Cập nhật: 01/12/2016 08:47:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Với kiến trúc đơn giản, mộc mạc, nhưng nhà sàn chứa đựng trong nó cả một nền văn hóa, những giá trị lịch sử đúc kết qua nhiều thế hệ dân tộc Cao Lan. Cũng từ đây, câu chuyện về một dân tộc nhỏ bé và gần gũi cho chúng ta thêm một lần nữa tìm hiểu và chiêm nghiệm.

Dưới chân núi Thét thấp thoáng những mái nhà sàn nhỏ bé trong bản lảng khói sương, vào sâu trong bản là một xã hội người Cao Lan thu nhỏ còn giữ được đầy đủ nét truyền thống lẫn trong không gian văn hóa đương đại ngày nay. Những ngôi nhà ở đây thường được làm ở vùng thung lũng, nơi có cánh đồng màu mỡ, ven các dòng suối để tiện cho nguồn nước sinh hoạt và sản xuất. Nhà làm thường dựa lưng vào thế đất cao của sườn đồi, sườn núi – đây chính là nét truyền thống của người Cao Lan khi chọn địa điểm làm nhà, theo tiêu chuẩn cả thế và hướng quy tụ được những tiêu chí của trời đất và vạn vật xung quanh, để tạo ra những điều may mắn và sức khỏe cho mọi người sống trong nhà. Người Cao Lan khi làm nhà cùng với việc chọn ngày, chọn  tuổi, còn đặc biệt quan tâm tới việc chọn hướng nhà  theo từng dòng họ như: họ Hoàng làm nhà hướng Tây Nam, họ Đào hướng Đông Nam và họ Trần chọn hướng Tây Bắc.

Cấu trúc ngôi nhà sàn Cao Lan chia làm 3 phần: mặt trên là gác để đựng lương thực, đồ dùng gia đình, sàn nhà là nơi sinh hoạt, nghỉ nghơi, còn gầm sàn nhà dùng để đựng các dụng cụ sản xuất, nhốt gia súc gia cầm.

Mái nhà truyền thống của người Cao Lan thường  có 4 mái, 2 mái trước và sau có hình thang cân, 2 mái đầu hồi có hình tam giác cân. Mái nhà thường được lợp bằng những nguyên liệu sẵn có trong rừng như lá chanh, lá cọ.

Nhà sàn Cao Lan thường làm từ 3 đến 5 gian, dựng bằng  gỗ, những trụ cột, xà ngang thường là những loại gỗ tốt, đường kính tối thiểu từ 30 cm trở lên. Trước đây, đồng bào thường chôn cột sâu dưới đất ít nhất 50 cm. Ngày nay, người Cao Lan, thường kê cột trên một phiến đá bằng phẳng để chống mối mọt, tăng độ bền của cột. Trong nhà sàn của người Cao Lan thường có một kèo xó ở ở phía hiên nhà rất quan trọng, được xem là linh hồn của nhà sàn Cao Lan.

Sàn nhà Cao Lan thường được lát bằng cây bươn hoặc gỗ, nhưng phổ biến vẫn là cây bươn, vì đây cũng là loài cây rất sẵn có và thân thuộc với bà con nơi đây. Trong khuân viên của lòng nhà, thường được bố trí một không gian tiếp khách ở gian  giữa của ngôi nhà – đây cũng là không gian để dành cho bố, mẹ ở, gian dành cho việc bếp núc ở canh cửa ra vào và thêm một gian phụ cho phụ nữ trong gia đình.

Trong những ngôi nhà sàn, chỉ có một số nhà mới có bàn thờ tổ tiên, vì theo phong tục của người Cao Lan, chỉ con trai trưởng của gia đình, dòng họ mới được lập bàn thờ tổ tiên. Khi có lễ, tết các thành viên trong gia đình, dòng họ sẽ tập trung tại nhà của người con trai trưởng để làm lễ thờ cúng.

Trong kiến trúc nhà sàn của đồng bào Can Lan, cầu thang sẽ giữ một vai trò quan trọng, là vật gắn bó thân thiết, gần gũi trong cuộc đời của mỗi người. Ai đã từng lên các bản làng Cao Lan, từng bước chân theo bậc cầu thang nhà sàn, hẳn sẽ rất khó quên được bậc cầu thang nghiêng nghiêng, mộc mạc luôn gắn bó với đời sống mỗi con người nơi đây.

