Yêu nước, thương dân là giá trị tư tưởng lớn nhất trong thơ ca Việt Nam từ xưa đến nay. Điều này hiển hiện rõ qua những giai đoạn lịch sử thăng trầm, nhiều giông bão của đất nước. Thời gian qua, thơ về biên giới, biển đảo xuất hiện nhiều và có những tác phẩm lan tỏa nhanh trong công chúng. Có thể xem đấy cũng là những cột mốc thi ca khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Đoàn văn nghệ sĩ Tiền Giang bên tượng đài
"Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải" trên đảo Lý Sơn.
Không chỉ nói về sự hy sinh anh dũng của người lính trẻ trong chiến đấu, thơ ca còn ghi nhận sự chịu đựng lặng lẽ đời thường của những chiến sĩ nơi biên cương heo hút trong thời bình; khi cuộc sống đó đây còn nhiều xô bồ, bất ổn: Những mùa đi thăm thẳm / Trong mung lung chiều tà / Có bao chàng trai trẻ / Cứ lặng thinh mà già… (Thơ Trần Đăng Khoa). Thơ bám riết vào cuộc sống, lấy phôi liệu từ hiện thực xã hội trong đó có hoàn cảnh của riêng mình để dựng nên cấu tứ, tìm tòi chọn lọc hình ảnh, sử dụng ngôn ngữ trên nền xúc cảm chân thật, sâu sắc là xu hướng chung của nhiều tác giả. Có lẽ nhờ thế mà độ mặn của thi ca được tăng lên. Bắt gặp tâm trạng của một nhà thơ - người lính tình nguyện từng chiến đấu tại Cam-pu-chia: Chợt vang trầm những Âm pin, Pôi pét / Những Viêng vênh, Đăng rếch, Tà Sanh / Cơn đói vã trận sốt rừng nghiêng ngả / Đau đớn ấy ngoài em giờ còn ai biết nữa / Heo hắt bóng đêm tựa cửa dõi nhìn / Nước mắt cạn rồi em còn khóc / Những giọt buồn đọng trên tóc bạc dần đi… (Thơ Lê Mạnh Tuấn).
Tôi muốn nhấn mạnh tới mảng thơ viết về biển đảo sau năm 1975. Một mảng thơ, theo tôi, có nhiều tác động rộng rãi, sâu sắc tới công chúng. Thực ra, biển đảo Tổ quốc là đề tài không xa lạ với nhiều nhà thơ Việt Nam. Trước đây, một số nhà thơ nổi tiếng từng có những thi phẩm về biển đảo được chú ý như Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận; Biển của Xuân Diệu; Sóng của Tế Hanh; Cồn Cỏ của Hải Bằng; Cô gái Bạch Long Vỹ của Xuân Thiêm… (trước năm 1975). Thuyền và biển và Sóng của Xuân Quỳnh; Trường ca Biển của Hữu Thỉnh; Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, Đồng đội tôi ở đảo Thuyền Chài, Thơ tình người lính biển của Trần Đăng Khoa; Buồm nâu biển biếc của Anh Ngọc… (sau năm 1975). Đáng chú ý, tình hình bất ổn trên Biển Đông vừa qua làm dấy lên những xúc cảm mạnh mẽ với người sáng tác. Nhiều bài thơ đã được ra đời, khẳng định chủ quyền Tổ quốc, khích lệ lòng yêu nước nồng nàn. Có thể kể đến các bài thơ ít nhiều được bạn đọc chú ý như Hào phóng thềm lục địa của Nguyễn Thanh Mừng; Mộ gió của Trịnh Công Lộc; Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến; Tổ quốc - cánh sóng của Huệ Triệu; Tiếng chuông chùa giữa đại dương xanh của Phan Hoàng; Gió nhà giàn của Nguyễn Quang Hưng; trường ca Người sau chân sóng của Lê Thị Mây; trường ca Tổ quốc - Đường chân trời của Nguyễn Trọng Văn; trường ca Hạ thủy những giấc mơ của Nguyễn Hữu Quý; trường ca Biển mặn của Nguyễn Trọng Tạo; tập thơ Trường Sa ơi Trường Sa của Lưu Thị Bạch Liễu... Cái chung nhất của các thi phẩm viết về biển đảo là sự khẳng định chủ quyền Tổ quốc với lòng yêu nước nồng nàn. Nếu tập hợp lại, ta sẽ có một bản trường ca yêu nước hoành tráng và sâu lắng. Mộ gió của Trịnh Công Lộc là một trong những bài thơ xúc động, ấn tượng nhất viết về Hoàng Sa và biển đảo của Tổ quốc; về những người lính canh giữ biển đảo đã không trở về: Mộ gió đây / đất thành xương cốt / cứ gọi lên là rõ hình hài… Mộ gió đấy, giăng từng hàng, từng lớp / vẫn hùng binh giữa biển đảo xa khơi / à mộ gió / gió thổi hoài, thổi mãi / Thổi bùng lên / những ngọn sóng / ngang trời!
Tầm vóc biển đảo của Việt Nam được nâng lên đáng kể trong thơ ca, vừa bao la rộng lớn, vừa sâu thẳm dạt dào từ những hình ảnh mang tính biểu tượng rất cao: Buồm ơi buồm, người có thực hay chăng / Để con sóng ngổn ngang lời tâm sự / Để mỗi sáng, mỗi chiều như nỗi nhớ / Tự chân trời Tổ quốc lại hiện lên… Và: Hạnh phúc lớn lao ở cuối mỗi hành trình / Từng ngọn gió cũng ùa lên cặp bến / Dân tộc tôi khi tìm về với biển / Gặp cánh buồm căng bát ngát tự do… (Thơ Anh Ngọc). Hay: Theo cha ra biển mở buồm / mây bay như nhớ cội nguồn về non / hải trình không dấu chân mòn / ngàn năm ngực vạm vỡ còn mặn theo. / Lời ru mẹ mắc cheo leo / gừng cay đầu sóng muối neo lòng rừng / đói lòng ăn đọt lá mưng / gánh non sông giữ điệp trùng vẹn nguyên… (Thơ Nguyễn Hữu Quý). Hoặc: Nhặt lên hạt muối thưa rằng / Một phần biển mặn. Mấy phần máu xương… (Thơ Nguyễn Trọng Tạo). Tình yêu lứa đôi cũng được lồng vào tình yêu biển đảo, tình yêu đất nước. Trong cái rất quen thuộc này ta vẫn nhận ra những lấp lánh nồng nàn của công cuộc giữ nước hôm nay: Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên / Bão táp chưa ngưng trong những vành tang trắng / Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng / Biển một bên và em một bên… (Thơ Trần Đăng Khoa).
Dù ở thời nào, thơ vẫn luôn cần đến công chúng rộng lớn, đông đảo để truyền cảm, chia sẻ. Muốn làm được điều đó, trước hết thơ phải có tư tưởng lớn, phải gắn bó với đất nước, nhân dân. Thơ mang trong mình tình cảm, tâm hồn dân tộc như lá cây cần có diệp lục để xanh tươi vậy. Tách rời những điều đó, thơ khó tìm được điểm tựa vững chãi để tồn tại. Dù chiến tranh hay hòa bình, thơ cũng phải có trách nhiệm với Tổ quốc và nhân dân; đó vừa là nghĩa vụ vừa là tình cảm của người cầm bút. Tuy nhiên, để chuyển tải được tư tưởng và nội dung lớn, thơ cần có chất lượng nghệ thuật cao. Và đó cũng là cái khó đạt tới nhất của quá trình sáng tác thơ, kể cả khi viết về biên cương, biển đảo trong công cuộc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng muôn vàn gian khó.
Nguyễn Hữu Quý
Theo nhandan.com.vn