Nắng rát Lào Cai - Mưa dai Yên Bái” là câu người địa phương vẫn thường hay nói để nói về vùng đất miền núi này. Nhưng những cơn mưa sau Tết Nguyên đán dai dẳng đến mức não nề, buồn chán hóa ra cũng có tác dụng. Khi mưa xuân vừa dứt, nắng chỉ khẽ bừng lên thì Yên Bái đón chào một mùa măng non mà nổi tiếng nhất là măng sặt.
Măng sặt có thể chế biến được thành nhiều món ăn vô cùng hấp dẫn. Măng sặt có nhiều ở các địa phương, nhưng không phải nơi nào măng cũng ngon, có lẽ Yên Bái là mảnh đất có thổ nhưỡng và khí hậu hợp với sự sinh trưởng, phát triển của cây măng. Chẳng thế mà măng sặt Yên Bái đã trở thành món ăn được nhiều thực khách sành ăn bình chọn là món ngon và hấp dẫn nhất.
Măng sặt được mùa nhất là vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 dương lịch, thời gian vụ măng ngắn chỉ từ tháng 3 đến tháng 4 hàng năm. Loại măng này thuộc họ tre, thân nhỏ rất thẳng, búp măng to cỡ chuôi liềm, trắng nõn, mềm và ngọt, mọc tự nhiên. Loại măng này có nhiều tại các vùng đồi thuộc huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, nhưng nhiều nhất là ở thị xã Nghĩa Lộ.
Măng sặt có vị ngọt và mềm rất dễ để chế biến các món ăn, phù hợp với khẩu vị của nhiều người, măng sặt ăn ngon nhất khi ngọn măng mới nhú mập mạp, thân mầu trắng còn tươi nguyên mùi đất rừng. Chọn được những cây măng ngon thì cần biết cách chế biến để có những món ăn ngon hấp dẫn nhất. Măng sặt có thể chế biến được rất nhiều các món ăn như: món luộc, món om, món xào, món nướng…
Để thưởng thức món măng sặt ninh sườn có vị ngon đậm đà, thơm và hấp dẫn, măng sặt được bóc vỏ rồi đập dập, ninh với sườn lợn, cà chua và tỏi, thêm một chút hành, mùi thì bao giờ măng cũng hết trước sườn, bữa sau lại mua măng thả vào ninh tiếp, lạ thay măng vẫn cứ "chạy" hơn sườn. Để làm món măng xào, người ta bóc vỏ măng và thái vát mỏng sau đó đem xào với lòng gà, lòng vịt hoặc thịt bò. Xen với vài lát cà rốt và ớt tươi, mâm cơm đã có đĩa xào đẹp mắt và ngon miệng.
Với món luộc, ăn kèm phải là nước chấm được pha ngon. Người ta thường dùng gừng, tỏi, lá mùi tàu, hạt dổi giã nhỏ, pha cùng nước mắm, đường để làm dậy lên cái ngon đặc biệt của măng. Tuy nhiên, theo người dân vùng cao có lẽ hấp dẫn nhất vẫn là măng nướng. Chỉ cần nướng măng trên than hồng, khi chín, bóc từng lớp vỏ bên ngoài, ăn sẽ rất ngọt và thơm mà vẫn giữ nguyên được vị của măng rừng.
Đối với người dân vùng cao hấp dẫn nhất là món măng cho vào than hồng để nướng. Món măng sặt nướng trên bếp lửa ngọt thơm lạ kỳ, nướng đến đâu, bóc vỏ cháy sém, ăn nóng với mắm tôm ớt rất thú vị.
Măng sặt luộc chín, đem rán vàng rồi om với thịt vịt và tỏi, ăn nóng với hạt tiêu, hành, mùi rất lạ miệng. Măng sặt chẻ nhỏ, ngâm với dấm ớt, ớt phải nhiều và cay, đóng lọ ăn dần cũng rất đưa cơm và ngon miệng.
Măng sặt giờ đây đã trở thành món ăn yêu thích của tất cả những ai đã một lần thưởng thức. Vào mùa măng khắp nơi từ vùng thấp đến vùng cao, từ miền núi đến đồng bằng đều bán loại măng này. Trước đây, măng sặt không có nhiều do mọc tự nhiên không có sự chăm sóc. Nhưng khi nhận thấy nhu cầu ẩm thực của người dân và nhiều du khách ở các nơi khác đến với các huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái rất ưa thích món măng sặt thì người Dao, Thái đã biết quy hoạch những vùng có măng trên các khu rừng già thành vùng riêng, được chăm sóc nên măng cũng phát triển tốt hơn, mập hơn và ngon hơn.
Vào mùa măng khắp nơi từ vùng thấp đến vùng cao, từ miền núi đến đồng bằng đều bán loại măng này. Món ăn tuy giản dị nhưng hội tụ đầy đủ sự tinh túy của núi rừng Tây Bắc với vị thơm ngon, ngọt đã tạo nên một thương hiệu riêng cho măng sặt - món đặc sản của Yên Bái.
ST