Những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có yêu cầu calo cao hơn do sự tiêu hao nhiều năng lượng khi gắng sức để thở so với người không khó thở.
Khi sống chung với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), dinh dưỡng tốt nên là một ưu tiên hàng đầu. Những người bị COPD có yêu cầu calo cao hơn do sự tiêu hao nhiều năng lượng khi gắng sức để thở so với người không khó thở. Điều đó có nghĩa phải ăn đủ các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ, protein có chất lượng, và thậm chí một số loại thực phẩm có chất béo.
1. Ngũ cốc nguyên hạt
Chọn thực phẩm nhiều chất xơ làm từ ngũ cốc nguyên hạt thay vì carbohydrate tinh chế như bánh mì trắng. Một số tùy chọn ngũ cốc tuyệt vời mà bạn có thể không quen thuộc bao gồm bulgur, kê và quinoa.
2. Sữa
Sữa ít chất béo giúp cung cấp protein, canxi, vitamin D và một số chất béo để đáp ứng các yêu cầu calo trong cả ngày. Khuyến cáo thực đơn hàng ngày khoảng 3.300 calo cho những người bị COPD, trong đó có khoảng năm phần sữa. Một cách khác để có được sữa, bằng cách dùng thêm một ly sinh tố làm từ sữa chua toàn chất béo và trái cây.
3. Dùng một số chất béo có lợi cho sức khỏe
Thực đơn nên bao gồm các chất béo lành mạnh trong chế độ ăn uống cho bệnh COPD. Chọn các axit béo omega-3, chất béo không bão hòa đa và đơn, thay vì chất béo bão hòa thường bắt nguồn từ động vật. Chất béo lành mạnh được tìm thấy trong các loại hạt, trứng, dầu ô liu, bơ, và loại cá nước lạnh như cá hồi béo. Các thực phẩm này sẽ giúp đạt được các yêu cầu calo để quản lý bệnh COPD.
4. Trái cây và rau quả
Cho dù trái cây và rau quả tươi hay đông lạnh vẫn cung cấp một chế độ ăn uống lành mạnh cho COPD. Những loại thực phẩm nhiều chất xơ cũng cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu, bao gồm vitamin A, khoáng chất và chất chống oxy hóa.
5. Đậu
Đậu, đậu Hà Lan và các loại đậu khác là những thực phẩm nhiều chất xơ và cũng chứa kẽm, một khoáng chất cần thiết trong một chế độ ăn uống bổ dưỡng cho COPD. Nghiên cứu cho thấy nhận đủ chất kẽm có thể giúp cải thiện triệu chứng COPD. Khuyến nghị liều dùng hàng ngày của kẽm là 11 mg cho nam và 8 mg cho phụ nữ; một nửa chén đậu xanh có chứa 1,3 mg kẽm.
6. Các loại hạt giàu calo
Một số người bị COPD có thể có chỉ số khối cơ thể thấp (BMI), một dấu hiệu của sự thiếu dinh dưỡng làm bệnh trầm trọng hơn. Điều quan trọng là phải ăn đầy đủ calo mỗi ngày để giữ cho trọng lượng ở mức bình thường. Có thể cần phải tập trung hơn vào các loại thực phẩm lành mạnh có hàm lượng calo cao như các loại hạt và bơ đậu phụng, có thể trộn với kem và nước sốt giàu calo có chất béo bão hòa.
7. Thịt nạc chứa nhiều protein
Nhiều người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có sự thiếu hụt protein. Thiếu protein có thể dẫn đến mất dần cơ bắp, còn được gọi là teo cơ. Cá, thịt gà, trứng, bơ hạt đậu và sữa đều là nguồn chứa nhiều protein. Nhu cầu cần khoảng 1,5 gram protein cho mỗi kg trọng lượng cơ thể trong một ngày.
8. Vitamin D
Có một số bằng chứng cho thấy thiếu vitamin D có thể đóng góp cho hình thành COPD và làm trầm trọng thêm các triệu chứng COPD. Cơ thể có thể tạo vitamin D từ việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, nhưng có thể bạn không nhận đủ ánh nắng mặt trời để đáp ứng nhu cầu vitamin D. Chọn thực phẩm bổ sung vitamin D từ các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá ngừ. Bạn cũng có thể dùng thuốc bổ sung vitamin D.
9. Nước và chất lỏng khác
Những khó khăn khi hít thở của COPD có thể gây mất nước. Dùng đủ nước để làm lỏng đờm để dễ tống ra ngoài khi ho và giữ mô khắp cơ thể dẻo dai hơn. Hãy chắc chắn rằng bạn có đủ chất lỏng trong suốt cả ngày. Nước là một lựa chọn tuyệt vời, cùng với các đồ uống lành mạnh, súp và hầu hết các loại trái cây. Tốt nhất uống 6-8 ly nước lọc mỗi ngày.
10. Tạo thói quen ăn các bữa ăn nhỏ
Một số người bị COPD cảm thấy rằng khi ăn một bữa ăn lớn, các thực phẩm trong dạ dày ép lên cơ hoành, làm cho khó khăn hơn để thở. Nên chia thành nhiều bữa nhỏ để có được dinh dưỡng cần thiết mà không gây khó cho hô hấp.
TS.BS. Lê Thanh Hải
Theo suckhoedoisong.vn