Thực tế cho thấy, di sản ca trù ở Hà Nội tuy đã được hồi sinh, phát triển, song còn thiếu tính bền vững.
Một tiết mục biểu diễn ca trù của CLB Ca trù Hà Nội.
Hà Nội được coi là một trong cái nôi của nghệ thuật ca trù, với 14 Câu lạc bộ đang hoạt động tại cơ sở. So với 7 năm về trước, khi ca trù được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp thì số lượng các câu lạc bộ ca trù của Thủ đô phát triển hơn rất nhiều. Tuy nhiên, hoạt động tự phát, manh mún của các câu lạc bộ hiện nay đang đặt ra cho công tác bảo tồn, phục hưng loại hình nghệ thuật này của thành phố Hà Nội những khó khăn và thách thức.
Là địa phương có nhiều Câu lạc bộ ca trù nổi tiếng như: Câu lạc bộ Ca trù Thái Hà, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội, Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long..., thành phố Hà Nội được đánh giá là nơi sản sinh ra nhiều nghệ nhân, ca nương, kép đào hát hay, đàn giỏi. So với 9 Câu lạc bộ ở thời điểm năm 2009 thì hiện nay nghệ thuật ca trù của Thủ đô đã có sự hồi sinh, phát triển, với 14 Câu lạc bộ, nhóm ca trù đang hoạt động, 50 người có khả năng truyền dạy và 220 người đang thực hành tại cơ sở.
Tuy có sự phát triển nhanh về số lượng các Câu lạc bộ nhưng so yêu cầu thực tiễn hiện nay thì công tác bảo tồn, phục hưng ca trù của Hà Nội còn thiếu tính bền vững. Hiện nay, các Câu lạc bộ duy trì hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí tự nguyện đóng góp và tâm huyết của các nghệ nhân, những người yêu nghệ thuật ca trù.
Đánh giá về hoạt động các Câu lạc bộ ca trù của thành phố hiện nay, bà Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội cho biết: "Nhiều câu lạc bộ ca trù mọc lên và hoạt động rất là có hiệu quả. Thế nhưng có điều đáng lưu ý là các câu lạc bộ mọc lên phần lớn là do các nghệ nhân tâm huyết với nghề thành lập Câu lạc bộ mang tính chất tự phát nên không có định hướng và về mặt chuyên môn, nghệ thuật thì còn bị buông lỏng".
Không chỉ khó khăn trong duy trì hoạt động, đa số các Câu lạc bộ ca trù ở Thủ đô còn thiếu nơi sinh hoạt, thực hành ca trù và không gian biểu diễn thường xuyên để đưa ca trù tới gần hơn với công chúng. Bạn Vũ Thị Thùy Linh, Câu lạc bộ Ca trù Phú Thị cho biết: Câu lạc bộ được thành lập xuất phát từ tình yêu ca trù của 3 thành viên là học trò của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ và cố nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc. Hiện nay, Câu lạc bộ không có nơi luyện tập, thực hành ca trù mà phải nhờ địa điểm tại nhà riêng của một thành viên.
"Bọn em hàng tuần luyện tập một buổi tại nhà riêng và thỉnh thoảng cụ Chúc còn sống, chúng em hay về dưới cụ vừa để đàn hát vừa để học hỏi những gì cụ chỉ bảo. Bây giờ còn cụ Nguyễn Phú Đẹ, ở Hải Dương còn sống nhưng sức khỏe cụ đã yếu,chúng em cũng chỉ thỉnh thoảng về thăm cụ được thôi chứ không còn sức giúp mình nữa nên chúng tôi tự luyện tập là chủ yếu", Vũ Thị Thùy Linh chia sẻ.
Để hồi sinh, bảo tồn ca trù, thời gian qua, ngành văn hóa và các câu lạc bộ của thủ đô đã chú trọng đến việc trao truyền, đào tạo thế hệ trẻ. Nhưng làm thế nào để động viên được lớp trẻ gắn bó với ca trù lâu dài thì lại đang là bài toán nan giải. Đơn cử như tại Câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội từ năm 2014 đến nay, Câu lạc bộ cũng mới chỉ đào tạo được 15 em. Bà Phùng Thị Hồng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù của Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam nêu thực tế: Nhiều bạn trẻ yêu ca trù nhưng hầu hết đang ở tuổi học sinh nên còn phải ưu tiên cho việc học văn hóa tại nhà trường. Các em chỉ có thể học hát vào thời gian rảnh rỗi hoặc cuối buổi học. Vì vậy, người dạy ca trù cũng phải hài hòa giữa việc dạy hát với học văn hóa của các em trên lớp.
