Ngư dân chỉ khai thác ghẹ xanh đúng kích thước giúp nguồn lợi gia tăng, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu cho giá trị kinh tế cao.
Dự án cải thiện nghề khai thác ghẹ xanh tỉnh
Kiên Giang đã đạt được nhiều kết quả. (Ảnh: WWF)
Với mục tiêu đảm bảo sinh kế lâu dài cho ngư dân khai thác ghẹ xanh, từ năm 2012, Tổ chức WWF đã thành lập Dự án Cải thiện nghề khai thác ghẹ xanh thực hiện trên vùng biển Kiên Giang. Sau gần 5 năm đi vào hoạt động, dự án cải thiện nghề khai thác ghẹ xanh tỉnh Kiên Giang đã đạt được nhiều kết quả, ý thức của ngư dân được nâng lên, trữ lượng ghẹ xanh dần được phục hồi.
Đại diện quản lý dự án cải thiện nghề khai thác ghẹ xanh tỉnh Kiên Giang cho biết, do dự án nhận được sự quan tâm của các đơn vị tài trợ, sự giúp đỡ và phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương nên hiệu quả mang lại tốt.
Các kết quả nghiên cứu của Dự án đã cung cấp cơ sở khoa học cho tỉnh khi ban hành quy định tăng kích thước mắt lưới khai thác tối thiểu đối với lú bát quái, gập/bẫy và lưới ghẹ, cũng như củng cố cơ sở khoa học cho quy định không khai thác ghẹ dưới 10 cm. Điều mà dự án quan tâm nhất hiện nay là hạn chế việc khai thác ghẹ nhỏ, ghẹ trứng và sinh kế lâu dài cho ngư dân.
Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Quản lý dự án ở Kiên Giang cho biết, đây là kết quả mà dự án muốn hướng tới, bởi vì thời gian đầu triển khai đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, sinh kế, thu nhập của người dân, do giảm áp lực khai thác, không khai thác ghẹ trứng, ghẹ nhỏ… Điều dự án mong muốn có thể thay đổi được tập quán khai thác của ngư dân hướng tới việc bảo vệ được ghẹ mang trứng và ghẹ con đã thành công.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, thức của người dân cũng dần được nâng lên, người dân nhận thức được rằng việc không đánh bắt ghẹ nhỏ, ghẹ trứng là bảo vệ chính cái nghề và thu nhập lâu dài của bản thân và gia đình mình.
Ông Từ Văn Bình, Trưởng ban nhân dân ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc cho biết, việc lồng ghép triển khai dự án vào các cuộc họp ở khu dân cư, tuyên truyền vào các tổ nhân dân tự quản hàng đã khiến người dân nâng cao ý thức đánh bắt khi thấy ghẹ trứng, ghẹ con, ghẹ không đủ kích thước.
Ngoài biện pháp tuyên truyền, thời gian qua các cơ quan chức năng của tỉnh Kiên Giang đã tăng cường công tác thực thi pháp luật, góp phần vào việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản nói chung và nghề khai thác ghẹ xanh nói riêng.
Ông Lê Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, khi dự án cải thiện nghề khai thác ghẹ xanh kết thúc, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì mô hình đồng quản lý để nghề khai thác ghẹ xanh của Kiên Giang được bền vững hơn.
“Khi dự án kết thúc, Sở NN&PTNT vẫn sẽ xây dựng các đề án đồng quản lý, giao quyền cho người dân tự quản, tự khai thác ghẹ tại một khu vực nhất định, từ đó để người dân tăng cường tính tự quản trong đánh bắt, đây cũng là một biện pháp mang tính chất dài hạn”, ông Kiên cho biết.
Theo số liệu của Viện nghiên cứu hải sản, Bộ NN&PTNT, năm 2014 sản lượng khai thác ghẹ ở Kiên Giang đạt 6.200 tấn đã giảm 20% so với năm 2013. Tuy nhiên, đến năm 2015 thì nguồn lợi ghẹ xanh trên vùng biển này bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, tỷ lệ ghẹ con trong khai thác giảm dần.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có khoảng 20.000 người tham gia đánh bắt ghẹ xanh, trong đó đa phần hành nghề lưới ghẹ. Dự án cải thiện nghề khai thác ghẹ xanh tỉnh Kiên Giang đã từng bước nâng cao nhận thức hướng tới thay đổi hành vi và tạo sinh kế lâu dài cho những ngư dân. Nghề khai thác ghẹ xanh và ghẹ xanh Kiên Giang sẽ tiến xa hơn khi có nguồn cung ổn định và tham gia xuất khẩu ra thế giới./.
Theo Lam Hiếu/VOV.VN - ĐBSCL