Ở nước ta, tục bơi trải đã có từ xa xưa và có ở nhiều nơi, đây là hình thức luyện quân thủy của cha ông ta, tinh thần đoàn kết của những đội thủy binh rồi trở thành cuộc đua tài của các thôn, xóm nhân kỳ tiệc làng gắn với lễ thức cầu mùa màng, trồng trọt của các làng xã dọc hai bên bờ sông Hồng, sông Lô. Dọc dòng sông Lô, hội bơi trải hiện nay chỉ có ở Bạch Hạc - Việt Trì - Phú Thọ và Tứ Yên - Sông Lô - Vĩnh Phúc.
Hàng năm Tứ Yên có nhiều các kỳ lễ hội làng nhưng hội bơi trải là một trong những hội hấp dẫn và quan trọng nhất. Tứ Yên tổ chức hội bơi trải vào 2 ngày 25,26 tháng 5 âm lịch hàng năm, hội bơi trải mở vào dịp này chính là hình thức khai hạ, mừng nước vốn có từ lâu đời ở vùng cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.
ở Tứ Yên tục bơi trải không chỉ là hội làng mà tục bơi trải ở đây còn mang ý nghĩa lịch sử, nhằm tái hiện lại những trận chiến tưng bừng trên sông. Tứ Yên từ rất xa xưa đã có đình và miếu thờ thánh Tản Viên và vua Lý Nam Đế, tức Lý Bí, người anh hùng dân tộc, có công đánh đuổi giặc Lương, lập ra nhà nước Vạn Xuân vào đầu thế kỷ thứ VI, nhà nước độc lập, tự chủ đầu tiên của dân tộc ta. Năm 544, trước sự tấn công của quân Lương, vua Lý Nam Đế đã từ Long Biên (Hà Nội ngày nay) rút lực lượng về xây dựng căn cứ ở miền rừng núi Lập Thạch. Sau đó, Ngài đem quân ra mai phục ở vùng hồ Điển Triệt, tức là hồ Miêng của xã Tứ Yên để giao chiến với quân giặc. Tại đây đã diễn ra trận thủy chiến vang dội trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Quân ta do lực lượng còn non yếu nên đã thất bại. Vua Lý Nam Đế phải rút quân về động Khuất Lão (Tam Nông, Phú Thọ) rồi trao binh quyền cho tướng Triệu Quang Phục tiếp tục cuộc kháng chiến chống quân Lương, rồi Ngài mất ở đó.
Tuy bị thất bại, nhưng cuộc khởi nghĩa Lý Bí ở thế kỷ thứ VI đã để lại những dấu tích hào hùng trên mảnh đất Tứ Yên, khiến mỗi người dân các thôn Yên Lập, Yên Mỹ, Yên Phú, Yên Lương dù đang lao động, học tập và sinh sống ở đâu cũng luôn cảm thấy tự hào về quê hương, xứ sở của mình. Những cái tên như Rừng Cấm, đồi Ông Ngự, Thành Lĩnh là nơi vua ở; những Phù Giai, Phù Lánh, Phù Yến, Phù Chè, Phù Gầm... là nơi quân ta mai phục; những cái tên nghe dân giã và hoang sơ như Bến Bêu, Đồng Bịch, Cơm Son, hóc áo trôi, Đồng Quét... vốn có từ rất xa xưa và liên quan đến sự có mặt của vị Hoàng đế đầu tiên của dân tộc, cùng hàng vạn nghĩa quân do Lý Bí chỉ huy, đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh oanh liệt trên vùng đất địa linh nhân kiệt này cách nay 1.500 năm. Tất cả những cái đó đã đi vào máu thịt của mỗi người dân Tứ Yên từ cụ già đến em nhỏ, không ai là không biết đến.
