Theo thống kê năm 2014, tỉnh Vĩnh Phúc hiện có gần 1.700 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có trên 270 ngôi đình. Hầu như ở làng, xã nào trong tỉnh cũng có đình làng, gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương. Đây là nơi thờ Thành hoàng, có thể là nhân thần hay nhiên thần, nhưng đều có công với quê hương, đất nước, được nhân dân tôn thời trải qua nhiều thế hệ đến ngày nay.
Đình ở Việt Nam có niên đại sớm nhất dưới thời nhà Trần, thế kỷ XIII, ở Vĩnh Phúc có muộn hơn dưới thời hậu Lê, thế kỷ XV; nhưng chủ yếu được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII. Trước đây, đình thường có 3 gian 2 trái, gian giữa là nơi đặt bài vị thờ Thành hoàng làng. Cuối thế kỷ XVII từ gian giữa vốn có của đình, nhân dân các làng xã xây dựng thêm phần chuôi vồ, kéo dài về phía sau, tạo cho đình làng có kiến trúc kiểu chữ Đinh. Đến cuối thế kỷ 17 trở đi, đình làng ở Việt Nam nói chung, Vĩnh Phúc nói riêng được bổ xung thêm tòa tiền.
Cấu trúc đình làng hiện nay có 3 phần, gắn với 3 chức năng khác nhau: Sân đình là nơi sinh hoạt văn hóa của làng xã, thường là nơi tổ chức các lễ hội và tiệc làng. Đại đình với chức năng sinh hoạt chính trị, là nơi dân làng thường tổ chức họp bàn mỗi khi làng có việc quan trọng. Thượng cung là nơi thờ Thành hoàng và cũng là nơi trang trọng nhất của đình làng, bầy bài vị, ngai, hương án và tượng của vị thần được thờ.
Các đình làng ở Vĩnh Phúc còn lưu giữ được đến ngày nay đã trải nhiều lần trùng tu, tôn tạo do sự tàn phá của thời gian, nhưng đa số vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ, chỉ có một số ít đình làng do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nên không còn giữ được kiến trúc ban đầu. Nhất là trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thực hiện mục tiêu: “tiêu thổ kháng chiến” mà Đảng và Nhà nước đề ra, không để đình làng làm nơi đóng quân của kẻ thù, tạo điều kiện cho kẻ địch tàn phá các làng xã Việt Nam, nên nhân dân Vĩnh Phúc nói riêng, Việt Nam nói chung đã tháo rỡ đình làng để kháng chiến bảo vệ quê hương. Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954, đáp ứng nguyện vọng tâm linh của nhân dân, chính quyền các cấp đã cho phép nhân dân địa phương trùng tu, xây dựng lại đình làng.
Đình làng là di tích lịch sử văn hóa, đồng thời còn là di tích cách mạng. Qua các thời kỳ các mạng của dân tộc Việt Nam, đình làng là nơi sơ tán các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể ở trung ương và địa phương. Đồng thời nơi đây còn là trụ sở hoạt động bí mật của các chiến sĩ cách mạng và dân quân du kích để đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước.
Như tất cả các đình ở vùng châu thổ sông Hồng, đình ở Vĩnh Phúc được khởi dựng trên khu đất được coi là linh thiêng nhất của làng. Đình thường được xây dựng to lớn, bề thế theo kiểu chữ đinh, bên cạnh đó còn có một số địa phương xây dựng đình theo kiểu chữ nhất, chữ nhị, chữ tam, chữ công, chữ quốc. Xung quanh đình xây tường bao loan, với chức năng bảo vệ đình.
Đình ở Vĩnh Phúc được kiến trúc cầu kỳ, gia cố bền chắc, với kiến trúc gỗ là chủ yếu. Toàn bộ vật liệu làm đình đều là gỗ tốt, chủ yếu là gỗ lim, được kén chọn cẩn thận cả về kích thước và độ già của gỗ. Bộ khung gỗ của kiến trúc đình trước hết là các cột. Tòa đại đình thường được dựng từ 4 đến 8 hàng cột, bao gồm cột cái, cột quân và cột hiên; được tạo hình “đầu cán cân, chân quân cờ”. Liên kết ngang lòng đình trên cơ sở các cột là kết cấu vì, liên kết dọc tòa đình là hệ thống các loại xà.
Nằm trong nghệ thuật điêu khắc đình làng ở châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, đình làng Vĩnh Phúc có một vị trí đặc biệt, nơi lưu giữ mảng đề tài điêu khắc gỗ phong phú, trên các bức cốn nong, cốn nách, ván nong, cái kẻ, chiếc bảy, con rường…đều được các nghệ nhân xưa trang trí làm mềm mại và đẹp hơn cho phần kiến trúc vốn cứng cáp, thô mộc của đình làng.
Trạm khắc trên gỗ ở đình làng Vĩnh Phúc chủ yếu tập chung ở 2 mảng đề tài: trạm khắc, trang trí có người và trạm khắc, trang trí không có người. Bên cạnh đề tài mô phỏng cuộc sống hằng ngày của người dân lao động như: Ngày hội xuống đồng, đánh ghen, vũ nữ cưỡi rồng, vợ chồng lười, đi cầy, chăn trâu, đá cầu, đấu vật, bắn hổ, đánh cờ, uống rượu…Còn có các đề tài trang trí “tứ quý” (tùng, trúc, cúc, mai), tứ linh (long, ly, quy, phượng), là những linh vật biểu trưng cho sức mạnh trường tồn và cái đẹp quý phái, trong đó hình tượng rồng luôn được đề cao và chú ý khắc họa nổi bật hơn trong các mảng đề tài trang trí ở kiến trúc đình làng. Bởi xuất phát từ quan niệm dân gian – rồng mang biểu trưng của sức mạnh của vũ trụ, với ước mong cho “mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu”, cuộc sống của con người được ấm no, hạnh phúc.
Bên cạnh đó, những bức chạm khắc có người ở đình làng Vĩnh Phúc còn giống như một tấm gương, phản ánh một cách trung thực, sinh động xã hội đương thời – đó là xã hội phong kiến mà quyền lực thâu tóm trong tay nhà vua, với chức năng “pháp trị” mà đình làng là nơi trị sở thực thi. Thế nhưng, trên các bức chạm khắc ở đình làng Vĩnh Phúc không thiếu những cảnh trai gái giao duyên, vũ nữ cưỡi rồng…điều này đối lập với hệ tư tưởng phong kiến đương thời. Người nghệ sỹ dân gian đã dám vượt lên tất cả để tôn vinh, ca ngợi quyền tự do của con người.
Đi đôi với kiến trúc độc đáo, đình làng Vĩnh Phúc còn lưu giữ được nhiều di vật cổ có giá trị về lịch sử cũng như trong đời sống tâm linh của nhân dân như: Án thư, lư hương, hoành phi, câu đối; đặc biệt là các đạo sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam, trong đó phần nhiều là dưới triều Nguyễn. Đây là sự công nhận của triều đình với ngôi đình và công lao ton lớn của vị thần được nhân dân tôn thờ đối với quê hương, đất nước. Ngày nay, một số ngôi đình ở Vĩnh Phúc được được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa. Điều ngày đã góp phần nói lên sự quan trọng của đình làng trong đời sống tinh thần của nhân dân Vĩnh Phúc nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung.
Hằng năm, các đình làng Vĩnh Phúc thường tổ chức lễ hội vào mùa xuân và mùa thu, trong đó đa phần là vào mùa xuân, tức là từ sau Tết Nguyên đán đến hết tháng 3 âm lịch; bên cạnh đó có một số địa phương trong tỉnh tổ chức lễ hội vào các ngày sinh và ngày hóa vị Thành hoàng mà nhân dân địa phương tôn thờ. Lễ hội không chỉ nhằm gắn kết các thành viên trong làng, trong mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, mà còn khơi dậy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” có tự ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
Lễ hội có 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang trọng, nhằm tưởng nhớ công lao to lớn vị Thành Hoàng làng mà dân làng tôn thờ, với các nghi thứctrang trọng như: lễ dâng hương, dâng lễ vật, đọc trúc văn và các nghi thức cúng tế... Phần hội được tổ chức với các trò chơi dân gian đặc sắc tại sân đình. Ở Vĩnh Phúc các trò diễn hội làng được chia ra làm 4 loại cơ bản như: hội làng tái hiện lại sự kiện lịch sử, hội cầu đinh, hội vui khỏe và hội đua tài thi khéo, trong đó tiêu biểu như các trò chơi: đánh đu, bắt vịt trong ao, đánh phết, kéo co, đấu vật, thi nấu cơm, làm cỗ, trình nghề, … Ngoài ra, ở một số làng xã trong tỉnh còn có lễ hội còn tái hiện lại sự tích có liên quan tới vị thần mà làng tôn thờ như: lễ hội trâu rơm bò rạ, trò tứ thú nhân lương, búc bụt, múa mo…
Trải qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử, đình làng Vĩnh Phúc nói riêng, hệ thống đình làng Việt Nam nói chung vẫn mãi như là một minh chứng cho đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo tinh tế và là nơi để mỗi người dân Việt gửi gắm niềm tin, tâm hồn của mình sau những tháng ngày lao động vất vả. Xin được mượn lời của GS, TS Đặng Trần Tiêu để làm lời kết cho bài viết này: “Mỗi di tích của chúng ta, dù lớn hay nhỏ, đều được hun đúc từ truyền thống Việt Nam, tâm hồn Việt Nam, bản sắc, cốt cách Việt Nam từ đời này kế tiếp đời khác, và thế là chúng trở nên quý giá, đáng trân trọng và bảo vệ. Bảo vệ, tu bổ và tôn tạo di tích cũng chính là chúng ta đang đọc và thực hiện bản thông điệp không lời của tiền nhân gửi lại cho chúng ta, cho hôm nay và mai sau”.
ST