Tôi là một đứa trẻ sống ở vùng thôn quê Bắc Bộ. Bởi vậy, trong tâm thức của những đứa trẻ quê như tôi, chắc chắn ai cũng ít nhất có một lần chờ đợi, mong ngóng và vui sướng khi được mẹ mua cho một bìa bánh đúc lạc từ phiên chợ quê mang về.
Mẹ rót bát tương, rồi cả 4 chị em chúng tôi quây quần bên bìa bánh đúc ăn một cách ngon lành. Với trẻ quê, chỉ thế thôi cũng là một niềm vui, hạnh phúc và cũng phải chờ đợi cả tuần đến kỳ chợ phiên mới được ăn bìa bánh đúc.
Lớn lên, tôi ra Hà Nội học, rồi ở lại làm việc. Mỗi lần nhớ món bánh đúc lạc, lại phải kìm nén, đợi dịp về quê. Trong một lần tình cờ, một anh bạn rủ tôi đi ăn bánh đúc nóng (bánh đúc thịt). Anh nói đây là quán bánh đúc gia truyền đã làm được 4 đời rồi và đến tầm trưa thế này có khi còn phải ngồi đợi.
Tất nhiên là tôi không từ chối bởi đó là món ăn yêu thích gắn liền với tuổi thơ của tôi. Nhưng trong đầu thì có đôi chút ngạc nhiên bởi tôi cứ ngỡ rằng, đây là món quà quê chỉ có ở những vùng nông thôn. Vậy mà, bánh đúc cũng đã “cắm rễ” ở đất Hà Thành lâu như vậy rồi sao.
Theo chân anh bạn, chúng tôi đến địa chỉ số 8 phố Lê Ngọc Hân. Đúng như lời anh nói, quán tầm trưa nên khá đông. Khách đến quán đủ mọi lứa tuổi: già có, thanh niên có, trẻ nhỏ cũng có… Trong bụng tôi mừng thầm và dâng lên một niềm vui sướng. Không ngờ món quà vặt của lũ trẻ quê chúng tôi lại được người Hà Nội yêu thích đến vậy.
Chúng tôi phải ngồi đợi 10 phút mới có chỗ trống. Bánh đúc được mang ra. Nhưng trước mắt tôi không phải là món bánh đúc lạc mà ngày bé mẹ vẫn mua cho tôi ăn, thay vào đó là bát bánh đúc nóng tỏa ra một mùi thơm nhè nhẹ dịu mát. Bánh đúc nóng được trộn kèm với thịt băm nhỏ, mộc nhĩ, đậu rán, hành phi, rau thơm…
Hóa ra món bánh đúc quê “di cư” lên đất Hà Thành cũng phải “nhập gia tùy tục” theo gu ẩm thực của người Tràng An. Tuy là bánh đúc thịt nhưng khi ăn có vị giòn, mát, mịn và không béo. Đây chính là nét biến tấu thể hiện phong vị ẩm thực rất dân dã mà thanh tao của người Hà Nội.
Cách quấy bánh đúc là một phương pháp bí truyền của người Hà Nội.
Một bát bánh đúc thịt mang phong vị của người Hà Nội.
Bà Dương Thị Nội, chủ quán bánh đúc số 8 phố Lê Ngọc Hân cho biết gia đình bà làm nghề bán bánh đúc từ những năm 60 của thế kỷ trước nên quán của bà rất nổi tiếng ở Hà Nội.
Sự kết hợp tinh tế trong các nguyên liệu đã tạo nên một món ăn vừa quen, vừa lạ, vừa dân dã nhưng cũng không kém phần hấp dẫn. Bát bánh đúc thịt múc ra, nóng hôi hổi với hương thơm dịu ngọt thêm vài cọng rau mùi ta, một nhúm lạc rang giòn được giã nhỏ, chút hành khô phi cháy cạnh đặt lên trên bát bánh đúc có nước chan sóng sánh… cộng thêm thời tiết se lạnh của những ngày Hà Nội đầu xuân, nếu những ai đã từng được thưởng thức thì chắc rằng sẽ khó có thể quên.
