Cập nhật: 03/12/2016 08:08:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hình thành cách đây hàng nghìn năm, làng Thổ Tang xưa nay là thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc đã nổi tiếng là vùng đất nhiều nghề, giỏi giao thương buôn bán, cũng là vùng đất học với nhiều người đỗ đạt cao qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc. Bên cạnh đó, nơi đây còn có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa thờ Lân Hổ Đô Thống Đại Vương  - một vị tướng tài đã có công giúp vua Trần Nhân Tông đánh giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII, trong đó có đình Thổ Tang.  

Chuyện xưa kể rằng: Lân Hổ quê ở huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội). Thân mẫu ông là bà Phùng Thị Dung làm nghề kiếm củi mưu sinh. Một hôm, bà vào rừng kiếm củi vì mệt nên ngủ thiếp đi, bỗng có đám mây hồng bay đến bao quanh mình, lại có tiếng hổ gầm vang động cả khu rừng, bà giật mình tỉnh dậy, về nhà ít lâu mang thai, sinh ra một cậu bé khôi ngô tuấn tú, bà đặt tên là Lân Hổ. Lớn lên, Lân Hổ mình cao 8 thước, sức nhấc trăm cân, võ nghệ cao cường và có tài thao lược. Giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta, vua Trần Nhân Tông xuống chiếu tìm người hiền tài ra cứu nước. Nghe lời hiệu triệu vua ban, Lân Hổ xin ra nhập quân đội và được  vua Trần ban cho cầm quân đánh giặc ở phía Bắc của đất nước. Ông dẫn quân lên vùng Bạch Hạc (nay thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) bầy binh bố trận, lập phòng tuyến chiến đấu oanh cường và đã tiêu diệt được nhiều sinh lực địch. Sau ngày ca khúc khải hoàn, triều đình luận công ban thưởng, Lân Hổ được ban tước Hầu và được làm quan trong triều, nhưng ông từ chối xin được về quê phụng dưỡng mẹ già.

Bị thua, quân Nguyên Mông trở lại tìm cách báo thù. Lân Hổ lại được triều đình ban chiếu mời đánh giặc cứu nước. Ông bị thương khi đang chiến đấu ở vùng Bạch Hạc – ngã ba sông Việt Trì ngày nay. Trong lúc nguy nan, ông đã phi ngựa qua vùng đất Thổ Tang và rơi một giọt máu xuống nơi đây.

Sau này, khi vua Trần Nhân Tông tuyên dương tướng Lân Hổ và ban tặng 8 chữ “Nam thiên tráng khí Bắc khấu hàn tâm” thì nhân dân Thổ Tang tâu với triều đình cho xây đình để tưởng nhớ.

Trải qua hàng trăm năm, đến nay đình Thổ Tang còn bảo lưu được tương đối nguyên vẹn kiến trúc thời Hậu Lê (thế kỷ XVII). Đình được xây dựng với quy mô đồ sộ, gồm 2 tòa kiến trúc bố cục theo hình “chữ Đinh” với địa bái 5 gian 2 dĩ và 2 gian hậu cung, dựa trên hệ thống 60 cột làm bằng gỗ tốt đại khoa (đường kính cột cái là 0,8m, cột quân 0,6m) tạo ra diện tích sử dụng gần 400m2. Kết cấu bộ vì chính của đình theo kiểu “chồng rường – giá chiêng”, liên kết phía dưới theo lối “thượng chồng – hạ kẻ”, đã tạo ra nhiều hơn các mảng cấu kiện kiến trúc để các nghệ nhân Việt thể hiện tư duy sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo. Trong đình hiện còn lưu giữ được 21 bức chạm khắc trên gỗ độc đáo, tinh tế, với nội dung phong phú trên các thành phần kiến trúc: thân kè, thân bẩy, thân rường, với các bức chạm: ngày hội xuống đồng, bắn thú, đá cầu, chơi cờ, uống rượu, người múa, trai gái tình tự, gia đình hạnh phúc, đánh ghen, vợ chồng lười, cửu long tranh châu, bát tiên quá hải và nhiều hình rồng, phượng khác…  Đây là những di sản vật thể minh chứng cho sự tài hoa và phồn thịnh của vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa này.

Nghệ thuật chạm khắc trên gỗ ở đình Thổ Tang tập chung ở hai mảng đề tài là: trạm khắc có người và không có người.

