Năm 2007 tôi được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc mời đi dự trại sáng tác: Văn học, mỹ thuật khu vực phía Bắc do Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức tại Đồng Mô tỉnh Hà Tây (cũ).
Trong trại sáng tác có hơn hai mươi hội viên đủ các chuyên ngành văn, thơ, hoạ. Nhưng người có ấn tượng với tôi nhất là anh Đàm Thế Dư, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên quê ở Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Duyên kỳ ngộ những ngày đi dã ngoại anh Đàm Thế Dự có mời tôi về chơi nhà ở Đồng Hỷ, chưa kịp uống nước chè Thái, thì anh vội vàng lấy ra một tập câu đối chữ Hán cổ không biết từ bao giờ trong đó có ba câu mà tôi tâm đắc nhất liên quan đến núi Tam Đảo đại ngàn, thiên nhiên hùng vĩ. Câu đối có nội dung như sau.
Câu thứ nhất:
“Tam Đảo phong thanh khai đạo mạch
Cổ giang thuỷ bích dẫn văn lan”.
Tạm dịch:
“Tam Đảo ngàn xanh mở mang mạch đạo
Sông xưa nước biếc dẫn dòng văn thơm”.
Câu thứ hai:
“Vạn cổ linh quang, kiều viễn ảnh
Nhất phương ấm tỷ nhà hoàng lưu”.
Tạm dịch:
“Linh thiêng sáng rực từ xa muôn đời còn rõ nét
Một phương được phúc ấm chở che, dân đón nhận ơn sâu”.
Câu thứ ba:
“Ký sóc cựu an Hồng nhạn tạo
Chiêu tôn cảnh ngưỡng Lạc Long tiên”.
Tạm dịch:
“Mơ ước ngàn năm thuỷ chung như chim Hồng nhạn
Con cháu vui mừng ngưỡng mộ cảnh đẹp rồng tiên”.
Thật vậy: Núi rừng Tam Đảo đẹp, linh thiêng, và thơ mộng là thế. Vạn cổ linh quanh kiều viễn ảnh. Nếu chúng ta suy ngẫm và trở về quá khứ từ muôn đời xa xưa không biết Tam Đảo có từ bao giờ, theo các nhà khoa học ước tính núi Tam Đảo cách ngày nay vào khoảng 160 triệu năm, chiều dài 80 km, chiều rộng từ 10 đến 15km, có diện tích 36.883ha thuộc địa phận của 3 tỉnh Vĩnh Phúc - Thái Nguyên và Tuyên Quang. Ngọn cao nhất của dãy núi Tam Đảo là 1.592m. Vì thế có tác động không nhỏ đến việc hình thành các tiểu vùng khí hậu cho khu vực đồng bằng chung quanh chân núi Tam Đảo, thập phương hội chủ. Hội tụ ở nhiều nơi trên địa bàn trải rộng ở cả 3 tỉnh. Tham gia điều tiết nước và môi sinh cho vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ và thủ đô Hà Nội. Tam Đảo cũng là vùng rừng đầu nguồn của hai hệ thống sông đó là: sông Đáy và sông Công. Chính vì vậy vai trò quan trọng đối với việc điều tiết khí hậu, nên Tam Đảo được các nhà khoa học nghiên cứu về thiên nhiên gọi là mái nhà của đồng bằng Bắc Bộ. Hay Tam Đảo linh sơn, núi cao và linh thiêng bậc nhất của cả nước. Không những thắng cảnh về thiên nhiên hùng vĩ mà còn là nơi phát tích của các vị thần thánh. Nữ thần núi: Bà chúa Thượng ngàn, Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, bà Đào Liễu thân mẫu của Lăng Thị Tiêu Tây Thiên Quốc Mẫu.
Ngày nay rừng núi Tây Thiên còn có Thiền Viện Trúc Lâm, một công trình kiến trúc đồ sộ, to đẹp và hoành tráng, hài hoà giữa nét chùa cổ xưa kết hợp với kiến trúc hiện đại của nền văn hoá phật giáo.
Việt Nam, hợp thành một quần thể di tích uy nghi, tráng lệ, một khu du lịch hấp dẫn của đông đảo khách thập phương hàng năm đến tế lễ, thờ cúng và ngưỡng mộ cảnh sơn kỳ thuỷ tú. Phải chăng chính nơi này: “Đạo mạch linh thiêng”. Đầu thế kỷ XVIII nhà Sử học Lê Quý Đôn đã phát hiện núi Tam Đảo khu vực Tây Thiên: Cây cối rậm rạp, núi cao chót vót, thác ghềnh không biết bao mà kể, dưới chân núi có sông, suối sắc nước như chàm, sâu thẳm không trông thấy đáy, chân núi, đỉnh núi có chùa cảnh sắc thanh nhã, có suối bạc phát nguyên từ khe đá đỉnh núi chảy xuống trông như tấm lụa.
Năm 1889 ở cuối thế kỷ XIX người Pháp đô hộ cũng đặt chân đến Tam Đảo, khảo sát nghiên cứu thiên nhiên, nhiệt độ ôn hoà, khí hậu mát mẻ đã cho thiết kế, xây dựng hàng trăm biệt thự và xây dựng thị trấn Tam Đảo làm nơi nghỉ mát, du lịch phục vụ bọn quan chức Tây - Đầm.
“Tam Đảo cổ linh viễn ảnh” đất thiêng còn đó, sự tiềm ẩn của dãy núi Tam Đảo nhiều tiềm năng dồi dào về văn hoá tâm linh, văn hoá thiên nhiên và văn hoá du lịch trong tương lai của huyện Tam Đảo Vĩnh Phúc.
Tam Đảo là thế, sông xưa nước biếc dẫn dòng văn thoi là như vậy, và cho đến hôm nay hai dòng sông Đáy và sông Công vẫn sâu thẳm không trông thấy đáy nước cũng đều bắt nguồn phát tích, khai mạch từ dãy núi Tam Đảo để ngàn năm con Lạc, cháu Hồng được phúc ấm chở che và mãi mãi ơn sâu như những câu đối của ông cha ta đã viết tự bao giờ.
ST