Ngày 24/10, Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc tế (Chatham House) nhận định cách tiếp cận vấn đề cũng như chính sách hiện nay của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là một trong những bằng chứng rõ ràng nhất về tầm ảnh hưởng đang suy giảm mạnh của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Trên thực tế, Washington đã phải "chùn bước" trong chiến lược "xoay trục" sang Đông Á nhằm vào Trung Quốc.
Có thể coi chiến lược "xoay trục" từ Trung Đông sang khu vực Đông Á phát triển năng động là một di sản trong chính sách đối ngoại Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Tuy nhiên, nhiệm vụ này hoàn toàn không đơn giản, trong bối cảnh Trung Quốc nổi lên như một cường quốc có thể đe dọa tầm ảnh hưởng của Washington tại khu vực.
Kể từ khi ông Duterte nhậm chức Tổng thống Philippines, mối quan hệ đồng minh vốn rất bền chặt giữa Manila và Washington đã suy giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
Phát biểu nhân chuyến công du Bắc Kinh gần đây, ông Duterte nói rằng ông quyết định "rời xa" Mỹ, và "chỉ Trung Quốc mới có thể giúp đỡ Philippines."
Theo nhận định của giới phân tích, ông Duterte có thể đang tìm cách tái cân bằng mối quan hệ giữa Philippines với Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt liên quan đến vấn đề Biển Đông.
Mặc dù vậy, việc Philippines xích lại gần hơn với Trung Quốc cũng khiến sức ép gia tăng đối với mối quan hệ Manila-Washington.
Trong khi đó, khả năng Quốc hội Mỹ thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước khi ông Obama rời Nhà Trắng là khó xảy ra.
Rõ ràng, cuộc bầu cử tổng thống 2016 cũng đang tác động đáng kể đến chính sách của Mỹ đối với Đông Á. Vì vậy, chiến lược "xoay trục" của Mỹ có thể sẽ lâm vào một giai đoạn thoái trào./.
Theo (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/anh-my-chun-buoc-trong-chien-luoc-xoay-truc-sang-dong-a/412546.vnp