Bà Phùng Thị Hồng nói: "Việc đem ca trù đến với thế hệ trẻ hiện nay rất khó vì các dòng nhạc hiện đại đang rất thịnh hành và sôi nổi. Người truyền dạy phải tìm đến các cháu, có những cháu có năng khiếu thì lại mắc việc học hành, có những cháu thì nhà ở xa hoặc chỉ học được những giờ từ 5 đến 7 giờ chiều còn từ 7 giờ trở đi các cháu còn lo việc gia đình rồi học hành thêm. Đó là khó khăn và làm sao bố mẹ các cháu cũng thông cảm".
Mặc dù một số Câu lạc bộ ca trù đã tổ chức dạy miễn phí cho các bạn trẻ nhưng khó nhất hiện nay là giữ được người trẻ gắn bó với ca trù, nhất là tìm được các bạn trẻ tài năng, thật sự tâm huyết với nghệ thuật ca trù để truyền dạy. Nghệ nhân ưu tú Vân Mai, Chủ nhiệm CLB UNESCO Hà Nội cho biết: Có một thực tế là, phải mất rất nhiều thời gian, công sức mới đào tạo được một người biết hát ca trù nhưng sau khi học xong, đa phần các em chuyển sang làm nghề khác do không thể sống được bằng nghề. Nếu để việc truyền dạy ca trù diễn ra tự phát như hiện nay, e rằng di sản khó có thể bảo tồn bền vững.
Nghệ nhân ưu tú Vân Mai cho biết: "Môn nghệ thuật ca trù đang còn khó khăn về các ca nương, về khâu đào tạo. Nếu thu tiền để cho các bé, các bạn đến học thì hơi khó, chính vì thế mà dạy miễn phí còn khó và rất khó trong việc tìm kiếm tài năng. Các ca nương, các bạn trẻ đến có khi chỉ học được vài tuần thì lại lý do con bận cái này, con bận cái kia thế nên không được liên tục, buồn thì rất buồn nhưng không nản".
Từ trước đến nay, việc truyền dạy, thực hành ca trù của Hà Nội nói riêng và các địa phương có di sản ca trù nói chung chưa được đều đặn, định kỳ, một thời gian dài bị bỏ bẵng, lãng quên. Vì thế, khi nhận thức được tầm quan trọng của việc truyền dạy các lời cổ, bài hát cổ ca trù thì những nghệ nhân có kinh nghiệm, nổi tiếng của ca trù Hà Nội đã mất hoặc lớn tuổi, già yếu, đây là một thiệt thòi lớn trong việc truyền dạy nghệ thuật đỉnh cao của ca trù cho lớp trẻ.
Nghệ nhân Ngô Văn Đảm, 90 tuổi, người đã có 80 năm gắn bó với môn nghệ thuật ca trù nêu thực tế: "Số Câu lạc bộ thì đông nhưng người truyền dạy và lượng người đến học thì cũng không phải là nhiều. Học thì thường là giáo viên phải đi vận động trước chứ trẻ con đến tự nguyện không phải là nhiều, thế còn giáo viên bây giờ đi dạy ca trù cũng còn ít, bởi vì những cô giáo ấy cũng không phải sống bằng nghề ca trù mà sống bằng nghề khác, yêu nghề mà người ta dạy thêm thôi, bây giờ đi hát mà để kiếm tiền thì khó lắm".
Thực tế cho thấy, di sản ca trù ở Hà Nội tuy đã được hồi sinh, phát triển, song còn thiếu tính bền vững. Để bảo tồn và phục hưng môn nghệ thuât bác học kén người học, kén người nghe này, đòi hỏi các ngành chức năng của thành phố Hà Nội cần xây dựng những giải pháp mang tính chiến lược lâu dài, tiên phong, để góp phần tạo bước chuyển mạnh mẽ trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của ca trù, xứng đáng là cái nôi của nghệ thuật ca trù cả nước./.
Theo Hồng Bắc/VOV.VN