Cập nhật: 24/12/2016 08:44:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cứ mỗi mùa Tết đến xuân về, nhân dân xã Đồng Thịnh lại nô nức đón chờ lễ hội rước cây bông - một phần văn hóa tinh thần đặc sắc không thể thiếu của mỗi con người nơi đây.

 

Cây bông đỗ

Xa xưa làng Thượng Yên có tên gọi là Kẻ Nộc hay còn gọi là làng Thượng Phan, tên  làng Thượng Yên gắn liền với với địa danh lịch sử đền Thượng thờ đức thánh Tản Viên Sơn. Ngày nay địa danh hành chính tên làng thay đổi 5 xóm thành 5 thôn: Thượng Yên, Yên Thái, Yên Phú, Bằng Phú, Yên Bình thuộc xã Đồng Tĩnh huyện Sông Lô; đây là miền trung du Bắc Bộ, là vùng nông thôn nông dân thuần nông chuyên canh trồng cấy lúa nước. Cũng chính vì thuần nông nên các yếu tố thiên nhiên có ảnh hưởng rất nhiều đến vụ mùa do đó người nông dân ngoài sự cần cù vất vả một nắng hai sương với ruộng đồng họ còn cầu mong thiên địa thánh thần phù hộ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân thịnh vượng.

 

Đông đảo nhân dân và khách thập phương tham gia vào đoàn rước

Từ tư duy ý tưởng đó các bậc lão nông chi điền xưa đã tổ chức lễ cầu màu cúng tế tại đền Thượng được xây dựng từ năm 1820, biểu tượng cây bông là nghi thức chính lễ cầu màu tế thần. Lễ hội thường được tổ chức từ ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng Âm lịch, chính hội vào ngày mùng 7. Theo nghi lễ, từ ngày mùng 6 một cây bông sẽ được rước đến trước để thờ thần, ngày mùng 7 ba cây bông còn lại sẽ được rước đến sau, cuối cùng ngày mùng 8 sẽ làm lễ tạ kết thúc. Công tác chuẩn bị cây bông cho lễ hội được bắt đầu từ những ngày 20, 21 tháng chạp. Cây bông có 3 loại là bông lúa, bông vải và cây đỗ. Cây bông thân là cây chuối lớn được trang trí bằng những dải giấy màu cuốn quanh. Các cành bông được làm hoàn toàn bằng tre tươi, các công đoạn làm cây bông rất tỉ mỉ và cẩn thận từ những bàn tay khéo léo của người nông dân. Cây bông phải được bào, tước từ những khúc tre tươi, chính vì vậy làm đến đâu thì họ mới chặt tre đến đó. Cây bông lúa được nhuộm màu vàng lục từ nước quả giành giành tựa như màu bông lúa chín vàng óng, cây bông vải màu trắng ngà của màu tre tự nhiên. Riêng cây đỗ lại có sự khác biệt lớn, vẫn được làm từ tre nhưng các cành của cây đỗ có các loại như đỗ đen, đỗ cả, đỗ nhỏ kén bông và chim sâu. Các cây bông thường có 60 cành được cắm làm sao cho cây bông thật xum xuê, kín.Tất cả đều là những hình ảnh gắn liền với cuộc sống lao động thuần nông của nhân dân xã Đồng Thịnh.

 

3 cây bông được rước về sân đền

Năm nay thôn Thượng Yên được vinh dự rước cây bông tế thần, từ sáng sớm mùng 7 (14/02/2016) đoàn rước cây bông đã tập trung đông đủ các thành phần tại nhà văn hóa để chuẩn bị nghi thức rước cây bông về cúng tế tại đền Thượng. Các nam thanh nữ tú trong làng được lựa chọn rước kiệu rước cây bông (đội chấp kích - bát bửu) đều là những người chưa vợ chồng, có học vấn, có đạo đức, tổng cộng có 48 người. Đội hình đoàn rước đi đầu là “người cầm chịch” - người có uy tín trong làng, điều hành lễ rước bằng hiệu lệnh trống ba tiếng khoan thai. Tiếp sau là cờ thần, phường bát âm, múa sinh tiền, tiếp đến là kiệu lễ và sau nữa là 3 cây bông lúa, bông vải, bông đỗ. Đông đảo nhân dân địa phương và du khách chen chân theo trước và sau đoàn rước.

 

Cây bông lúa

Khi đoàn rước về đến sân đền Thượng, lễ khai hội bắt đầu. Đội tế lễ gồm 18 người bắt đầu vào phần việc của mình. Các bước tế lễ được các vị tiền bối thực hiện một cách thuần thục và nghiêm trang. Sau khi thực hiện xong việc tế cây bông, chủ tế báo hiệu nghi thức cướp bông bắt đầu, đây cũng là phần kịch tính và hấp dẫn nhất là phần hội cướp bông. Tiếng chiêng trống gióng lên liên hồi, trong nháy mắt, đoàn người quần đảo, tranh giành cướp bông, hoặc nếu không thể cướp được bông cũng mong được chạm tay vào thân cây bông. Người cướp được bông sẽ đem về đặt trang trọng trên bàn thờ gia tiên. Quan niệm dân gian, nếu ai cướp được bông hay chỉ cần chạm được tay vào linh vật thì cả năm sẽ gặp nhiều may mắn, mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ. Lễ hội rất tưng bừng nhộn nhịp nhưng được diễn ra an toàn không có tai nạn sự cố nào xảy ra, ai cũng rất vui vẻ phấn khỏi vì được tham gia một ngày hội lý thú và đầy ý nghĩa. Cũng trong buổi sáng, đông đảo người đi hội tham gia các trò chơi như bịt mắt bắt vịt, đập niêu, kéo co, cờ tướng… trong tiếng reo hò, cổ vũ của mọi người.

 

Cướp bông

Lễ hội rước cây bông là một nghi thức lễ cầu màu tế thần tại đền Thượng mang tính nhân văn, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân các đời vua Hùng đã dạy dân cấy lúa, trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải mang lại sự bình yên no ấm cho muôn dân và cho nhân dân làng Thượng Yên nói riêng. Lễ hội cũng là sự thỉnh cầu thiên địa thánh thần phù hộ mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt mùa màng bội thu, mang ý nghĩa tâm linh điểm tựa tinh thần của nhân dân và du khách thập phương về dự lễ. Dù là một nhánh bông, lộc Thánh cũng là mãn nguyện, vận may đầu năm mới mang đến bách hỷ cho cả năm. Lễ hội rước cây bông truyền thống mang đậm tính văn hóa và vui tươi đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc khó quên trong lòng những người tham dự. Tạo thành điểm nhấn văn hóa trong hành trình du xuân đầu năm thu hút du khách thập phương từ mọi miền.

 

Trò chơi đập niêu trong lễ hội

ST

Tệp đính kèm