Phương thức chế biến món ăn, đồ uống và cách ăn, cách uống là biểu hiện của văn hóa ẩm thực. Đó là nét văn hóa tự nhiên hình thành trong cuộc sống, nhất là đối với người Việt Nam, ẩm thực không chỉ là nét văn hóa vật chất mà còn là văn hóa về tinh thần, qua ẩm thực người ta có thể hiểu được phẩm giá con người, trình độ văn hóa của dân tộc với những đạo lý, phép tắc, phong tục trong cách ăn uống… Từ những món ăn dân dã trong ngày thường đến những món ăn cầu kỳ để dâng tiến tổ tiên ngày giỗ, tết hay dịp hội làng đều mang những vẻ riêng về nguyên liệu, màu sắc, hương vị và cách thức thực hành. Mỗi vùng miền ở nước ta lại có các món ăn khác nhau và mang ý nghĩa riêng biệt tạo nên bản sắc của từng dân tộc, phản ánh truyền thống và đặc trưng của các cộng đồng dân cư sinh sống ở từng khu vực.
Đậu Rùa
Là huyện thuộc vùng đồng bằng với phương thức sản xuất nông nghiệp đa dạng: Trồng lúa nước, cây lương thực, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc nên Vĩnh Tường có rất nhiều đặc sản ẩm thực do người nông dân chế biến từ những sản vật thu hái được trong lao động sản xuất; trong đó tiêu biểu là: Rượu Vân Giang, đậu Rùa Tuân Chính, thịt rắn Vĩnh Sơn, bánh ngõa Lũng Ngoại,… Mỗi món ăn đều chất chứa trong đó những tinh hoa của trời đất, có hương vị riêng, đặc trưng không thể lẫn với bất kỳ món ăn, đồ uống ở vùng quê khác.
Đậu Rùa Tuân Chính
Món ăn tiêu biểu nhất và có truyền thống lâu đời nhất ở Vĩnh Tường phải kể đến là đậu rùa Tuân Chính. Trước đây, làng nào của Tuân Chính cũng làm đậu rùa nhưng đến nay chỉ tập chung ở hai thôn Trung và Thượng thuộc làng cổ Tuân Lộ (tức làng Rùa). Theo lời những người cao tuổi ở địa phương thì đậu rùa đã có từ rất lâu, có gia đình đã truyền nghề đến đời thứ 4. Hiện nay trên địa bàn đã có khoảng 60 gia đình làm đậu rùa.
Chế biến đậu Rùa
Đậu rùa là món ăn dân giã được làm từ hạt đậu tương do người dân tự gieo trồng. Để làm ra miếng đậu rùa thơm ngon cần phải qua một quy trình, bắt đầu từ khâu chọn nguyên liệu là loại đậu tương tốt, hạt to, tròn đều, sáng màu, ngâm nước khoảng 7 tiếng cho đến khi hạt trương đến độ vừa đủ rồi bỏ vào cối đá (hoặc máy) xay/nghiền nát. Hạt đậu sau khi xay thành nước đậu thì cho vào túi vải trắng vắt bỏ bã, lọc càng kỹ thì bột càng mịn và đẹp. Nước đậu ấy đem nấu đến khi sôi thì đem nước chua pha vào (nước chua là nước được làm từ chính nước đậu đã múc hết cái để từ đêm hôm trước đến ngày hôm sau cho chua). Khi cái đậu nổi đều ta múc vào khuôn gỗ đã rải bên trong một lớp vải mỏng, đổ cho đầy khuôn (khuôn làm đậu hình chữ nhật có kích cỡ khác nhau) sau đó gói vải lại, dùng vật nặng ép đều bề mặt khuôn, nén càng kỹ đậu càng dai. Để sản phẩm làm ra ngon và ngậy thì nước đậu phải pha vừa tới (tức không đặc quá mà cũng không loãng quá). Từng miếng đậu sau khi lấy ra khỏi khuôn được xếp vào vỉ sắt đem nước trên than sỉ (than đã cháy hết chỉ còn nhiệt tỏa ra), nướng đậu bằng nhiệt miếng đậu sẽ chín vàng, chín đều. Trước đây đậu nướng xong đem đi chợ luôn, đậu bán theo từng chục, mỗi chục đậu được gói bằng một miếng lá chuối khô, buộc cọng rơm vàng trông rất thích mắt. Ngoài đậu rùa nướng còn có đậu rùa trắng, miếng đậu mịn không bở, ăn có vị mát, đây là nét rất riêng của đậu rùa. Ngày trước, đậu rùa chỉ được mang bán trong làng, trong vùng như chợ Vòng, chợ Thổ Tang, chợ Rưng. Bây giờ đậu rùa được bán ở các siêu thị và các nơi khác như Vĩnh Yên, Việt Trì, Sơn Tây…
Nấu rượu ở Lý Nhân
Trong mâm cơm hàng ngày hay mâm cỗ của người dân Tuân Chính không thể thiếu món đặc sản truyền thống của quê hương là đậu rùa, món dễ ăn, dễ chế biến và có lợi cho sức khỏe như đậu nướng/rán chấm nước mắm pha chanh, tỏi, ớt, đậu luộc, đậu nấu canh. Nghề làm đậu ở Tuân Chính chỉ là nghề phụ, thu nhập không nhiều nhưng người dân nơi đây vẫn giữ nghề, truyền nghề, hầu như ngày nào sản phẩm đậu rùa cũng có ở các chợ quê. Người Tuân Chính dù có đi xa cũng luôn nhớ về quê hương với món đậu rùa dân giã, đạm bạc nhưng chứa đựng trong đó biết bao tình cảm, tâm huyết của con người nơi đây.
