Bất chợt, thấy người ta bày bán mâm cà na sống xanh tươi, căng tròn, kèm theo hủ cà na ngào đường vàng ươm, bóng mẩy bên đường thì vị chua chua, ngòn ngọt, mằn mặn thanh thanh tan thấm nơi đầu lưỡi khó lòng cưỡng lại. Bao hoài niệm tuổi thơ ùa về quanh trái cà na.
Trái cà na na gắn liền với người dân vùng sông nước miền Tây. Ảnh: Internet
Trái cà na na gắn liền với người dân vùng sông nước miền Tây, nhất là trẻ con bao thế hệ. Long An cũng là nơi hội tụ loại cây trái hoang dã này, nhất là những vùng ven kênh rạch. Nó dung dị đi vào ca dao miền quê, có dị bản mang đậm dấu ấn Long An: “Mộc Hóa là xứ quê mùa / Đi thăm cháu ngoại cho vùa cà na”.
Cà na ngào đường
Nhưng để thưởng thức chúng phải ngóng chờ mùa nước nổi, tháng 7– 9 âm lịch hàng năm mới đến mùa cho trái. Ngày trước, muốn ăn là lũ trẻ trèo lên cây hái trái, ngồi vắt vẻo, chấm muối ớt cay xè nhai rau ráu vị chua chát của nó. Ăn thỏa thích, rồi tự do ung dung cho vào nón, bọc trong áo mang về chế biến nhiều kiểu dùng hấp dẫn khác. Bây giờ, cà na trở thành đặc sản và xuất hiện ở các chợ thành thị với giá 20- 30 ngàn đồng/kg. Cà na ngào đường 60-70 ngàn/kg. Điều đó, cũng giúp người nông dân có thêm thu nhập khi mùa cà na về. Một lão nông xã Tân Phú cho biết, mùa này, với ba gốc cà na, ông cũng thu về gần 4 triệu đồng.
Cà na trộn muối ớt và đường
Từ trái cây dân dã, người ta chế biến thành nhiều kiểu ẩm thực hấp dẫn mang đặc trưng riêng. Món cà na sống xanh mướt, đập dập thịt, trộn muối ớt có vị chua cay, giòn tan. Cà na ngâm nước mắm đường xanh sậm, chua ngọt, thơm lừng vị mằn mặn của nước mắm. Cà na ngào đường vàng ươm, hơi chua thanh và ngọt dịu, thịt mềm như mứt…Dùng que tăm xiên vào trái cà na, chấm vào chén muối ớt mà tận hưởng hương vị chua ngọt, cay nồng rồi hít hà sâu tận dạ món quà quê độc đáo ấy đến nghiện mất thôi! Ai từng xa quê sẽ quắt quay thèm nhớ
ST