Truyền thống uống nước nhớ nguồn vốn là truyền thống nghìn đời của dân tộc ta. Người dân Tứ Yên đã dựng đình miếu để thờ cúng, tưởng nhớ và tôn vinh người anh hùng Lý Bí và thờ vọng Thánh Tản Viên, người có công dựng nước thời đại Hùng Vương. Khi có đình, có miếu thì hàng năm làng tổ chức lễ hội. Hội bơi trải đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống của những người dân vùng quê quanh năm gắn bó với sông nước. Người dân nơi đây từ lâu đời đã truyền nhau câu ca “Rau gác, Hạc bơi, Hạc gác, Me bơi, Me gác, Đức Bác bơi, Đức Bác gác, Dạng bơi”. Tìm hiểu nguồn gốc câu ca thì được biết đây là trình tự thời gian tổ chức thi bơi trải của các địa phương dọc hai bờ sông Hồng, sông Lô (thuộc huyện Vĩnh Lạc và Lập Thạch, trước thuộc phủ Tam Đái - trấn Sơn Tây) có tục bơi trải, đua trải và những cuộc đua này kế tiếp nhau. Mở đầu là kẻ Rau (tức làng Cựu ấp, nay thuộc xã Liên Châu huyện Yên Lạc) tiếp đến tiệc bơi của kẻ Hạc (nay là phường Bạch Hạc TP Việt Trì - Phú Thọ), sau Bạch Hạc là tiệc bơi của kẻ Me (nay là xã Yên Lập huyện Vĩnh Tường), sau Me là tiệc bơi của Đức Bác (nay là xã Đức Bác huyện Sông Lô) cuối cùng là đến tiệc bơi trải của Dạng (nay thuộc xã Tứ Yên huyện Sông Lô).
Trải của các làng ở Tứ Yên được đóng bằng gỗ trò đẽo liền, sơn đỏ. Đầu trải hình đầu chim phượng, thân trải thót dần uốn hình đuôi tôm cong ngược. Trải dài 20,5m, lòng trải chia thành nhiều khoang, chỗ rộng nhất là 1,5m. Mỗi trải có 36 tay giầm, chia thành 18 cặp ngồi hàng ngang. Người bơi trải là những trai tráng khỏe mạnh được tuyển chọn, ngồi quỳ một chân xuống mạn trải theo tư thế thống nhất, tay cầm dầm đúng chiều. Chuôi dầm sơn đỏ mái dầm sơn trắng, khi bơi phải theo đúng nhịp hò của người hò mõ, tay bơi miệng phụ họa theo tiếng hò.
Người hò mõ đầu chít khăn mỏ dìu, lưng thắt khăn đỏ, phải là người có giọng hò và nhịp mõ dứt khoát, lại có thể xen vào những câu pha trò, có khi tục tĩu một cách nghệ thuật để cổ vũ khích lệ sự hăng hái của các tay bơi.
Người đứng hầu trải cởi trần đóng khố, lại trát lá mồng tơi lên người cho trơn để đối phương không nắm được. Người này có nhiệm vụ phất cờ, khi cần thì có nhiệm vụ vít tay lái của đối phương để vượt lên. Lúc đó hầu trải được hạ xuống, người giữ hầu lập tức ngồi lên như cưỡi ngựa, hai chân khóa chặt, do đó phải là người lực lưỡng, khỏe mạnh và quyết đoán.
Cuối cùng là người lái, mặc quần áo lụa, đội nón dứa đứng ở đằng lướu trải. Người này phải là người mưu trí, có kinh nghiệm cho trải đi đúng luồng lạch, khi cần có thể áp sát đối phương hoặc rẽ ngang chặn đường đội bạn để rồi vượt lên trước. Lại còn phải biết tránh xa chỗ có cổ động viên của đối phương đứng trên bờ.
Hội bơi trải đã thành tập tục, một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa-tinh thần của nhân dân, đặc biệt là những người dân sinh sống dọc theo vùng sông nước. Ngày hội bơi trải không khí rất náo nức, tiếng hò reo của những người tham gia hội bơi trải và cả của những người cổ vũ trên bến dưới thuyền. Hình ảnh những chiếc thuyền đầu chim phượng đuôi hình đuôi tôm cong ngược với những tay trải mặc đồng phục rẽ sóng lao vun vút trông rất đẹp mắt. Do có nhịp điệu thống nhất nên khi trải lướt trên sông, đứng xa nhìn giống như một con chim phượng khổng lồ, mình đỏ, cánh trắng đang sải cánh tung bay trên sóng nước.