Quan sát ngôi nhà sàn Cao Lan, ta thấy chiếc cầu thang bao giờ cũng mang số lẻ, thường là 5 bậc, 7 bậc hay 9 bậc. Giải thích điều này các cụ cao niên ở bản cho biết: Từ bao đời nay, người Cao Lan đã quan niệm, cầu thang làm 7 bậc ứng với 7 vía của người đàn ông, còn làm 9 bậc ứng với 9 vía của người phụ nữ. Bên cạnh tác dụng thiết thực, cầu thang còn là một bộ phận tạo nên vẻ đẹp cho ngôi nhà sàn. Đặc biệt, cầu thang của dân tộc Cao Lan từ bao đời nay còn gắn với phong tục rửa chân cầu thang cho nàng dâu mới trước khi về nhà chồng.

Hệ thống cửa sổ trong nhà sàn Cao Lan cũng có vai trò quan trọng trong việc tăng thêm tính thẩm mỹ kiến trúc nhà sàn, cũng như trong đời sống văn hóa của người Cao Lan. Những cửa sổ này giúp người trong nhà theo dõi mọi vật bên ngoài. Hình dáng kích thước và vị trí của cửa sổ trong mỗi ngôi nhà sàn Cao Lan cũng được những người thợ tính toán rất kỹ, để ngôi nhà luôn ấm về mùa đông, và mát mẻ, thoáng đãng về mùa hè.

Một phần không thể thiếu và quan trọng trong ngôi nhà sàn Cao Lan chính là bếp - bếp được coi là linh hồn của người Cao Lan. Đây không chỉ là nơi để chuẩn bị các bữa ăn mà còn là nơi diễn ra các hoạt động chính trong gia đình và cộng động.

Bếp luôn được người Cao Lan coi trọng, và giữ gìn ngăn nắp, sạch sẽ. Sự ấm cũng của gia chủ sẽ được phản ánh qua chiếc bếp. Ngọn lửa ấp áp của bếp nhà sàn thể hiện nét sinh hoạt văn hóa đoàn kết, ấm cúng và thân thiết của bà con dân tộc Cao Lan được lưu giữ qua bao thế hệ từ hàng trăm năm nay.

Nhà sàn không chỉ là nơi các hoạt động cuộc sống hằng ngày diễn ra, mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa , tín ngưỡng của cộng đồng Cao Lan. Những nếp nhà sàn hiện hữu giữa không gian của núi rừng là nơi chứng kiến buồn vui của bao thế hệ người con bản Cao Lan. 

Với dân tộc Cao Lan không đâu mộc mạc, gần gũi hơn những ngôi nhà sàn truyền thống, bởi đó chính là nơi họ được sinh ra và lớn lên, được nuôi dưỡng trong chiếc nôi văn hóa tràn ngập sắc màu, là tài sản của cha ông, tổ tiên họ, hơn cả đó chính là linh hồn văn hóa hội tụ của cả dân tộc Cao Lan qua hàng thế kỷ.

Những ngôi nhà sàn bình dị, ấm cúng khói lam chiều bảng lảng hòa quyện cùng những câu hát Sịnh ca – một làn điệu dân ca độc đáo của người Cao Lan, và những nét văn hóa đặc sắc khác của đồng đã làm nên một vẻ đẹp bình dị, nên thơ như một bức tranh sơn thủy của một nền văn hóa miền sơn cước.

Xã Quang Yên hiện nay, không còn nhiều lắm những ngôi nhà sàn  của đồng bao Cao Lan. Cơn lốc đô thị hóa lan nhanh về các thôn, bản đã kéo theo những tiện ích của nhịp sống hiện đại. Nhiều gia đình đã xây nhà cao tầng, nhà cấp bốn ba gian hai trái như của người Kinh, phù hợp với nhịp sống hiện đại. Dẫu vậy, những ngôi nhà sàn vẫn được những người cao tuổi nơi đây ra sức gìn giữ như một báu vật, như thể níu giữ mạch nguồn truyền thống thiêng liêng của tổ tiên, dòng tộc.

Tìm về văn hóa nhà sàn – tìm về cội nguồn dân tộc Cao Lan để thêm hiểu, thêm yêu và trân trọng những giá trị văn hóa đã trở thành truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời đối với mỗi người con bản Cao Lan, đó cũng chính là tìm về nét đẹp còn lưu giữ cho đến ngày hôm nay của dân tộc Việt Nam

 

 

 

ST

 

 

Tệp đính kèm