Cập nhật: 14/11/2016 09:47:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhà hát kịch Việt Nam vừa hoàn thành dàn dựng và công diễn vở Kiều dựa trên kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa Thế giới Nguyễn Du. Vở diễn do Nguyễn Hiếu chuyển thể kịch bản, NSND Anh Tú biên kịch và đạo diễn.

Cảnh trong vở Kiều của Nhà hát kịch Việt Nam.

Vở Kiều được biên tập và dàn dựng rút ngắn về dung lượng so với nguyên tác, nhưng vẫn giữ nguyên những giá trị của tác phẩm, phản ánh giá trị hiện thực của xã hội loạn lạc, đầy rẫy bất công thời phong kiến cách đây khoảng 200 năm. Vở diễn đã phơi bày một bộ mặt xã hội tàn bạo, đang hướng tới những giá trị đồng tiền, đầy ải con người, nhất là thân phận người phụ nữ. Đó là bài ca về vẻ đẹp con người, của tài, sắc, của tình yêu và lòng hiếu thảo, là trái tim nhân hậu, đức tính vị tha, thủy chung, chí khí anh hùng…

Kiều còn là câu chuyện mang tính dự báo về một xã hội tất đến thời diệt vong khi cái đẹp, tình yêu và quyền được sống của con người bị vùi dập. Không giống như nguyên tác khi Kim Trọng được đoàn tụ với Thúy Kiều, vở diễn đã dừng lại ở cảnh kết mang ý nghĩa biểu tượng khi nàng Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn sau 15 năm bị vùi dập, trôi dạt. Những gì tang thương của thân phận người thiếu nữ tài sắc và sự hiển hiện thối nát của xã hội phong kiến cho thấy nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, nhất là người phụ nữ đã được phơi bày rõ nét. Không chỉ vậy, cũng giống như tác phẩm văn học, vở diễn còn mang tính thời đại và dự báo về những vấn đề xã hội khi đồng tiền và quyền lực không chân chính lên ngôi, sẽ làm đảo lộn nhiều giá trị, trong đó có những giá trị đạo đức tốt đẹp.

Vở diễn mang tính thử nghiệm táo bạo của Nhà hát kịch Việt Nam khi kết hợp những hình thức hát, múa và động tác hình thể trong các cảnh diễn. Hình ảnh hoa sen đã và đang được coi là quốc hoa của người Việt Nam được sử dụng xuyêt suốt các cảnh diễn trong thời gian gần hai giờ mang hàm ý như cuộc đời một con người, từ lúc hé mở, sung mãn đến tàn khô, héo úa… Điều đọng lại và vượt lên tất cả chính là sự dâng hiến những cái đẹp, cái tinh túy nhất cho tình yêu, cho cuộc đời. Đạo diễn - NSND Anh Tú đã khéo kết hợp được nhiều loại hình nghệ thuật: hát, múa, ngâm thơ và cả những động tác múa, hình thể. Đạo diễn không sử dụng bục bệ như sân khấu truyền thống và gần như chỉ có một hình ảnh độc nhất làm nền là những bông sen và dàn trống kêu oan từ đầu đến cuối vở diễn. Hơn 20 ca khúc của nhạc sĩ Giáng Son, mang âm hưởng dân gian, phù hợp nội dung vở diễn, không gây cảm giác nhàm chán. Nhân vật Kiều (nghệ sĩ Diễm Hương thể hiện) đã cho thấy một nàng Kiều không cam chịu số phận mà còn đấu tranh quyết liệt cho mình. Nghệ sĩ đã phần nào thành công khi lột tả được cảm xúc, sự nhẫn nhục trong từng câu chữ thơ Kiều.

Vở Kiều có sự tham gia của hơn 60 nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát kịch Việt Nam tham gia diễn xuất, trong đó có nhiều nghệ sĩ được công chúng yêu mến như: Diễm Hương (vai Thúy Kiều), Tạ Minh (vai Từ Hải), Tô Dũng (vai Kim Trọng), Khuất Quỳnh Hoa (vai Thúy Vân), Xuân Bắc (vai Hồ Tôn Hiến), Phú Đôn (vai gã bán tơ), NSND Lan Hương (vai vợ gã bán tơ)…

Với việc dàn dựng vở Kiều theo cách dàn dựng thử nghiệm, Nhà hát kịch Việt Nam đang cho thấy những cố gắng trên con đường tìm kiếm các hướng đi trong sáng tác nghệ thuật và đổi mới thu hút công chúng, gắn với thị trường mà vẫn đầy tính chính luận, cho thấy vị thế của một đơn vị sân khấu mang tầm quốc gia.

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm