Bàn về văn hóa ẩm thực Vĩnh Phúc, sẽ có rất nhiều điều để nói đến, trong đó nói về bánh trái có lẽ không thể bỏ qua món Bánh hòn Hội Hợp Vĩnh Phúc. Bánh hòn là một món ăn truyền thống của người dân làng Hội Hợp, xã Hợp Thịnh, tỉnh Vĩnh Phúc. Bánh hòn gắn bó với người dân nơi đây đến mức người ta vẫn gọi chiếc bánh này với tên gọi là bánh hòn Hội Hợp. Vào các dịp lễ tết, bánh hòn là món ăn sánh ngang với các món ngon nem, chả, giò, mọc trên cùng mâm cỗ.
Nếu bạn chưa đi du lịch Vĩnh Phúc, hay chưa nghe nhiều về văn hóa ẩm thực Vĩnh Phúc, hẳn là khi nghe về Bánh hòn Hội Hợp, chắc sẽ có rất nhiều thắc mắc và ngạc nhiên. Thực vậy, câu chuyện về loại bánh này, cũng là câu chuyện dài, dài nhưng khá thú vị. Bánh hòn Hội Hợp có giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn thực hiện cũng lắm công phu. Chỉ giai đoạn ngâm gạo cho bánh hòn cũng mất đến một ngày tròn, vì thế làm bánh hòn phải làm bằng cả tình yêu, nhiệt huyết, sự kiên trì với món ăn truyền thống này.
Bánh hòn Hội Hợp ở Vĩnh Phúc
Đầu tiên, để làm bánh hòn ngon phải chọn được loại gạo ngon. Có gạo ngon thì phải tiến hành giã lại gạo để chỉ lấy phần thân gạo, loại bỏ hai đầu hạt gạo. Khi đã có gạo giã kỹ càng, người ta bắt đầu ngâm gạo trong nước sạch. Đúng 12 tiếng đồng hồ thì chắt nước ra để gạo khô ráo. Sau đó ngâm thêm với nước để đảm bảo hạt gạo nảy mềm. Khi đã có nguyên liệu gạo ngâm, người ta sẽ xay bột. Công đoạn xay bột ngày nay của dân làng Hội Hợp đã được hỗ trợ rất nhiều từ các máy xay, thế nhưng để có món bánh hòn ngon tuyệt thì người ta vẫn bỏ công xay bột bằng cối đá. Người xay bột cũng phải có nghề, khi xay bột phải chú ý đợi bột lắng xuống hết rồi mới từ từ lược bỏ nước chua trên mặt, cứ thế thay nước mới liên tục để bột xay ra được mịn, trong, thơm.
Sau khi có bột, người làm bánh hòn sẽ thực hiện bước kỹ thuật khó nhất, đó là bước “lấy giọt” (mà miền Nam hay gọi là lấy trùng). Lấy giọt cho bánh hòn là phải cho cả hai tay vào thau bột rồi nhấc lên, đảo xuống nhiều lần cho đến khi thấy bột nhão vừa, không còn lục cục, thử bột thấy nằm gọn trên lòng bàn tay là đạt yêu cầu.
Tiếp tục là cho bột vào nồi đun nóng, khuấy đều cho đến khi bột đặc. Khi bột đặc, người làm bánh hòn sẽ trích từng nắm bột nhỏ vào lòng tay để vo tròn rồi ấn dẹp xuống, nhằm cho nhân bánh vào giữa rồi túm các góc của miếng bột lại thành hình tròn. Cuối cùng, từng viên nhỏ bánh hòn Hội Hợp được thả vào nồi nước sôi, viên nào chín sẽ tự động trồi lên trên mặt nước. Riêng nói về phần nhân bánh, muốn ăn bánh hòn Hội Hợp nhân mặn thì người ta dùng hỗn hợp thịt và hành lá băm nhuyễn. Còn bánh hòn nhân ngọt thì dùng lạc giã nhuyễn.
Có dịp đi tour du lịch đến Vĩnh Phúc, thưởng thức được bánh hòn, thực khách sẽ thấy được công sức của người làm bánh trong từng viên bánh nhỏ. Vị sánh mịn, dẻo dai, trong suốt của lớp vỏ bột bánh như làm nổi bật vị ngọt thịt đậm đà, hay vị ngọt béo thanh tao của lạc trong từng nhân bánh.
ST