Cập nhật: 28/12/2016 08:06:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Khi bạn bắt đầu mất đi một số thính giác, bạn không chỉ mất âm thanh: bộ não của bạn đang thay đổi, không thể điều trị trở về như lúc chưa bị mất thính lực.

 

Giáo sư David Ryugo sử dụng  một ứng dụng  để phát hiện mức độ tiếng ồn

Khi bạn bắt đầu mất đi một số thính giác, bạn không chỉ mất âm thanh: bộ não của bạn đang thay đổi, không thể điều trị trở về như lúc chưa bị mất thính lực. Nhưng tất cả sẽ không bị mất nếu bạn biết cách phòng ngừa.

Trước khi David Ryugo ngồi trong một nhà hàng, ông sử dụng một ứng dụng trên điện thoại của mình để đo lường mức độ tiếng ồn. Nếu tiếng ồn quá lớn, ông thường không ở lại. Ông  làm điều này vì ông bị nghe kém. Hơn nữa , ông muốn tránh  các vấn đề phát triển do thính giác.

“Tiếng ồn giống như bức xạ hoặc tia cực tím”, ông nói. “Một chút sẽ không gây hại  nhưng theo thời gian nó được tích lũy và đó là những gì đang giết chết tai của chúng ta”.

Ryugo, giáo sư về khoa học thần kinh tại Viện Garvan ở Sydney và giáo sư danh dự về thính giác và thăng bằng  tại viện Johns Hopkins ở Hoa Kỳ, cho biết trong thập kỷ cuối cùng của cuộc đời, người đàn ông thường bị mất thính lực.

Ở tuổi 70, khoảng 75% đàn ông ở các nước công nghiệp phát triển sẽ bị mất thính lực đáng kể, điều này  không chỉ ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và các  quan hệ xã hội của họ, mà còn tạo ra những thay đổi  vĩnh viễn trong não.

Tai khỏe mạnh của người có thể nghe được một phạm vi âm thanh rất lớn, từ tiếng thì thầm nhỏ nhất đến tiếng một động cơ phản lực. Trong phạm vi này, tai người có thể xác định những thay đổi rất nhỏ, từ đó não có thể làm những  phân biệt tinh tế  nhất.

Khi não không còn nhận được sự kích thích tốt, nó tự thay đổi mong đợi của chính nó và tự mắc lại “các dây điện”. Một số vị trí trong não trước đây dành riêng cho thính giác bắt đầu được sử dụng cho các chức năng khác.

Ryugo nói: não không thích một vùng trống , và cũng giống như những người bị đoạn chân tay , bị đau như vẫn còn chân tay (chân tay ma = phantom limb pain), mất thính lực có thể làm tăng các âm thanh ma (phantom sounds) như ù tai.

Biết được điều này, Ryugo tận dụng mọi biện pháp phòng ngừa có thể. Ông mang nút tai trong túi của mình phòng trường hợp ông bị “mắc kẹt” trong một môi trường ồn . Nếu một xe cứu thương chạy nhanh với còi báo động rú ầm ĩ, ông che  tai của mình bằng  bàn tay. Ông cũng làm như vậy để làm giảm  các tác động âm thanh lớn trong phim và ông không còn đến tham dự các buổi  nhạc rock.

Hãy lưu ý máy hút bụi

Nghe có vẻ quá mức, nhưng ông  rất ý thức về khả năng tích lũy hư hại của tai, ông sẽ làm bất cứ điều gì để bảo vệ gia đình mình, từ việc bao máy xay cà phê với ấm ủ nóng trà để thử nghiệm xem nó phát ra bao nhiêu tiếng ồn, trước khi  mua nó. Ông nói: “Nếu bạn sử dụng một máy hút bụi được gọi là  siêu êm chỉ 15 phút, bạn đã bị một số thiệt  hại cho tai”.

Ông đã tự bảo vệ mình  hơn 30 năm  nay và hiện nay ông có thính giác khá tốt so với một người đàn ông 68 tuổi.Kiểm tra thường xuyên cho thấy ông đã bị mất thính giác ở các tần số cao không thể hồi phục hoặc khôi phục với một thiết bị trợ thính.

