Hơn 20 năm trước, người dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã mang giống tỏi vào trồng trên dải đất cát ven biển tỉnh Khánh Hòa.
Cây tỏi trồng ở Khánh Hòa phát triển nhanh, cho năng suất cao mang lại bạc tỷ cho người nông dân (Ảnh minh họa: Toikhanhhoa.com)
Hơn 20 năm trước, huyện đảo Lý Sơn thiếu đất, người dân rời quê tìm đến vùng đất cát ven biển khô cằn ở xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa để trồng tỏi. Dần dần không chỉ có người Lý Sơn mà người dân tỉnh Khánh Hòa cũng trồng tỏi. Giống tỏi Lý Sơn, kỹ thuật canh tác cũng từ Lý Sơn chỉ có vùng đất là ở Khánh Hòa.
Ban đầu tỏi được trồng tại đất cát ven biển, sau đó nhân rộng ra những vùng đất đồi cằn cỗi, bạc màu như Đá Bàn, thị xã Ninh Hòa hay Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, cách xa biển. Năm nay, giá tỏi giống 200.000 đồng/kg, tăng hơn 30% so với năm ngoái. Sau khi trừ chi phí, mỗi vụ tỏi, 1 ha người nông dân thu nhập 500-600 triệu đồng, lợi nhuận lên đến hơn 1/3 tổng thu.
Tỏi trồng ở Khánh Hòa được tiêu thụ mạnh, thương lái đến tận ruộng để thu mua. Nhiều người đã thay tên, đổi họ cho cây tỏi Khánh Hòa thành tỏi Lý Sơn để kiếm chênh lệch. Có người còn mang tỏi Khánh Hòa về Lý Sơn để bán.
Ông Châu Nguyên, một người trồng tỏi lâu năm tại thôn Ninh Yểng, xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỏi Khánh Hòa không có giá bằng tỏi Lý Sơn vì tỏi Lý Sơn có thương hiệu.
Đến nay, diện tích trồng tỏi tại tỉnh Khánh Hòa lên đến 600 ha, trong đó 2/3 diện tích trồng ở thị xã Ninh Hòa, còn lại tại huyện Vạn Ninh. Mỗi năm, hàng ngàn tấn tỏi Khánh Hòa được bán ra thị trường cả nước. Tỏi trồng ở Khánh Hòa lại mang thương hiệu Lý Sơn.
Bà Nguyễn Thị Phương, một người dân Lý Sơn, trồng và kinh doanh tỏi tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa chia sẻ, bình thường rất khó phân biệt được tỏi Khánh Hòa với tỏi Lý Sơn.
Cây tỏi đang trở thành cây trồng chủ lực, cho thu nhập cao tại những vùng đất cằn cỗi ở phía Bắc tỉnh Khánh Hòa. Trung bình mỗi hecta trồng tỏi cho năng suất 8 tấn, mỗi năm toàn tỉnh Khánh Hòa đạt gần 5.000 ngàn tấn tỏi khô. Để cây tỏi phát triển bền vững thì phải có thương hiệu được bảo hộ. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang quy hoạch lại diện tích trồng tỏi cùng với việc nghiên cứu sản xuất tỏi theo quy trình. Thương hiệu tỏi cũng đang được xây dựng, dự kiến đến năm 2018, tỏi Khánh Hòa sẽ có thương hiệu.
Bình thường rất khó phân biệt được tỏi Khánh Hòa với tỏi Lý Sơn (Ảnh minh họa: KT)
Ông Bùi Thanh Bình, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thị xã Ninh Hòa, thừa nhận, cây tỏi có chất lượng nhưng chưa có thương hiệu là trách nhiệm của chính quyền địa phương.
"Muốn cây tỏi bền vững đòi hỏi phải có thương hiệu mạnh, kênh phân phối rộng khắp. Rất cần những doanh nghiệp có tâm huyết, tiềm lực đầu tư để bà con nông dân yên tâm sản xuất theo quy trình an toàn để đảm bảo chất lượng của cây tỏi", ông Bình nhấn mạnh.
Từ những cây tỏi đầu tiên do người Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trồng trên đất Khánh Hòa, đến nay, cây tỏi Khánh Hòa ngày càng phát triển. Người trồng tòi nơi đây mong muốn tạo nên thương hiệu tỏi Khánh Hòa và có chỗ đứng vững trên thị trường./.
Theo Thái Bình /VOV.VN