Đề tài chạm khắc không có người, được chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo, những họa tiết về rồng, mây, hoa lá... theo chủ đề lưỡng long chầu nguyệt, trúc hóa long, cá vượt vũ môn... Đó là sự kết hợp hài hòa giữa cái thực và cái ảo, cỏ cây và những con vật có thật bên cạnh con rồng có trong huyền thoại.

Cuộc sống lao động hằng ngày, cùng những ước mong, nguyện vọng của người xưa cũng được lưu lại trên các bức chạm trong các mảng đề tài trang trí có người. Những bức chạm khắc này giống như một tấm gương phản ánh trung thực, sinh động xã hội phong kiến đương thời mà quyền lực thâu tóm trong tay nhà vua, với chức năng “pháp trị” mà đình làng là thị sở thực thi. Thế nhưng, trên các bức chạm khắc ở đình Thổ Tang vẫn không thiếu những cảnh trai gái giao duyên, vũ nữ cưỡi rồng... điều này là đối lập với hệ tư tưởng phong kiến đương thời, người nghệ sĩ dân gian đã dám vượt lên tất cả để tôn vinh, ca ngợi quyền tự do của con người.

Đi đôi với kiến trúc độc đáo, sinh động, đình Thổ Tang còn lưu giữ được nhiều di vật cổ có giá trị như: Án thư, lư hương, hoành phi, sắc phong; đặc biệt trong đình hiện còn lưu giữ được đôi câu đối và bức đại tự “Hòa vi quý”, chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc của người xưa và trở thành tiêu chí sống của người dân Thổ Tang qua nhiều thế hệ.

Tưởng nhớ công ơn của tướng Lân Hổ, nhân dân thị trấn Thổ Tang 5 năm một lần lại long trọng tổ chức lễ hội truyền thống trong 3 ngày, từ ngày mùng 10 đến 12 tháng giêng âm lịch.

Trong lễ hội nhân dân và du khách thập phương được chứng kiến những nghi thức truyền thống trang nghiêm mang đậm yếu tố văn hóa tâm linh như: lễ rước sắc, rước nghinh, rước bình hương từ miếu Trúc Lâm về đình Thổ Tang, thông qua 3 kiệu rước: kiệu rước hoa, kiệu rước nghinh, kiệu rước sắc. Các thành viên tham gia trong phần nghi lễ đều được Ban tổ chức lựa chọn rất kỹ càng – Đó là những bậc cao niên có uy tín được nhân dân địa phương nể trọng, là những thanh niên trai tráng khỏe mạnh, thuộc gia đình có nề nếp văn hóa trong làng. Đây cũng là một trong những yếu tố quyết định tạo nên tính linh thiêng của lễ hội, để rồi nhân dân và du khách thập phương cùng nhau thành kính thực hiện nghi lễ mang đậm sắc màu văn hóa tâm linh, trong không khí vui tươi, phấn khởi và tự hào về truyền thống quý báu của nhân dân thị trấn.

Với ý nghĩa lịch sử - văn hóa trên, từ bao đời nay đình Thổ Tang đã trở thành nơi gắn kết cộng đồng, và cũng là nơi để mỗi người dân của thị trấn gửi gắn miền tin, tâm hồn của mình sau những tháng ngày lao động vất vả “một nắng hai sương”.

Năm 1964, đình Thổ Tang được Bộ văn hóa nay là (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Để bảo tồn và tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa quý giá này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đã và đang có những việc làm thiết thực để phát huy được những giá trị quý báu mà cha ông để lại.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử đến nay, đình Thổ Tang nói riêng, hệ thống di tích lịch sử - văn hóa nói chung vẫn mãi như một minh chứng cho đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo tinh tế và là nơi để mỗi người dân Việt gửi gắm niềm tin, tâm hồn của mình sau những ngày lao động vất vả. Xin được mượn lời của Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Trần Tiêu để làm lời kết cho phóng sự này: “Mỗi di tích của chúng ta, dù lớn hay nhỏ, đều được hun đúc từ truyền thống Việt Nam, tâm hồn Việt Nam, bản sắc, cốt cách Việt Nam từ đời này kế tiếp đời khác và thế là chúng trở nên quý giá, đáng chân trọng và bảo vệ. Bảo vệ, tu bổ và tôn tạo di tích cũng chính là chúng ta đang đọc và thực hiện bản thông điệp không lời của tiền nhân gửi lại cho chúng ta, cho hôm nay và mai sau”.

 

ST

 

Tệp đính kèm