Không giống như thị lực thường xuyên được kiểm tra và điều chỉnh, chỉ có  ít người kiểm tra thính giác của họ. Bác sĩ gia đình có thể đôi khi nhìn vào tai của họ khi bị nhiễm trùng hoặc bị ráy tai, nhưng thính giác thực sự của họ  thì không được đo.

Ông mô tả thính giác như một giác quan  ẩn, và nói:  mất thính giác có thể từ từ và không thể nhận thấy. Trong một bối cảnh của công ty, một nhà đàm phán có thể bắt đầu bỏ lỡ sự tinh tế âm của một giọng nói, mà không bao giờ nhận ra điều đó. Trên giường, cũng người đàn ông này có thể không bao giờ biết mình đã bỏ lỡ không nghe  được bao nhiêu lời thì thầm chăn gối.

Thông thường, vợ của người đàn ông nghe kém  sẽ khuyên và động viên cho đến khi người này  đồng ý đi kiểm tra thính giác. Ryugo nói: “Việc kiểm tra sẽ phát hiện mất thính giác đáng chú ý và sau đó, một điều bất thường sẽ xảy ra. Nếu người đàn ông này là một người như trung bình các người khác, ông ta sẽ chờ đợi 10 năm trước khi thực hiện lời khuyên nên sử dụng máy trợ thính”.

Ông ta từ chối thường do một sự kết hợp của hư danh và phủ nhận, tồn tại trong sự thiếu hiểu biết thực tế là mất thính lực sẽ tăng dần và ông ta sẽ  sẽ tiếp tục bị mất thính lực.

Công việc Ryugo đã cho thấy sự can thiệp của máy nghe có thể làm chậm quá trình mất thính lực và giảm những tác động đến não. Ông đã chứng minh điều này ở chuột, và các mẫu bây giờ được thử nghiệm trên người tại  trường Y thuộc  đại học  tổng hợp Johns Hopkins. Sự can thiệp kích thích hệ thống thính giác, do đó ngăn ngừa thêm những thay đổi não không mong muốn.

Khởi phát sớm bệnh mất trí nhớ

Trong khi đó, khi thập kỷ của sự từ chối sử dụng máy nghe đi qua, chất lượng sống của những người bị nghe kém sẽ xấu đi. Ban đầu, họ sẽ đối phó bằng cách tránh các nhà hàng ồn ào. Sau đó, họ sẽ không muốn đi đến một bữa tiệc tối mà họ biết sẽ rất ồn. Cuối cùng, họ sẽ cảm thấy không thích đi ra ngoài nhiều nữa. Dần dần họ sẽ trở nên chán nản, tại thời gian đó họ có  năm lần nguy cơ khởi phát sớm bệnh mất trí nhớ.

Đến giai đoạn này, họ không còn thúc giục những người khác “ngừng lẩm bẩm” hoặc “hãy nói chuyện rõ ràng”. Họ thậm chí từ bỏ không liên tục hỏi “Điều gì?” như lúc mới nghe kém. Họ rút lui khỏi sự bực bội  để tách riêng 1 mình và khi giao tiếp tự phát  khó khăn, họ thích đọc hơn.

Với những người chưa bao giờ bảo vệ đôi tai của họ, Ryugo nói hãy bắt đầu ngay bây giờ. “Nếu bạn đã từng đến quá nhiều buổi nhạc rock, hãy kiểm tra thính giác và điều trị nó. Điều trị bao gồm máy nghe, không nhất thiết cần phải có loại máy nghe nhiều tiền nó sẽ cung cấp cho bộ não của bạn sự kích thích âm thanh mà não cần”.

Ông nói rằng máy nghe không làm việc tốt trong môi trường ồn ào vì chúng  trực tiếp giải quyết hư hại  trong tai, chứ không phải là những thay đổi trong não do hậu quả của mất thính lực gây ra.

