Thịt vịt từ lâu đã trở thành món ăn rất quen thuộc của người Việt... Giá trị dinh dưỡng của thịt vịt cũng ngang với thịt gà (giàu protein, vitamin B, E; hàm lượng kali, sắt, đồng, kẽm... cao).
Thịt vịt từ lâu đã trở thành món ăn rất quen thuộc của người Việt... Giá trị dinh dưỡng của thịt vịt cũng ngang với thịt gà (giàu protein, vitamin B, E; hàm lượng kali, sắt, đồng, kẽm... cao).
Theo Đông y, thịt vịt vị ngọt, hơi mặn, tính lương (mát). Công hiệu thanh nhiệt giải độc, tư âm giáng hỏa. Đặc biệt có hiệu quả đối với các bệnh có sốt, sởi, trừ khử thử nhiệt, đại tiện táo, họng khô miệng khát, ra mồ hôi trộm, phù nề, nam giới di tinh, phụ nữ kinh nguyệt ít. Xin giới thiệu một số món ăn - bài thuốc từ thịt vịt phòng chữa bệnh.
Vịt hầm trần bì: vịt 1 con 1kg, trần bì 10g, hoàng kỳ 30g, gia vị gừng, hành, dầu hạt cải, tương, rượu, muối, bột ngọt vừa đủ. Vịt làm sạch, bôi nước tương lên da, rán trong dầu hạt cải, xong rửa sạch dầu mỡ đặt lên đĩa cho vào nồi đất. Cho lượng nước vừa đủ, trần bì, hoàng kỳ cho vào bao vải, rồi cho các vị còn lại vào nồi. Hầm vịt chín, chắt lấy nước đổ lên vịt đã chặt miếng. Công dụng: đại bổ nguyên khí, thích hợp với người tỳ vị hư nhược.
Vịt bát bảo hấp cách thủy: vịt trắng 1 con (1.500g) bỏ lòng, mè đen, đào nhân, tang thầm, ngó sen, hạt khiếm thực, táo đỏ, ý dĩ, mỗi vị 20g. Cho gạo nếp cùng rượu vang, gia vị vào bụng vịt khâu lại. Đặt vịt vào bát to, nêm rượu, gia vị và ít nước, hấp cách thủy cho chín (khi ăn tháo chỉ). Thích hợp: bổ thận, kiện tỳ, chắc răng, chữa gầy yếu suy nhược, xích bạch đới.
Vịt hầm ngọc trúc: vịt mái già một con (1.500g), ngọc trúc 50g, mạch môn đông 50g, rượu vang 30g. Thuốc cho vào túi vải buộc miệng ngâm nước lạnh 3 phút rồi bỏ vào bụng vịt. Đầu vịt gập vào bụng, lấy dây buộc lại đặt vào bát to rồi cho vào nồi chưng tới khi vịt chín mềm, bỏ túi thuốc ra vắt lấy nước. Thích hợp với người bị đái tháo đường, âm hư, miệng khát, uống nhiều nước.
Vịt hầm bách hợp: vịt mái già 1 con, bách hợp tươi 300g, gia vị. Vịt mổ bụng bỏ lòng đã làm sạch, cho bách hợp vào bụng tưới 2 muỗng rượu, gia vị, bỏ đầu vịt vào bụng buộc chặt lại. Chưng cách thủy cho chín. Ăn thịt, lòng và bách hợp. Thích hợp với người bị viêm phế quản mạn, ho hen, khạc ra máu, ho lao.
Canh vịt đỗ trọng: thịt vịt 100g nấu 30 phút, gia đỗ trọng 30g, mộc nhĩ trắng 30g. Nấu thêm 15 phút. Ăn thịt vịt, mộc nhĩ, nước canh, bỏ đỗ trọng. Thích hợp với người bị tăng huyết áp, đau đầu, chóng mặt, tâm phiền, mất ngủ, hay quên.
Canh vịt nấu đan sâm: thịt vịt 100g, đan sâm 50g. Vịt làm sạch chặt miếng, nấu 60 phút cùng đan sâm bỏ vào túi vải, hoặc nấu đan sâm riêng 30 phút, chắt nước cho vào nồi canh vịt nấu thêm ít phút. Chia 2 lần ăn sáng chiều. Công dụng: hoạt huyết. Thích hợp với người bị trúng phong, bán thân bất toại.
BS. Phó Đức Thuần
Theo suckhoedoisong.vn