Cập nhật: 28/12/2016 08:17:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Làng Phú Hạnh - Xã Thượng Trưng, không chỉ được mọi người biết đến là một xã giàu truyền thống cách mạng, hiếu học, khoa bảng mà còn là quê hương của rau rút- thứ rau bình dị của người dân lao động đã trở thành thứ đặc sản, đến mức mà những người con xa quê thường truyền tai nhau rằng về quê vào mùa hè đầy nắng mà chưa được ăn và uống bát nước rau rút luộc thì coi như chưa cảm nhận hết vẻ đẹp của hồn quê Việt.

Nói là đặc sản của xã Thượng Trưng nhưng rau rút chủ yếu được trồng (dân gian gọi là thả) nhiều ở các thôn: Đơi, Thạch Ngõa, Phú Hạnh. Chỉ ở những thôn này rau rút mới có hương vị thanh mát, ngọt, giòn mà các thôn khác dù cùng xã cũng không có được. Theo lời kể các bậc cao niên, rau rút được thả ở làng tự bao giờ không biết nữa, chỉ biết rằng các cụ hồi nhỏ đã thấy người dân thả ở những mặt ao bèo. Điều đó cho thấy, rau rút đã có ở đây từ lâu đời và trở thành thứ rau đặc sản của quê hương Thượng Trưng.

 

Rau rút sống trên mặt ao, hồ- nơi có nhiều bèo tấm, thậm chí, người dân Thượng Trưng còn thả ở những chân ruộng chũng không thể cấy vụ mùa. Lá rau rút có hình giống như lá me, nhưng nhỏ hơn. Thân rau màu xanh, cấu tạo thành từng đốt có các bao xốp, màu trắng (dân gian còn gọi là bông), dính liền vào thân, bao xung quanh thân để giúp rau nổi trên mặt nước. Rau rút rất ưa những ao, hồ rộng, nước trong mát và cần thật nhiều bèo tấm để rau sinh trưởng và phát triển. Theo kinh nghiệm của người dân, loại rau này chăm sóc vừa đơn giản song rất cầu kỳ. Bởi lẽ, rau không ưa bón phân hóa học hay phun bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào, mà quan trọng nhất là nước ao phải trong mát, nhiều bèo tấm (thứ bèo nhỏ, có màu xanh) và chỉ cần bón tro bếp là đủ.

Khi phân tích thành phần có trong rau rút, nhiều chuyên gia Bộ Y tế cho biết: Rau rút chứa chủ yếu là các vitamin và nhiều amine cần thiết như vitamin B12 hay amin leucin, methionin,... Đông y cho rằng, rau rút có vị ngọt, tính hàn, công năng dưỡng vị âm, sinh tân dịch, tiêu viêm, nhuận tràng, giải nhiệt, mát gan, an thần, gây ngủ, khoẻ gân cốt, điều hòa tỳ vị, thông thủy đạo, lợi tiểu tiện, nhờ vậy mà sử dụng rất phù hợp cho những người âm vị bất túc, trị cảm sốt, bướu cổ, chữa tim hồi hộp, làm thông huyết mạch, trị lỵ, côn trùng cắn đốt...

Là loại rau mùa hè, cho nên, mùa rau rút chỉ kéo dài từ tháng Tư đến tháng hết tháng Bảy âm lịch. Khi thu sang, tiết trời se lạnh, rau rút cũng lụi dần. Việc thu hoạch rau rút cũng đòi hỏi nhiều công phu. Hái rau rút phải vào buổi sáng sớm mới được những ngọn rau tươi ngon, ưng ý. Người dân dùng một loại thuyền nhỏ, bơi nhẹ tay chèo, khẽ nâng từng gọn rau để hái và đặt nhẹ vào lòng thuyền. Khi rửa rau cũng hết sức cẩn thận, bởi thân rau rất giòn, ngọn của rau rất non, cho nên, để rửa hết bèo tấm cần phải chao nhanh và rất khéo léo để tránh gãy ngọn, dập bông. Sau khi rửa xong, đặt nhẹ vào quang cặp. Ngọn rau đặt úp để phô những đốt bông trắng cùng với những đụm rễ màu đỏ trông rất đẹp.

Rau rút sau khi thu hoạch

Rau rút có thể chế biến thành nhiều món tùy theo nhu cầu của thực khách như: luộc, nấu canh cua, nấu canh khoai sọ,...nhưng phổ biến là rau rút luộc. Để có được một đĩa rau rút luộc xanh, ngon, giòn, thanh mát, hương vị đặc trưng thì khâu chuẩn bị nguyện liệu và luộc khá kỳ công. Ta cần một mớ rau rút khoảng từ 10 đến 15 ngọn, tuốt bỏ phần bông trắng, rễ, chỉ giữ lại phần thân và ngọn, rửa sạch, để ráo. Luộc rau rút cũng đòi hỏi kì công. Nước luộc phải là nước lọc trong đun sôi, nêm một ít bột canh, sau đó cho rau rút vào nồi đảo đều từ 1 đến 2 phút. Khi thấy nước xôi là vớt ra đĩa. Như thế, chúng ta đã có một đĩa rau rút luộc xanh mát, ăn thấy giòn, ngọt thanh, vị đặc trưng. Để tận hưởng vị của rau rút, bát nước chấm cũng làm tôn lên vị ngon của rau. Tùy vào ý thích của thực khách mà nước chấm có thể là nước mắn ngon, ba nhánh tỏi dập, một ít măng giấm ớt hoặc nước mắm rang thịt ba chỉ, sườn lợn cho thêm một chút măng giấm ớt làm tăng hương vị đậm đà. Rau thường ăn với cơm trắng (cơm tám), thịt ba chỉ, thịt mông luộc hoặc ăn với thịt ba chỉ, sườn lợn rang, cá kho,...Ngoài vị ngon của rau rút thì nước rau cũng có nhưng hương vị độc đáo. Nước rau có màu xanh nõn chuối, vị ngọt thanh và mùi đặc trưng. Khi dùng không nên vắt chanh hay dầm sấu để giữ được hương vị ngọt thanh và đặc trưng của rau.

Món rau rút luộc

Mỗi khi mùa hè đến, rau rút thực sự đã trở thành một món ăn, món quà quê dân dã, bình dị mà thấm đượm vị đậm đà của chốn thôn quê. Người Thượng Trưng xa quê, đang công tác trong và ngoài tỉnh,... cứ vào mùa rau rút lại về quê để thưởng thức hương vị của rau rút, hương vị ngọt ngào của quê hương sau những ngày bộn bề công việc. Rau rút đã trở đặc sản của quê hương Thượng Trưng, có thể sánh ngang với cải ngồng (Lạng Sơn), rau su su (Tam Đảo), rau sắn (chùa Hương),...Sẽ là một trải nghiệm thú vị cho những du khách có dịp về Vĩnh Tường, qua Thượng Trưng để được ngắm nhìn ao rau rút, phảng phất bức họa đồng quê và tận hưởng hương vị đặc trưng của món quà quê dân dã này.

 

ST

 

Tệp đính kèm