Nhằm thực hiện có hiệu quả các đề án 1816, bệnh viện vệ tinh và chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, Sở Y tế Quảng Ninh giao cho mỗi bệnh viện tuyến tỉnh hỗ trợ trực tiếp một huyện vùng khó khăn. Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh được phân công hỗ trợ toàn diện cho Trung tâm y tế huyện đảo Cô Tô.
Đoàn công tác của Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh khảo sát các thiết bị trong phòng mổ của Trung tâm y tế huyện đảo Cô Tô.
Cách đất liền 32 hải lý, huyện đảo Cô Tô là địa bàn thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh. Trung tâm Y tế huyện Cô Tô có quy mô 20 giường bệnh nhưng thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho gần 7.000 người dân của huyện và bốn xã của các huyện Hải Hà, Thủy Nguyên (Hải Phòng) và ngư dân của nhiều tỉnh từ Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa ra khai thác thủy sản. Khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn nhân lực có tay nghề giỏi; trang thiết bị y tế tuy đã được đầu tư nâng cấp xong chưa đồng bộ và thiếu phương tiện vận chuyển người bệnh từ đảo vào đất liền, nhất là những ngày dông, gió lớn, biển động.
Giám đốc Trung tâm Y tế Cô Tô Nguyễn Tiến Phương cho biết, đội ngũ y, bác sĩ phần lớn là cán bộ tuổi đời trẻ, trình độ chuyên môn còn hạn chế, lại kiêm nhiệm. Việc thu hút bác sĩ giỏi ra đảo công tác gặp trở ngại lớn do thiếu cơ chế đãi ngộ, môi trường công tác thiếu thốn, xa gia đình... do đó chất lượng công tác khám, chữa bệnh tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng chưa đáp ứng kịp nhu cầu của người dân. Trang thiết bị y tế chưa đồng bộ, phần lớn chỉ đủ phục vụ cho việc chẩn đoán, điều trị các bệnh thông thường…
Sở Y tế Quảng Ninh giao Bệnh viện Sản - Nhi thực hiện hỗ trợ toàn diện cho Trung tâm y tế huyện Cô Tô. Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Nguyễn Quốc Hùng cho biết, sau nhiều chuyến làm việc, khảo sát, đơn vị cử nhân lực luân phiên giúp đỡ Trung tâm y tế Cô Tô về đào tạo, chuyển giao kỹ thuật; hoàn thiện quy trình nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Những lĩnh vực là thế mạnh của đơn vị tuyến tỉnh, thiết thực với cơ sở y tế nơi đảo xa được tập trung chuyển giao là: Sản phụ khoa; nhi khoa; chẩn đoán hình ảnh; xét nghiệm; gây mê hồi sức. Ngoài ra, bệnh viện cũng tổ chức các đợt khám, chữa bệnh lưu động cho người dân các xã, thị trấn trên đảo.
Một kế hoạch tổng thể từ hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ; chuyển giao các kỹ thuật được xây dựng phù hợp điều kiện thực tế. Đến nay, Bệnh viện Sản - Nhi đã bố trí được 32 đợt (64 cán bộ) tăng cường ra hỗ trợ Trung tâm y tế Cô Tô. Các bác sĩ trực tiếp tham gia khám cho hơn 1.000 lượt người bệnh ngoại trú và nội trú cũng như tham gia xử trí cấp cứu nhiều trường hợp bị bỏng điện, sốc phản vệ, đau quặn thận, hen phế quản cấp… đồng thời khám, tư vấn điều trị nội trú một số bệnh lý hay gặp ở trẻ em như: viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, dị ứng cấp… Các bác sĩ cũng tham gia cấp cứu thành công nhiều ca bệnh nặng, cần hỗ trợ can thiệp như: băng huyết sau đẻ, cắt viêm ruột thừa cấp cứu… Các cán bộ xét nghiệm hỗ trợ Trung tâm y tế Cô Tô thực hiện được các kỹ thuật: Xây dựng quy trình xét nghiệm chuẩn, phù hợp; định nhóm máu hệ ABO, Rh bằng hai phương pháp huyết thanh mẫu, hồng cầu mẫu trên ống nghiệm; cách nhận định, phân tích kết quả xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu; cách lấy mẫu, bảo quản mẫu bệnh phẩm xét nghiệm sinh học, huyết thanh theo đúng quy trình; chuyển giao kỹ thuật xét nghiệm sinh hóa máu cơ bản, xét nghiệm sinh hóa nước tiểu…
Trong việc hỗ trợ cho y tế đảo xa, Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh chú trọng đến việc đào tạo cán bộ gắn với chuyển giao kỹ thuật. Bên cạnh đào tạo theo hình thức cầm tay chỉ việc, nhiều lượt cán bộ của trung tâm được đưa về bệnh viện đào tạo nâng cao tay nghề. Các kỹ thuật đã được chuyển giao gồm: phẫu thuật sản khoa; khám và điều trị nhi khoa và cấp cứu nhi khoa; đào tạo kíp gây mê hồi sức về kiến thức hồi sức cấp cứu, kỹ thuật gây mê cơ bản, hướng dẫn sử dụng máy thở. Bên cạnh đó, bệnh viện cử các nhóm kỹ sư ra đảo sửa chữa, hiệu chỉnh các thông số kỹ thuật của các trang thiết bị y tế như: máy nội soi, siêu âm, gây mê kèm thở, nội soi tai mũi họng, hút dịch, ghế răng… đồng thời hướng dẫn nhân viên y tế ở trung tâm quản lý, bảo quản trang thiết bị để tăng cường hiệu quả khi sử dụng.
Nhớ lại ca cấp cứu xuyên đêm cho một thai phụ chuyển dạ nhưng có dấu hiệu suy thai, bác sĩ Tạ Thị Thu Hợp (Khoa xét nghiệm) cho rằng, đó là ca cấp cứu “để đời”. Nhận lệnh ra đảo khi thời tiết không thuận lợi, người bệnh đang mất máu nhiều mà chưa xác định thuộc nhóm máu nào… Kíp cấp cứu quyết định vẫn lên đường, mang theo tới 30 đơn vị máu của cả bốn nhóm. Mất gần một giờ đồng hồ để di chuyển ra đến bến tàu và từng đó thời gian đi xuồng cao tốc, kíp cấp cứu ra tới đảo. Sau khi xử lý cho người mẹ qua cơn nguy kịch, nhóm cấp cứu lại đưa người bệnh về đất liền để tiếp tục điều trị.
Với sự giúp đỡ kịp thời và hiệu quả đó, đến nay công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên huyện đảo Cô Tô đã có nhiều tiến bộ. Các thầy thuốc nơi đây đang dần tạo được niềm tin của nhân dân, giữ chân, không để người bệnh phải di chuyển đi xa để khám, điều trị bệnh.
Trung Hiếu
Theo baonhandan.com.vn