Nhưng có những giải pháp - như gắn  micro định hướng trên mỗi người khách xung quanh một  cái bàn và sau đó kết nối  bluetooth với  máy trợ thính. Một lựa chọn khác dành cho người khiếm thính là đặt một microphone trên vai của họ.

Một số người sử dụng thiết bị cao cấp được cấy vào màng nhĩ và từ bên ngoài không thể nhìn thấy nó. Họ  chịu được  những hạn chế tương tự ở những nơi ồn ào nhưng họ cần làm phẫu thuật lớn, tuy nhiên thiết bị này có lợi thế  về  thẩm mỹ và tốt cho những cuộc trò chuyện trên giường.

Ông cho biết: trong khi nhiều người Úc lớn tuổi vật lộn với thính giác của mình, thì một vài thập kỷ trước, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra thính giác  cho một bộ lạc nông thôn bản địa châu Phi, họ đã tìm thấy những người trong độ tuổi 70 có thính giác hoàn hảo.

Đối với người dân Úc các yếu tố nguy cơ lớn là tiếng ồn công nghiệp, bệnh tật, thuốc, hóa chất và chấn thương đầu. Các thuốc ung thư cisplatin, kháng sinh gentamicin phổ biến và một số thuốc chống viêm không steroid cũng gây ngộ độc tai - nguy hiểm cho thính giác.

Gentamicin gây tổn hại thính giác một thế hệ

Ryugo nói một thế hệ người dân Trung Quốc hiện nay đã bị tổn hại thính giác do gentamicin, nó có khắp nơi, hiệu quả, và  rẻ. Nó vẫn còn được sử dụng trong một số trường hợp ở Úc và Mỹ.

Ở Úc, thanh niên làm hỏng thính giác của mình bằng cách nghe nhạc lớn và trực tiếp vào tai của họ qua nút tai hoặc tai nghe. “Chúng ta đang nhìn thấy những người ở độ tuổi 20 cần máy nghe. Nếu bạn có thể nghe nhạc phát ra từ nút tai nghe của họ, bạn biết họ đã  bị  nghe kém!”.

Nhạc rock không phải là thủ phạm duy nhất. Phòng tập thể dục hiện đại cũng có âm nhạc lớn như vậy nên các  giáo viên hướng dẫn lớp học thường sử dụng micro lớn hơn tiếng nhạc để các học viên có thể nghe.

Ngay cả âm nhạc của dàn nhạc có thể là một vấn đề. Tuần trước, một người chơi viola kiện Royal Opera House tuyên bố:  âm thanh từ kèn đồng ngay sau lưng anh ta trong dàn nhạc  lên đến đỉnh điểm ở khoảng decibel giống như một động cơ phản lực và làm cho anh  ta bị sốc âm thanh.

Anh ta tuyên bố việc này xảy ra trong buổi diễn tập Wagner’s Die Walküre và với thính giác bị hư hỏng không thể phục hồi, sự nghiệp của anh đã bị hủy hoại.

Nếu bạn nghĩ mình đã  bị mất thính lực, tốt nhất nên tìm đến một chuyên gia về tai. Ngay cả với mất thính lực nhiều, bạn có thể có những phương pháp để tiếp tục hòa nhập với xã hội.

Một chuyên gia sẽ cho phép bạn “nghe thử” một máy nghe vì chỉ bạn mới biết  máy nghe nào cho  âm thanh tốt nhất. Bạn có thể cần nhiều lần  chỉnh  máy để nó phù hợp nhất với sức nghe của bạn. Đây là một phần của “kiểm tra thực tế” để bảo tồn những thính giác  còn lại của bạn.

Máy nghe làm việc tốt nhất trong yên tĩnh và Ryugo nói: quan trọng là phải có những kỳ vọng thực tế. Mục tiêu trợ thính để hạn chế những thay đổi bệnh lý tiến  triển xảy ra trong bộ não của bạn và tránh bị tách rời xã hội.

TTƯT.BS.CKII. Nguyễn Thị Bích Thủy

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm