Cập nhật: 05/12/2016 08:44:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mưa, lũ lụt, ẩm, gió mùa đông bắc tràn về, đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) ở người cao tuổi rất dễ xuất hiện. Vì vậy, cần hết sức đề phòng.

Điển hình nhất của COPD là khó thở, ho, khò khè và có hiện tượng tăng tiết nhiều chất nhầy và đờm

COPD (Chronic Obstructive Pulmonary Disease) là một bệnh gây tắc nghẽn thường xuyên lưu lượng khí thở ra, bệnh càng ngày càng nặng và khó hồi phục, bệnh xảy ra chủ yếu ở người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi. COPD có 2 thể bệnh: thể viêm phế quản mạn tính và thể khí phế thũng. Có trường hợp mắc cả viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng, trong khi đó, triệu chứng của 2 thể tương tự nhau nên người ta gọi là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Thống kê cho thấy rằng những người nghiện thuốc lá, thuốc lào có nguy cơ mắc COPD chiếm tỉ lệ cao nhất và có ước tính rằng cứ 5 người nghiện thuốc lá, sẽ có một người mắc COPD. Tỉ lệ tử vong do bệnh COPD rất cao (đứng hàng thứ 4 trong các nguyên nhân gây tử vong trên thế giới).

Biểu hiện của bệnh

Điển hình nhất của COPD là khó thở, ho, khò khè và có hiện tượng tăng tiết nhiều chất nhầy và đờm. Các triệu chứng này của bệnh gần giống với bệnh hen suyễn ở người lớn. Khó thở lúc đầu chỉ thỉnh thoảng, chưa liên tục. Tuy vậy, khi bệnh nặng sẽ luôn luôn thấy khó thở và đôi khi phải cấp cứu để thở oxy. Thở khò khè giống như hen suyễn vì phế nang bị sưng nề và xuất tiết nhiều (đờm) làm nghẽn đường dẫn khí. Ho lúc đầu vào buổi sáng, sau đó dần dần ho xuất hiện suốt cả ngày đêm. Ho ra đờm, lúc đầu ít, lỏng, càng về sau càng đặc quánh. Đờm của bệnh COPD thường trong hoặc hơi đục, đôi khi đờm có màu hơi vàng. Người bệnh luôn luôn cảm thấy rất mệt mỏi, gắng sức để thở do thiểu dưỡng khí, vì vậy, lười vận động, chán ăn

Khi nào được gọi là COPD?

Một người bệnh được chẩn đoán là COPD khi có biểu hiện ho, khạc đờm trên 3 tháng liên tục trong một năm và biểu hiện liên tiếp như vậy trong vòng hai năm trở lên; đồng thời khó thở càng ngày càng tăng. Bệnh nhân thường phải gắng sức để thở hoặc thở hổn hển. Đo chức năng hô hấp sẽ thấy chỉ số thông khí tắc nghẽn không hồi phục. COPD hay tái phát và đều có khả năng trở thành tâm phế mạn tính và COPD không liên quan đến chất gây dị ứng. Nên lưu ý rằng mỗi một khi đã có ho nhiều, khó thở nặng, tăng tiết chất nhầy nhiều, bệnh đã ở giai đoạn nặng.

Để chẩn đoán bệnh COPD ngoài triệu chứng lâm sàng, tiền sử hút thuốc, viêm phế quản mạn tính, tiếp xúc với môi trường độc hại bởi hóa chất, khói, bụi… trong thời gian dài. Người nghi là bị COPD cần đến bệnh viện để đo phế dung ký. Với kỹ thuật này nhằm giúp cho việc chẩn đoán phân biệt các bệnh gây tắc nghẽn đường thở như hen suyễn, COPD, bệnh xơ phổi.

Nguyên tắc điều trị

COPD là một bệnh mạn tính kéo dài trường diễn. Vì vậy, việc điều trị gặp không ít khó khăn, nhất là các đợt cấp của bệnh. Các nghiên cứu cho thấy các thuốc corticosteroids có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh hen suyễn cấp tính rất hiệu nghiệm nhưng lại không có tác dụng hoặc tác dụng hạn chế trong COPD giai đoạn ổn định, trong khi đó thuốc anticholinnergic dạng bơm đem lại hiệu quả khá cao trong COPD. Nhiều tác giả khuyến nghị nên dùng các thuốc anticholinergic (atrovent) là thuốc điều trị duy trì đối với COPD và khi bệnh tiến triển xấu. Cần kết hợp với các thuốc giãn phế quản, long đờm, corticoid. Nếu khó thở nặng có thể dùng diaphylin, cocticoid, khí dung (pulmicort), dùng thuốc long đờm, vỗ rung, cho bệnh nhân thở oxy. Trường hợp có suy hô hấp nặng, bệnh nhân rối loạn ý thức, tím tái, toan hô hấp mất bù cần phải thở máy. Nếu bệnh nhân có tâm phế mạn thì phải điều trị suy tim kết hợp. Tuy vậy, dùng thuốc gì, trong thời gian bao lâu, người cao tuổi bị COPD và người nhà bệnh nhân cần tuân theo một cách tuyệt đối chỉ định điều trị của bác sĩ và những tư vấn kèm theo mỗi một lần cấp cứu hoặc tái khám, dứt khoát không tự mua thuốc để điều trị.

Phòng bệnh như thế nào?

Để phòng COPD tái phát cấp tính, điều quan trọng là bỏ thuốc lá, thuốc lào, hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc với khí, hóa chất, khói độc hại, bụi. Nếu công việc phải tiếp xúc không thể tránh khỏi (do nghề nghiệp) cần có bảo hộ lao động đúng tiêu chuẩn. Nếu đã bị viêm phế quản mạn tính cần được khám bệnh và điều trị triệt để. Người cao tuổi sức đề kháng đã yếu cần đề phòng lạnh đột ngột (không tắm, rửa nước lạnh, tắm xong lau khô người và mặc quần áo ngay). Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột mưa nhiều, từ nóng chuyển sang lạnh hoặc lạnh vừa chuyển sang rét đậm, người cao tuổi nên hạn chế ra khỏi nhà lúc sáng sớm.

 

Ngoài ra, mặc dù trời lạnh, rét vẫn cần chú ý uống đủ nước, nên dùng nước đun sối để nguội, uống thêm các loại nước ép trái cây tươi. Đặc biệt, các thức ăn không nên dùng cho người cao tuổi nhiều thịt mỡ, thịt đông, các loại giò chả, lạp xưởng, xúc xích, bánh kẹo, nước ngọt, rượu bia… vì vừa khó tiêu, lại có các chất bảo quản không có lợi cho sức khỏe người cao tuổi, gây gánh nặng cho tim mạch, gan, thận.

Nên tập thể dục đều đặn hàng ngày, nhất là hít thở không khí trong lành trước và sau khi ngủ dậy. Có thể vẫn tập thể dục hoặc đi lại, vận động cơ thể ở trong nhà, không nên ra khỏi nhà khi thời tiết còn lạnh, nhất là lúc đang có gió mùa đông bắc. Cần vệ sinh họng, miệng sạch sẽ thường xuyên hằng ngày như đánh răng đều đặn sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy; súc họng bằng nước muối sinh lý (có thể tự pha chế)  trước khi đánh răng.

Để phòng bệnh COPD tái phát cấp tính trong mùa lạnh, người cao tuổi cần mặc đủ ấm, ngủ ấm, tránh gió lùa...

PGS.TS.BS. BÙI KHẮC HẬU

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm