Lam Kinh, nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, cách thành phố Thanh Hoá khoảng 50km đường bộ. Nơi đây là căn cứ địa đầu tiên của cuộc khởi nghĩa chống quân đô hộ nhà Minh, đế giành lại độc lập tự chủ cho đất nước Việt Nam ở thế kỷ XV, là quê hương của vị anh hùng dân tộc Lê lợi (1385 - 1433) và một số danh tướng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn như Lê Lai, Lê Thạch, Lê Khôi... Lam Kinh còn là nơi thờ cúng quy mô và có cả bia mộ của một số vua và hoàng hậu nhà Hậu Lê.
Trước kia, đường đi tới Lam Kinh phải qua cầu phà khó khăn. Nhưng hiện nay, du khách có thể tới nơi đây bằng đường bộ một cách dễ dàng, hoặc nếu có thì giờ, thì đi thuyền theo đường thuỷ, dọc sông Mã, sông Chu để có thể thưởng ngoạn phong cảnh hai bên bờ.
Đến địa đầu xã Xuân Lam, du khách đi qua cầu Mục Sơn mới được xây dựng, bắc qua sông Chu. Đây là con sông đã ghi lại nhiều truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, như trận Lạc Thuỷ, đánh giặc Minh 1418, việc dừng kế lội sông, phủ bèo trên đầu, để tới gần thuyền địch, giành lại di cốt của các vị thân sinh của Lê Lợi bị quân Minh đào lấy cắp…
Nhìn sang phía hữu ngạn sông Chu là núi Mục, hình dáng giống một con cóc khổng lồ. Người xưa ví qủa núi là mắt con rồng, một khi giặc đến xâm phạm khu căn cứ nghĩa quân là mắt rồng sẽ sáng rực lên. Mục Sơn là quê của Nguyễn Thận, người em kết nghĩa của Lê Lợi, tương truyền có lần thả lưới đánh cá đã bắt được thanh gươm có đề 2 chữ “Thuận Thiên”, ứng với điềm trời trao phó sứ mệnh phất cờ khởi nghĩa cho Lê Lợi. Dưới chân núi Mục còn có bia Lê Lai dựng năm 1850, ghi lại phần việc Lê Lai liều mình cứu Lê Lợi trong trận Chí Linh. Cách bia này vài cây số, ở địa phận Làng Tép còn có đền thờ Lê Lai vừa mới được trùng tu lại, kèo cột đều bằng gỗ lim…
Đi tiếp nữa về phía bên phải là đền thờ các vua Lê, có lẽ mới được dựng, sau khi đền chính, theo lệnh của vua Gia Long đã dời về xuôi, nơi làng Bố Vệ. Phía trái là bia Vĩnh Lăng, làm bằng một phiến đá lớn cao 2,97m, rộng 1,94m, dày 0,27m đặt trên lưng một con rùa lớn cũng bằng đá, dựng năm 1433 trên mặt bia ghi tiểu sử và công lao của Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi), do Nguyễn Trái soạn. Bia được trang trí hình rồng mây, hoa, lá, hình tròn, vuông biểu thị trời tròn đất vuông và thiên tử. Đây là tấm bia vào loại lớn nhất và đẹp nhất trong số bia hiện có ở Việt Nỡm.
Tiếp tục đi qua những dãy cây cổ thụ, trong đó có cây đa đã mấy trăm tuổi, du khách sẽ đến được khu vực chính điện là nơi trước kia có nhiều công trình đồ sộ để hàng năm triều đình tới tế lễ, tưởng niệm công đức của các vua Lê. Tiếc rằng, hiện nay các kiến trúc đó không còn nữa, chỉ thấy một số dấu tích như: con ngòi Ngọc Khê, thuở trước chảy trước cung điện, hồ bán nguyệt đã được người xưa ca ngợi: "Chen chúc hồ sen ngát vị hương”. Trước toà chính điện hiện vẫn còn giữ được 4 con rồng đá rất đẹp, mang đặc trưng nghệ thuật thời Lê và khoảng 50 hòn đá tảng kê cột. Hòn lớn nhất dùng kê cột cái, có hình vuông mỗi cạnh đo được 88cm, phần tròn đặt chân cột có chu vi trên 45cm, chứng tỏ các cột điện xưa rất lớn, phải hai người dang tay ôm mới xuể. Điện hình chữ “công" diện tích đến ngàn mét vuông, còn thấy dấu tích 23 gian, chứng tỏ công trình này rất đồ sộ. Dãy hậu cung phía sau cung thấy dấu 7 gian nhà. Điện thờ gồm có 3 lớp dựa vào sườn núi, cao dần lên như 3 đợt sóng. Sau điện là một khu đất rộng, có giếng ngọc và đường dẫn tới mộ vua Lê Thái Tổ. Mộ xây đơn giản bằng gạch, bao quanh nắm đất hình chữ nhật. Hai bên đường dẫn tới mộ, có hai dãy tượng ngựa, hổ, tê giác, quan hầu… bằng đá đứng chầu.
Cách mộ Lê Thái Tổ khoáng 5 - 6m, chếch về hướng phải là khu có các bia, mộ của một số vua và hoàng hậu. Hiện nay chỉ còn thấy 5 mộ bia tất cả. Đó là bia mộ vua Lê Thái Tông, bia dựng năm 1442 cao 1,42m, rộng 0,76m, dày 0,17m, văn bia do Nguyễn Thiện Tích soạn, ghi lại tiểu sử và công nghiệp của vua, gọi là Hựu Lăng. Bia và mộ của bà Quang Thục hoàng thái hậu, mẹ vua Lê Thánh Tông, dựng năm 1498. Bia cao 2,81m, rộng 1,95, dày 0,27m, có hai mặt chữ do Nguyễn Bảo và Nguyễn Xung Xác soạn, ghi lại tiếu sứ và đức độ của bà. Bia và mộ của vua Lê Thánh Tông còn gọi là Chiêu Lăng dựng năm 1498, có hai mặt chữ, do Thân Nhân Trung, Đàm Văn Lễ và Lưu Hưng Hiếu soạn. Bia có kích thước gần bằng bia Vĩnh Lăng, hoa văn rồng khắc trên bia nom khoáng đạt, phản ánh sự nghiệp của vị vua có công xây dựng nên một triều đại cực thịnh của chế độ phong kiến Việt Nam. Cuối cùng là bia mộ của vua Lê Hiến Tông, còn gọi là Dụ Lăng dựng năm 1540. Bia cao 2,74m, rộng 1,93m, dày 0,4m có 61 dòng chữ, do Đàm Văn Lễ, Nguyễn Nhân Thiếp và Phạm Thịnh soạn.
Các bia mộ này đều quay về một hướng. Mộ làm bằng loại gạch nhỏ, phía trước đều có đặt tượng đá, hình các quan văn, võ, hổ, voi, ngựa chầu hai bên đường. Các bia được đặt trên lưng rùa, kiểu dáng uy nghi, bệ vệ và đều có trong trí hoa văn rồng mây, hoa, lá khá đẹp.
Vào đầu thế kỷ XIX, vua Gia Long sai dỡ điện miếu thờ ở Thăng Long đem về Lam Kinh, rồi từ Lam Kinh lại chuyển lên làng Bố Vệ, nay thuộc phường Đông Vệ thành phố Thanh Hoá, để thờ các Vua Lê. Nguyên đền Bố Vệ xưa thuộc thôn Kiều Đại, xã Bố Vệ huyện Đông Sơn, là sinh quán của bà hoàng hậu Nguyễn Thị Anh vợ vua Lê Thái Tông. Khi còn sinh thời, bà cho dựng điện Chiêu Hoa ở nơi đây để lấy chỗ nghỉ ngơi khi về thăm quê. Năm 1460, vua Lê Thánh Tông cho chữa lại điện này và đổi tên là điện Hoàng Đức, đế thờ Thái hậu Nguyễn Thị Anh, khi bà mất. Năm 1805, vua Gia Long cho dời đền thờ các vua Lê ở Lam Kinh về điện Hoàng Đức để thờ tại đây và người ta quen gọi là đền nhà Lê, hay đền Bố Vệ.
Đền có kiến trúc thời Lê - Nguyễn, buổi đầu tất cả các pho tượng, bài vị và đồ minh khí thờ các vua Lê ở Thăng Long và Lam Kinh đều tập trung về đây, nhưng đến nay đã bị mất một phần lớn. Chỉ còn có tượng Lê Lợi bằng đồng, tư thế ngồi như thật đặt ở chính tẩm, hai bên tả hữu có tượng Nguyễn Trãi và Lê Lai. Những pho tượng này, do một nhà tư sản cung tiến năm 1935.
Hàng năm, cứ đến ngày 21, 22 tháng 8 âm lịch, nhân dân khắp nơi đã nô nức kéo về Lam Kinh và Bố Vệ để dự lễ tưởng niệm công đức của vị anh hùng cứu nước Lê Lợi, đại công thần Lê Lai và các vị vua Lê đã có công giành lại độc lập và xây dựng đất nước. Vì vậy mới có câu: 'Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi".
Người về dự lễ, ngoài tiệc thắp hương tưởng niệm, tham quan một khu thắng cảnh và di tích lịch sử quý giá, còn được xem trình diễn các điệu múa, trò chơi truyền thống như điệu múa Xuân Phả, trò chơi Bình Ngô phá trận…, nghe các tiếng chiêng, cồng, trống, cất lên cùng với giọng đọc bài cáo Bình Ngô âm vang giữa núi rừng thiêng liêng hào hùng! Du khách còn được thưởng thức một số đặc sản của địa phương như bưởi, mía, ổi, đường sông Lam và bánh gai Tứ Trụ vốn nổi tiếng từ xưa.
Trong không khí hội lễ, khu di tích Lam Kinh như hiện ra trước mắt mọi người, vẻ nguy nga, hùng vĩ giống như hình tượng đã được mô tả trong các tác phẩm Lam Sơn lương thuỷ phú của Lê Thánh Tông, phú Lam Sơn của Nguyễn Mạnh Tuân, bài họa thơ Lê Thánh Tông về đề tài Lam Sơn của Nguyễn Xuân Xác, Thân Nhân Trung, Đào Cử…
Tuy toàn bộ công trình kiến trúc ở Lam Sơn thuở xưa nay không còn nữa, nhưng du khách vẫn còn thấy một số di vật mà danh nho Ngô Thì Sĩ đã mô tả trong bài thơ Lam Sơn ký sự, sáng tác từ thế kỷ XVIII.
Sông Lương dòng chảy nước trong ngần,
Ngăn ở đôi bờ dãy cọc can
Miếu mạo công thần xen mái cỏ
Lăng phần liệt thánh lẫn cây ngàn.
Dân chài Lam Vĩ chăm lo thuế
Đèn quan Huyền Thiên rực rỡ xuân
Tế lễ mấy lần từng được dự.
Nghi văn càng hỏi sáng thêm dần.
Hoặc vẫn có thể đồng cảm với danh nho Phạm Quý Thích (1759 - 1825) qua mấy vần thơ sau của ông:
… Chim chóc lượn bay quanh điện mới
Núi cây tươi tốt đất Lam xưa...
Và:
Lam Sơn đêm vắng thu xào xạc,
Xuân rọi sông Lường lạnh lẽo soi.
Và quả là:
Lam Sơn sừng sững
Người giỏi đất linh.
Lương thuỷ cuồn cuộn
Suối sạch dòng thanh
Địa thế hiểm yếu,
Nước biếc non xanh.
Cảnh quan Lam Kinh hiện nay vẫn giống như những câu thơ trên, rút trong bài Lam Sơn lương thuỷ phú của vua Lê Thánh Tông sáng tác cách ngày nay năm thế kỷ.
ST