Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Trị còn tồn kho hơn 1500 tấn hải sản và 450 lít nước mắm chưa tiêu thụ được do ảnh hưởng sự cố môi trường biển.
Tỉnh Quảng Trị vẫn còn tồn đọng hơn 1500 tấn hải sản.
Các sản phẩm tồn kho được thu mua từ tháng 3 đến tháng 8/2016. Ông Nguyễn Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho hay, địa phương này còn tồn kho hơn 1.500 tấn hải sản đông lạnh. Trong đó, hơn 1.300 tấn được hỗ trợ 30% giá trị thị trường để các chủ cơ sở tiêu thụ, 200 tấn còn lại để lâu ngày hiện đã phân hủy nên sẽ tiêu hủy trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Huân cho biết: “Đối với hàng bị nhiễm độc trên địa bàn, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo cho các ban ngành, địa phương phải tiêu hủy các lô hàng này để ổn định tư tưởng cho người dân. Dự kiến, chúng tôi sẽ tiêu hủy hết lượng hàng tồn kho trong vòng khoảng nửa tháng nữa”.
Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Trị đã tiến hành tiêu hủy 2 lô hàng hải sản đông lạnh nhiễm độc trong kho đông lạnh Dũng Thuộc và kho đông lạnh Bình tại huyện Vĩnh Linh. Riêng lô hàng sứa của cơ sở chế biến sứa Cửa Việt của bà Thiếc tại xã Gio Việt, huyện Gio Linh không nhiễm độc nhưng để lâu ngày bị bốc mùi cũng đã được tiêu hủy. Cơ sở chế biến, kinh doanh hải sản Gái Năng khu phố 2, thị trấn Cửa Việt hiện còn hơn 8 tấn cá ở kho, việc kinh doanh ngưng trệ, hàng tháng phải chi trả tiền điện cho kho đông lạnh bảo quản mất hàng triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Năng, chủ cơ sở này cho biết: “Kinh doanh bị trì trệ, cho nên cá tồn đọng tại kho 8 - 10 tấn. Tồn đọng cá thế này, tôi giờ đang nợ ngân hàng cả lãi và vốn”.
Theo quy định của Chính phủ, đối với hàng đã tiêu hủy được hỗ trợ 100%, còn hàng không tiêu hủy, tiêu thụ chậm được hỗ trợ 30%. Sở Công thương sẽ xây dựng mức giá trình UBND tỉnh xem xét. UBND tỉnh Quảng Trị giao Sở Tài chính áp giá đền bù số lượng hàng tiêu hủy. Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã tiêu hủy hơn 53 tấn hải sản được cho là nhiễm độc, dự kiến sẽ hoàn thành việc chi trả tiền đền bù hải sản tiêu hủy cho người dân trước Tết Nguyên đán.
Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: “Đối với những hải sản niêm phong đã có thống kê sẽ tháo niêm phong để người dân sử dụng nếu hàng đảm bảo chất lượng. Còn với những hàng không bảo đảm do nhiễm độc đã bị tiêu hủy thì bồi thường theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, sẽ bồi thường cho các gia đình tồn kho hàng hóa chưa được xử lí theo quy định của Chính phủ trước dịp Tết 2017”./.
Theo CTV Thanh Hiếu/VOV.VN - miền Trung