Nhận được tiền đền bù sự cố môi trường, phần lớn ngư dân đều bày tỏ nguyện vọng gắn bó với nghề đi biển.
Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã chi trả hơn 200 tỷ đồng tiền bồi thường đợt 1 cho 16 xã thuộc 4 huyện ven biển gồm Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển.
Nhận được tiền đền bù, phần lớn ngư dân đều bày tỏ nguyện vọng gắn bó với nghề đi biển. Nhiều ngư dân sau khi trả nợ nần đã mua sắm ngư cụ, cải hoán, nâng cấp tàu cá vươn khơi khai thác, đánh bắt ở những vùng biển an toàn.
Một khoản tiền đền bù được người dân trích ra để mua sắm ngư cụ
Ông Hồ Minh Vừng, chủ tàu dưới 90 CV ở xã Gio Hải, huyện Gio Linh rất vui khi nhận được số tiền đền bù do sự cố môi trường biển. Thời gian qua, gia đình ông gặp nhiều khó khăn khi nguồn kinh tế biển bị cắt đứt, được đền bù kịp thời, ông trang trải chi phí sinh hoạt và tu sửa lại tàu thuyền.
Ông Hồ Minh Vừng cho biết sẽ trích một phần chi phí sinh hoạt gia đình, còn lại để cải tạo, nâng cấp ngư lưới cụ, tiếp tục bám biển.
Tại xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, sau gần 1 tuần nhận được tiền chi trả bồi thường sự cố môi trường biển, người dân đã lên kế hoạch làm kinh tế gia đình. Số tiền được bồi thường ít nhiều giúp bà con ổn định cuộc sống, từng bước khôi phục sản xuất.
Ngư dân mong muốn được tiếp tục ra khơi bám biển
Ngoài việc tu sửa tàu thuyền, sắm sửa đồ nghề đi biển, nhiều mô hình kinh tế mới được triển khai tại đây. Trong đó, ra khơi bám biển vẫn là hướng đi chính của bà con bởi nghề này có từ lâu đời, gắn bó mật thiết với người vùng biển.
Ông Nguyễn Văn Khiến, ở thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch rất vui vì vừa sắm được bộ máy mới gắn trên chiếc thuyền 9CV của mình. Ông Khiến cho biết, trước đây làm nghề đánh bắt cua, cá, ghẹ... ven bờ và bây giờ ông vẫn quyết bám lấy nghề này.
Ngoài việc chi trả số tiền đền bù theo đúng quy định, chính quyền huyện Vĩnh Linh cũng nhắc người dân sử dụng số tiền bồi thường hợp lý nhằm phát huy hiệu quả, ổn định cuộc sống về sau.
Ông Trần Hữu Hùng, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị cho biết: “Chính quyền địa phương khuyên người dân sử dụng tiền bồi thường để mua ngư lưới cụ, tham gia đánh bắt xa bờ. Nếu không có điều kiện đánh bắt xa bờ thì mua tư liệu sản xuất, cải hoán đồng ruộng để chuyển đổi sinh kế; hoặc dành tiền để đi học nghề. Trong thời gian chưa tính được, thì tạm thời gửi tiền vào ngân hàng để bảo toàn đồng đồng vốn, ổn định cuộc sống lâu dài”.
Ngư dân xã Gio Hải tu sửa lại tàu thuyền chuẩn bị cho vụ mùa biển sắp tới
Đến nay, công tác chi trả bồi thường đợt 1 tại tỉnh Quảng Trị được triển khai nhanh chóng, thực hiện công khai, minh bạch, đúng định mức và đúng đối tượng nên người dân rất yên tâm. Chính quyền luôn theo sát giúp đỡ người dân trong việc chuyển đổi sinh kế hoặc tiếp tục vươn khơi bám biển.
Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, ngoài số tiền bồi thường được phân bổ, tỉnh này cũng trích ngân sách hỗ trợ mỗi xã 200 triệu đồng để chính quyền địa phương sử dụng vốn quay vòng hỗ trợ sinh kế đối với những hộ thực sự khó khăn./.
Theo CTV Thanh Hiếu/VOV.VN - Miền Trung