Tứ Yên có 4 thôn, mỗi thôn có một trải, mỗi trải có 36 tay chèo, bơi từ bến Yên Lương tới bến Yên Lập lại bơi trở về, dọc đường bơi trên sông đều cắm cờ. Ngày hội ngoài việc tế lễ ở đình miếu, còn có hình thức rước kiệu và bơi trải giữa hai làng Yên Lương và Yên Lập. Trước giờ xuất phát các làng sắm lễ vật cúng quan Hà Bá. Các trải của hai làng dàn hàng ngang dưới dòng sông Lô trước cửa đình Yên Lập rồi bơi vòng quanh Soi Rạng, sau đó khi nào có hiệu lệnh thì các tay trải mới được vung giầm, hò reo để cố cho trải mình lao lên trước. Trên dòng sông rộng, từ vị trí xuất phất cho đến khi về đích, ngoài sự cố gắng của các tay bơi để giành được thắng lợi còn phải nhờ vào sự mưu trí của người cầm lái, làm sao cho trải lướt đi trên đoạn đường ngắn nhất. Khi gặp trải đối phương tiến sát, cố ý gây cản trở thì lúc đó phải cần đến sức lực, các tay bơi vừa phải đẩy trải đối phương ra vừa lôi giật lại. Những lúc đó, người cầm lái phải hết sức vững vàng, giữ cho trải không bị ngoặt, nếu ngoặt là thua cuộc.
Sau những lần thi bơi trải, người bơi cũng như người xem đều mệt lả, tắt tiếng vì hò reo. Nếu như những ai đã tham gia vào hội bơi trải chắc hẳn không quên được không khí náo nức, tiếng hò reo của hàng ngàn chàng trai, cô gái trên bến, dưới thuyền và hình ảnh những chiếc thuyền đầu hình chim phượng, đuôi hình đuôi tôm cong vút với các tay chải mặc đồng phục, vun vút rẽ sóng lao như tên trên sông nước. Cuộc thi trải năm nào cũng diễn ra quyết liệt, thu hút sự chú ý, theo dõi của rất đông khách thập phương đứng trên bờ xem. Không khí làng quê trong những ngày lễ hội đó thật tưng bừng và náo nhiệt. Làng nào chiến thắng thì được thưởng, mặc dù thưởng không nhiều nhưng niềm vui và vinh dự thì náo nức trong cả năm, mọi người tin rằng năm đó làng mình sẽ an khang thịnh vượng.
Hội bơi trải có ở nhiều nơi, nhưng phần lớn mang tính chất thể thao, giải trí. Nhưng hội bơi trải Tứ Yên lại mang đậm ý nghĩa tâm linh, gắn liền với những sự kiện lịch sử trọng đại. Vì nơi đây đã từng diễn ra những cuộc thủy chiến giữa quân ta chống lại những cuộc xâm lăng của phong kiến phương Bắc. Do vậy, lễ hội bơi trải còn là để tái hiện lại những trận đánh trên sông nước, từng đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Trước đây, không chỉ hai làng Yên Lập và Yên Lương thi bơi trải với nhau mà còn thi bơi với cả Bạch Hạc, trong đó có một lần trải Yên Lập bị đắm ở ghềnh Mỏ Cú, nhưng không ai bị chết đuối. Mọi người cho là do vua Thủy Tề thấy trải Yên Lập đẹp, trai Yên Lập khỏe nên định lấy đi, nhưng vì có Sơn Tinh, tức Thánh Tản Viên phù trợ nên không làm gì được.
Không chỉ vậy, Tứ Yên còn là nơi có di tích hồ Điển Triệt, vốn là căn cứ mai phục của nghĩa quân Lý Bí trong cuộc kháng chiến chống quân Lương, gần đây người dân thôn Yên Phú vẫn còn dùng thuyền lườn để đi lại trên hồ. Thuyền lườn được ghép bằng ba mảnh ván dài, bịt hai đầu hình máng lợn, lúc không cần thì dìm ngâm dưới nước, khi cần lại kéo lên lắc bỏ nước cho nổi. Nguồn gốc của thuyền lườn chính là thuyền độc mộc có từ thời vua Lý Nam Đế đánh quân Lương. Giữa vùng hồ mênh mông và đồng trũng mọc đầy cỏ lác và rong đuôi chó thì thuyền độc mộc rất tiện cho việc luồn lách, tàng ẩn, giúp cho việc đánh thắng giặc. Những chiếc trải vốn là sự cách điệu, nâng cao hình ảnh các chiến thuyền thời xưa mà nguồn gốc của nó chính là thuyền độc mộc. Lễ hội bơi trải còn là một lễ hội làng đã gắn bó với người dân Tứ Yên từ rất là lâu đời và hội bơi trải còn nói lên tinh thần thượng võ của dân tộc ta, gợi lại chiến thắng Bạch Đằng thời Ngô Quyền, Lục Đầu Giang thời Trần Hưng Đạo.
Trong kháng chiến chống Pháp, hội bơi trải lần cuối cùng được tổ chức vào ngày từ 23 đến 27 tháng 5 năm Bính Tuất (1946), với quy mô lớn, kéo dài tới 5 ngày để mừng Cách mạng Tháng Tám thành công nước nhà vừa giành được độc lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của chính quyền mới, hội làng không còn giữ nguyên tục lệ như cũ mà đã có những đổi mới cho phù hợp. Sau đó, nhân dân ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, rồi thực dân Pháp tấn công lên sông Lô, Việt Bắc, trải của làng cũng bị quân Pháp đốt cháy khi chúng hành quân đi qua. Từ đó đến nay, sau hơn 60 năm, hội bơi trải của hai làng Yên Lương, Yên Lập bị gián đoạn. Tới năm 2001, do có chủ trương của Đảng và Nhà nước cho phép tu tạo lại các đền chùa, khôi phục các lễ hội truyền thống. Dưới sự sự lãnh đạo của Đảng ủy, UBND xã, đình làng Yên Lập và chùa Tứ Yên được tu tạo lại bằng sự đóng góp công sức của nhân dân, sự cung tiến tiền của các nhà hảo tâm. Và đầu năm 2004, cả đình và chùa đều được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận là di tích văn hóa, lịch sử. Từ đó đến nay, việc tổ chức tế lễ hàng năm đều được duy trì. Lòng dân ngày càng hướng về cội nguồn dân tộc, ngưỡng vọng, tri ân những người có công đối với đất nước.
Năm 2009, được sự quan tâm của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Vĩnh Phúc đã trực tiếp về làng Yên Lập để tìm hiểu và làm việc với lãnh đạo địa phương về việc khôi phục lại lễ hội bơi trải hàng năm. Sau đó, được sự quan tâm của UBND tỉnh Vĩnh Phúc duyệt chi cho xã số tiền là 300 triệu đồng, đầu tư cho đóng ba chiếc trải. Và lần đầu tiên, sau hơn 60 năm gián đoạn, lễ hội bơi trải truyền thống của Tứ Yên được khôi phục lại từ năm 2010, đã đáp ứng được lòng mong mọi của mọi người dân. Đây là một hoạt động văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đánh dấu sự khởi đầu cho một thời kỳ mới, thời kỳ Tứ Yên với những ngày lễ hội tưng bừng, không khí làng quê ven sông Lô này bắt đầu khởi sắc. Mặc dù mới được khôi phục lại 2 năm và quy mô vẫn chưa được như trước, nhưng tin rằng sau khi lễ hội bơi trải được phục hồi, hàng năm sẽ thu hút được đông đảo du khách mỗi khi diễn ra lễ hội. Đây là một điểm du lịch giải trí hấp dẫn, chắc chắn trong tương lai lễ hội bơi trải cùng với một số điểm du lịch như: Núi Sáng -thác Bay, hang Đề Thám, hồ Bò Lạc, Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, hội chọi trâu, tháp Bình Sơn… là điểm dừng chấn lý tưởng của khách du lịch khi đến Vĩnh Phúc và nó sẽ đem lại nguồn thu đáng kể cho sự phát triển kinh tế xã hội của Sông Lô.
ST