Cả ngày tất bật trong bếp núc, phục vụ khách hàng thế nhưng bà chủ quán Dương Thị Nội vẫn toát lên một nét đẹp thanh lịch, dáng dấp của những cô gái Hà Nội xưa đảm đang, nhanh nhẹn mà vẫn dịu dàng, tinh tế… Bà đã không ngần ngại kể cho chúng tôi về nghề bánh đúc gia truyền của gia đình, từ thời còn gánh hàng rong đi bán.
Gia đình bà đã bán bánh đúc từ năm 1960. Ngày đó là gánh hàng bánh đúc của bà ngoại bà. Chưa có cửa hàng, nên gánh bánh đúc ngày đó chỉ là gánh hàng rong ngồi bán ở vỉa hè đầu phố. Những năm đó, đất nước còn chiến tranh, đời sống bao cấp còn nhiều thiếu thốn. Bởi vậy, món bánh đúc tuy nói là bán cho dân phố nhưng cũng chỉ là món bánh đúc lạc giống ở các vùng quê, hay “sang” hơn thì có thêm ít đậu, trộn nước xì dầu pha muối,…“Thế nhưng, ngày đó gánh hàng rong của gia đình lúc nào cũng đông khách, không đủ chỗ ngồi”, bà Nội nhớ lại.
Cho đến những năm 1990, đất nước đang trong thời kỳ đổi mới. Lúc này, điều kiện kinh tế người dân Hà Thành cũng đã khấm khá nên gu ẩm thực cũng cầu kỳ hơn. Bởi vậy, món bánh đúc của gia đình bà Nội cũng theo tiến trình phát triển khi bắt đầu giai đoạn này, gia đình bà chuyển sang làm bánh đúc thịt. Và gánh bánh đúc rong ngày đó giờ là cửa hàng bánh đúc số 8, Lê Ngọc Hân.
Tuy phải sáng tạo thêm hương vị cho món bánh đúc thơm ngon và hấp dẫn hơn, để phù hợp với văn hóa ẩm thực người Hà Nội nhưng những nguyên liệu cơ bản để làm bánh như gạo, nước vôi trong… vẫn luôn được chọn lựa hết sức cẩn thận, kỹ càng, để đảm bảo giữ được hương vị cổ truyền. Chính phương châm “bán thì dễ nhưng để người ta ăn nhớ đến mình mới là khó” nên địa chỉ bánh đúc số 8, Lê Ngọc Hân đã trở thành một địa chỉ quen thuộc cho mọi tầng lớp từ người già cho đến người trẻ, người thu nhập bình dân cho đến những người giàu có… Thậm trí còn có rất nhiều du khách nước ngoài khi sang Việt Nam du lịch cũng đã tìm đến cửa hàng của gia đình.
Ngồi trong cửa hàng tiếp chuyện với bà chủ, chúng tôi thấy những khách hàng tìm đến ăn món bánh đúc này cũng thật đặc biệt. Hầu như ai ra trả tiền cũng đều mua thêm vài ba suất mang về. Có người thì mua bánh đúc nóng, có người còn cố gắng ngồi đợi bà chủ trộn thêm khay bánh đúc lạc để mua mang về…
Thế mới nói, bánh đúc Hà Nội thật đặc biệt. Nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của người dân Hà Thành. Vừa mang trong mình nét thanh tao, cầu kỳ của ẩm thực Hà Thành nhưng vẫn chứa đựng nét dân dã của thôn quê khi người ta vẫn nhớ mua nó mang về cho người thân như là một món quà quê thơm thảo. Và chắc chắn chút nữa, khi chào bà chủ ra về, tôi cũng phải mua vài suất bánh đúc nóng và tất nhiên không thể thiếu món bánh đúc lạc./.
http://hanoi.vietnamplus.vn/Home/Thao-thom-banh-duc-xu-Ha-Thanh/20146/11902.vnplus