Tăng huyết áp thường gặp ở tuổi trung niên, tai biến dễ xảy ra khi thời tiết thay đổi lạnh như hiện nay.
Theo ThS.BS. Lê Thị Hải thì tăng huyết áp gần như là bệnh xã hội, rất phổ biến hiện nay. Thống kê có khoảng 30% người trưởng thành mắc tăng huyết áp, cứ 3 người có 1 người bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp thường gặp ở tuổi trung niên, tai biến dễ xảy ra khi thời tiết thay đổi lạnh như hiện nay.
Có tiền sử bị huyết áp cao, Bác Lê Nam 60 tuổi rất lo lắng bởi mùa đông là thời điểm khó kiểm soát huyết áp. Bác không biết nên duy trì chế độ vận động và dinh dưỡng như thế nào để kiểm soát tốt huyết áp? Sau khi chia sẻ thắc mắc của mình đến Chương trình tư vấn truyền hình trực tiếp Cách phòng tránh bệnh mùa đông trên trang suckhoedoisong.vn, bác được ThS.BS. Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia tư vấn như sau:
Thứ nhất: Bác nên đến chuyên khoa tim mạch để thăm khám, uống thuốc đều đặn để kiểm soát huyết áp, tránh tai biến. Vì bệnh về huyết áp cần phải được theo dõi thường xuyên, liên tục.
Thứ hai, thể dục là một trong những biện pháp điều trị tăng huyết áp. Vì vậy bác có thể tập thể dục, vận động làm ấm cơ thể trước khi ra bên ngoài. Do trong mùa đông, nhiệt độ buổi sáng thường thấp nên bác không nên dậy sớm quá, thời gian tập thể dục sẽ muộn hơn mùa hè.
Ngoài ra, theo ThS.BS. Lê Thị Hải thì bác cũng cần có chế độ ăn uống hợp lý bởi bệnh THA do ăn chế độ ăn quá mặn, ăn nhiều chất béo gây tăng mỡ máu, xơ vữa động mạch là những nguyên nhân gây tăng huyết áp. Bác nên điều chính chế độ ăn như:
Duy trì chế độ ăn nhạt 5-6g muối/ngày với người trưởng thành, người đã THA thì ăn càng nhạt càng tốt. Bởi nồng độ muối (NaCl) trong máu của người bình thường là 9‰. Khi dùng muối thì nồng độ đó sẽ tăng lên tức thời, cơ thể phải tự điều chỉnh bằng cách thẩm thấu dịch gian bào (tức chất dịch nằm giữa các tế bào) vào trong lòng mạch máu để cho nồng độ muối trong máu được duy trì ở trạng thái bình thường (tức 9‰ gọi là đẳng trương - isotonic) làm cho khối lượng máu trong các mạch máu cũng tăng lên. Càng ăn mặn thì khối lượng máu càng tăng, áp lực lên thành mạch máu cũng tăng. Nếu mạch máu bị xơ cứng (xơ vữa), nhất là mạch máu ở não thì có thể bị vỡ, gây tai biến mạch máu não - một thảm họa đối với người cao huyết áp..
Không ăn nội tạng: Huyết áp cao là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Một số loại chất béo trong máu có thể làm tăng huyết áp. Theo đó một số thực phẩm chứa nhiều chất béo giàu cholesterol như các loại nội tạng, tim, gan, óc, thận) sẽ làm tăng nguy cơ bệnh cho người tăng huyết áp.
Nên ăn nhiều rau quả (cam quýt bưởi dưa hấu, thực phẩm giàu) và chất xơ, trong mùa đông, các loại rau sau sẽ rất tốt cho người tăng huyết áp:
Cần tây có tác dụng làm giãn mạch, lợi niệu và hạ huyết áp
Cải cúc chứa nhiều acid amin và tinh dầu, có tác dụng làm thanh sáng đầu óc và giảm huyết áp...
Cà chua: Là thực phẩm rất giàu vitamin C và P, nếu ăn thường xuyên mỗi ngày 1- 2 quả cà chua sống sẽ có khả năng phòng chống cao huyết áp rất tốt, đặc biệt là khi có biến chứng xuất huyết đáy mắt.
Cà tím là thực phẩm rất giàu vitamin P, giúp cho thành mạch máu được mềm mại, dự phòng tích cực tình trạng rối loạn vi tuần hoàn hay gặp ở những người bị cao huyết áp và các bệnh lý tim mạch khác.
Cà rốt: Có tác dụng làm mềm thành mạch, điều chỉnh rối loạn lipid máu và ổn định huyết áp. Nên dùng dạng tươi, rửa sạch, ép lấy nước uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần chừng 50ml. Đây là thứ nước giải khát đặc biệt tốt cho những người bị cao huyết áp có kèm theo tình trạng đau đầu, chóng mặt.
Ngoài ra một số thức ăn tốt cho người cao huyết áp như: Hành tây, Nấm hương, Nấm rơm, Mộc nhĩ, Tỏi, Lạc, Hải tảo, Đậu hà lan, Đậu xanh, Táo, Chuối tiêu, Dưa hấu, Dưa chuột.......
Không được uống rượu, bia, cà phê, hút thuốc lá: Đây là những thức uống gây ra nhiều bệnh như huyết áp, tim mạch ung thư…
Nên uống nước râu ngô, hoa hòe, mã đề... giúp lợi tiểu.
Theo suckhoedoisong.vn