồi đầu tháng 10 vừa qua.
Phát biểu sau cuộc họp, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết Nga, Mỹ và các bên tham dự hội nghị về Syria ở Lausanne quyết định kéo dài các cuộc tiếp xúc.
Bất chấp việc không đạt được bước đột phá, Ngoại trưởng Kerry cho biết các bên vẫn đạt được sự đồng thuận về một số điểm quan trọng, đặc biệt là mong muốn chấm dứt cuộc xung đột. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận có một số vấn đề căng thẳng trong cuộc gặp diễn ra hôm qua. Các nước châu Âu không tham gia cuộc họp tại Lausanne, Thụy Sĩ ngày 15/10.
Tuy nhiên Ngoại trưởng Pháp xác nhận, Mỹ và một số quốc gia châu Âu khác đã lên kế hoạch tổ chức cuộc họp tại London (Anh) ngày 16/10 để thảo luận về tình hình Syria. Cuộc họp giữa Nga và các nước Trung Đông về Syria cũng sẽ nối lại vào ngày mai.
Việc các bên không đưa ra được bất cứ một kết quả cụ thể nào tại cuộc họp tại Lausanne cho thấy những thách thức của quốc tế tìm kiếm một con đường hòa bình để giải quyết cuộc xung đột đã cướp đi mạng sống của 500.000 người, góp phần làm trầm trọng cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất tại châu Âu kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 và tạo ra khoảng trống lợi thế để nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mở rộng ảnh hưởng.
Theo giới quan sát, thực tế cuộc xung đột tại Syria hiện không đơn thuần chỉ là cuộc nội chiến giữa các bên tại Syria mà còn là xung đột lợi ích giữa các cường quốc liên quan.
Không chỉ có Nga và Mỹ- 2 cường quốc lớn nhất đang đứng về hai phía của cuộc xung đột, mà giờ càng có thêm nhiều quốc gia can thiệp vào tình hình Syria, đặc biệt tại thành phố chiến lược Aleppo. Chính vì vậy, việc thu hẹp khoảng cách giữa các bên hiện là một thách thức không nhỏ khi mỗi nước đều theo đuổi những toan tính của riêng mình.
Chuyên gia phân tích chính trị tại Syria Muhammad Alomari nhận định: “Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường các lực lượng để mở rộng khu vực kiểm soát gần An Bab. Saudi Arabia và Qatar đang hỗ trợ lực lượng vũ trang chống chính phủ để xây dựng lại ảnh hưởng của mình. Trong khi đó các quốc gia Liên minh châu Âu cũng mong muốn hỗ trợ cho nhóm vũ trang đối lập Syria để làm suy yếu lực lượng chính phủ Syria tại các khu vực khác”.
Trong khi các nỗ lực ngoại giao để thúc đẩy giải pháp cho Syria tiếp tục bế tắc thì tình hình tại Aleppo đang ngày một xấu đi. Liên Hợp Quốc cảnh báo, các kho dự trữ lương thực, năng lượng và thuốc men đang dần cạn kiệt.
Tổng thống Syria al-Assad cam kết sẽ kiểm soát lại thành phố Aleppo- một mục tiêu mà ông cho rằng sẽ là đòn bẩy để tiếp tục giải phóng các khu vực còn lại của Syria. Quân đội Syria ngày 15/10 cũng thông báo tiếp tục đạt được những bước tiến mới trong việc chiếm lại vùng lãnh thổ do các nhóm vũ trang kiểm soát, trong đó có một thị trấn trọng điểm ngoại ô thủ đô Damas./.
Theo Phạm Hà/VOV.VN