Liên kết doanh nghiệp và ngư dân tạo ra quy trình bảo quản và tiêu thụ cá ngừ đại dương chuyên nghiệp với giá trị cao.
Doanh nghiệp và ngư dân hình thành chuỗi khai thác, chế biến và tiêu thụ cá ngừ đại dương.
Lần đầu tiên một doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu tại tỉnh Khánh Hòa đã ký thỏa thuận hợp tác với Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng, thành phố Nha Trang thực hiện chuỗi khai thác, chế biến và tiêu thụ cá ngừ đại dương. Việc liên kết mở ra hướng đi mới giúp ngư dân nâng cao giá trị cá ngừ đại dương.
Hàng năm, ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ cập cảng cá Hòn Rớ nhưng chủ yếu cá được bán cho nậu, vựa, thương lái thường bị ép giá. Trước thực tế này, Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng với 40 thành viên đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Thịnh Hưng thực hiện chuỗi khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương.
Phía Công ty Thịnh Hưng sẽ bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ quy trình sơ chế, bảo quản sản phẩm cho các tàu cá của ngư dân. Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng áp dụng kỹ thuật theo quy trình phía doanh nghiệp đưa ra, cam kết bán toàn bộ sản phẩm. Cá được thu mua theo giá thị trường.
Đặc biệt, nếu lô cá ngừ có 10% sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, Công ty sẽ hỗ trợ thêm 2.000 đồng/kg cho toàn bộ lô hàng. Để nâng cao chất lượng sau khai thác, phía doanh nghiệp có chính sách khuyến khích, hỗ trợ dụng cụ sơ chế, bảo quản, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản để cá ngừ về cảng đạt chất lượng cao nhất.
Ông Trần Văn Đạt, Tổ trưởng tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng cho biết, quy trình của công ty đưa ra không quá phức tạp, các thành viên có thể áp dụng ngay. Phía Công ty áp dụng chế độ khen thưởng dựa vào chất lượng sản phẩm cũng khuyến khích ngư dân nâng cao chất lượng bảo quản. Việc triển khai sẽ bắt đầu vào vụ khai thác cá ngừ mới vào đầu tháng 11 tới đây.
“Mô hình liên kết sẽ thay đổi phương thức mua sản phẩm của ngư dân. Cá đánh bắt được ngư dân phải xử lý cá theo hướng dẫn của công ty làm tăng giá trị lô hàng xuất khẩu” ông Đạt chia sẻ.
Hiện nay, các tỉnh Nam Trung bộ có khoảng 3.500 tàu cá đánh bắt cá ngừ đại dương với sản lượng lên đến cả chục ngàn tấn. Tuy vậy, nghề cá ngừ đại dương đang bộc lộ bất cập như: tàu thuyền nhỏ, trang thiết bị, công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm còn thủ công, lạc hậu.
Vì thế tổn thất sau khai thác cao do chất lượng cá không đảm bảo. Việc tổ chức sản xuất thiếu liên kết, thị trường chủ yếu dựa vào thương lái nên giá cá bấp bênh. Việc liên kết trực tiếp giữa doanh nghiệp chế biến và ngư dân đang trở nên cấp bách, cần thiết.
Tuy nhiên, ngay tại tỉnh Khánh Hòa việc liên kết đang gặp khó khăn, một số mô hình liên kết đã thất bại. Vì vậy, mô hình liên kết trực tiếp giữa ngư dân và doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp tổ chức thu mua, hướng dẫn quy trình, tiêu thị sản phẩm sẽ là một hướng đi mới để nâng cao chất lượng cá ngừ.
Ông Đỗ Trung Hiệp, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và khai thác các công trình thủy sản tỉnh Khánh Hòa mong muốn, ngư dân và doanh nghiệp cần liên kết, có tiếng nói chung để nghề khai thác cá ngừ đại dương phát triển bền vững.
“Mô hình liên kết này rất có hiệu quả, nhất là khi giá cá không ổn định nhưng công ty vẫn thu mua theo giá thị trường. Bên cạnh đó công ty còn tổ chức tập huấn cho bà con khi câu được cá tiến hành giữ gìn sản phẩm, làm tăng giá trị hàng hóa… là điều kiện phát triển tốt cho ngư dân đánh bắt xa bờ”, ông Hiệp khẳng định./.
Theo Thái Bình /VOV.VN - Miền Trung