Cập nhật: 04/01/2017 09:00:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong vai trò chủ nhà APEC 2017, Việt Nam mong muốn cùng các nền kinh tế thành viên APEC tạo được động lực mới cho tăng trưởng kinh tế khu vực.

 

APEC 2017 thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững

Từ ngày 1/1/2017, Việt Nam chính thức tiếp nhận vai trò chủ nhà của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017. Trong vai trò chủ nhà APEC 2017, Việt Nam mong muốn cùng các nền kinh tế thành viên APEC tạo được động lực mới cho tăng trưởng kinh tế khu vực.

Bối cảnh APEC 2017

Ngày nay, khi thế giới biến động không ngừng, nhờ công nghệ ngày càng vượt trội mà con người liên tục tạo ra những phát minh, thành tựu mới thì chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới và cũ đan xen, đó là biến đổi khí hậu, là dịch bệnh, là sự phát triển chênh lệch, là khoảng cách giàu nghèo.

Đặc biệt trong năm 2016 khi xu hướng bảo hộ nổi lên, chống toàn cầu hóa gia tăng do mặt trái của quá trình này ngày càng bộc lộ rõ hơn và lan rộng thì APEC tạo ra những động lực phát triển mới để hợp tác có hiệu quả và thực chất hơn nữa, qua đó khẳng định vị thế của mình trong khu vực.

Năm 2015, Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình nghị sự vì sự phát triển bền vững 2030 và năm 2016 Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu cũng đã được thông qua. Bối cảnh hiện tại cùng với hai văn kiện này gợi mở những lĩnh vực hợp tác trọng tâm mới mà APEC cần hướng tới nhằm thể hiện vai trò đầu tàu ở khu vực.

Chủ đề và hướng ưu tiên của năm APEC 2017

Đảm nhận trách nhiệm chủ nhà APEC 2017, Việt Nam đề xuất chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” cho cả năm 2017. Theo Ban thư ký quốc gia APEC 2017, chủ đề này phản ánh được mối quan tâm chung của các thành viên APEC trong việc tìm kiếm động lực mới cho hội nhập, liên kết và tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chủ đề này cũng phù hợp với mục tiêu dài hạn của APEC và châu Á - Thái Bình Dương về “vun đắp một tương lai chung”, đó là hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng, thể hiện kỳ vọng về những phát triển mới của APEC trong năm 2017, góp phần khẳng định vị thế của Diễn đàn trong cục diện mới.

Tại Hội thảo, các ưu tiên của Năm APEC 2017 diễn ra vào tháng 12/2016, đề xuất về 4 hướng ưu tiên mà Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đưa ra đã được các thành viên APEC ủng hộ. Thứ nhất là thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm. Thứ hai là đẩy mạnh kết nối và hội nhập khu vực sâu rộng. Thứ ba là tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tăng cường năng lực cạnh tranh, sáng tạo và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ tư là tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững.

Theo kế hoạch, chỉ còn 3 năm nữa APEC sẽ phải hoàn thành mục tiêu Bogor. Để tiếp nối sự phát triển, APEC cần xây dựng cho mình những mục tiêu mới mà ở đó, việc hội nhập cần phải sâu rộng hơn, hiệu quả và thực chất hơn trong khi thu hẹp được mặt trái của tự do hóa thương mại và toàn cầu hóa.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã đề xuất xây dựng tầm nhìn cho APEC sau năm 2020 vì một “Quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương vì Phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21”. Trong tầm nhìn này, APEC sẽ tiếp tục củng cố được vai trò điều phối các liên kết kinh tế khu vực đa tầng nấc. APEC cũng sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới để APEC có thể tiếp tục chứng tỏ khả năng dẫn dắt và vai trò tiên phong trong nỗ lực phục hồi và tăng cường liên kết kinh tế khu vực.

APEC 2017 - cơ hội cho Việt Nam

Năm 2017 là một năm dấu mốc của đối ngoại Việt Nam khi chúng ta đảm trách vai trò chủ nhà Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Tổ chức thành công APEC cũng sẽ nâng uy tín của Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế trong khi nguồn nhân lực của Việt Nam cũng được nâng cao chất lượng do được học hỏi, cọ xát nhiều trong quá trình chuẩn bị và tổ chức các hoạt động của APEC.

Là nước chủ nhà APEC, Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ của APEC trong việc tăng cường kết nối, tăng cường thương mại, đầu tư, tạo cơ hội tham gia sâu hơn vào các vùng miền đang cần tranh thủ hợp tác. Vai trò chủ nhà APEC cũng tạo cho Việt Nam cơ hội để tăng cường quan hệ với các thành viên APEC.

Trong khuôn khổ chủ nhà APEC 2017, Việt Nam cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động kết nối các doanh nghiệp. Đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp trong nước gặp gỡ, trao đổi và tìm hiểu cơ hội đầu tư và hợp tác thương mại với các đối tác bên ngoài. Các hoạt động của APEC 2017 diễn ra tại nhiều thành phố của Việt Nam cũng sẽ là dịp để giới thiệu tới bạn bè quốc tế đất nước, con người Việt Nam cùng với tiềm năng phong phú của mỗi vùng đất./.

Theo Việt Nga/VOV.VN

Tệp đính kèm