Một loại đồ uống thường có trong mâm cơm, mâm cỗ của nhân dân ta là rượu. Ở xã Lý Nhân có 3 làng biết nấu rượu là Bàn Mạch, Vân Giang và Vân Hà, trong đó rượu làng Vân Giang nổi tiếng nhất và được biết đến như một thương hiệu. Rượu Vân Giang được nấu bằng gạo nếp hoặc gạo tẻ, men ủ rượu là men quả do người dân tự làm từ gạo và các vị thuốc bắc, trung bình có từ 25 đến 35 vị, không dùng men vi sinh. Men vi sinh tuy rẻ nhưng không có vị êm, chất lượng thấp, uống dễ gây đau đầu. Sau khi ủ cơm lên men được 2 ngày ra nước cốt thì đem nấu. Nấu bằng nồi đồng cho thơm rượu, sau đó chứa trong bình sành sẽ không giảm độ thơm ngon. Rượu Vân Giang khoảng 50 độ được dùng để ngâm thuốc bắc, dùng trong cỗ cưới và các lễ tiệc quan trọng… Vì rượu Vân Giang có độ nặng nên không thể uống nhiều như các loại rượu khác, thường thì mỗi mâm cỗ người ta chỉ dùng một chai nửa lít là đủ dùng, chỉ cần 1 chai đó các khách mời đã có thể say sưa thưởng thức cùng với những món ăn cho đến khi tàn tiệc. Trước đây, rượu nấu ra chỉ được bán ở trong làng nhưng đến nay cũng được đem bán ở nhiều nơi trong tỉnh và ngoài tỉnh như Phú Thọ, Sơn Tây. Đặc trung dễ nhận biết nhất của làng Vân là độ rượu rất cao, chỉ cần nhấp một ngụm nhỏ là ta có thể cảm nhận được hương vị của rượu, cảm giác tê tê đầu lưỡi, ngấm vào cổ họng và lan truyền toàn cơ thể. Rượu Vân Giang được nấu theo đơn đặt hàng chứ không nấu ồ ạt, đã có rất nhiều người từ các vùng quê khác quen dùng rượu Vân Giang và đã đến tận làng mua về. Cho đến nay rượu Vân Giang vẫn giữ được vị đặc trưng không thể lẫn với bất kỳ rượu của làng quê nào khác, đó là niềm tự hào của người dân làng Vân Giang.
Món ăn nổi tiếng nữa của Vĩnh Tường là thịt rắn Vĩnh Sơn. Từ sản phẩm tự chăn nuôi là con rắn người dân nơi đây đã chế biến thành các món ăn ngon lành, hấp dẫn. Con rắn hầu như không bỏ đi phần nào: da rắn để chiên ròn, thịt rắn để xào lăn, làm các loại chả, hầm thuốc bắc, xương rắn cho vào băm nhỏ chiên ròn với vừng và lá chanh…
Rượu rắn
Đến Vĩnh Sơn du khách có cơ hội thưởng thức các món ăn từ thịt rắn, thấy được vị ròn thơm của da rắn khi chiên phồng, vị ngọt, thơm của thịt rắn kết hợp với cần, tỏi, ớt trong món xào lăn; vị mát, ngọt của nấm, trứng, rau răm trong bát súp thịt rắn lạ miệng… Cũng từ thịt rắn, người ta còn khéo léo cuộn những chiếc nem to chừng ngón tay bằng bánh đa nem hay bằng lá lốt để món thịt rắn thêm đa dạng hương vị và phong cách.
Hiên nay trên địa bàn xã Vĩnh Sơn đã có quán tư nhân kinh doanh chế biến món thịt rắn không chỉ phục vụ cho nhu cầu người dân trong xã mà còn đáp ứng nhu cầu thưởng thức của thực khách ở mọi vùng miền đến thăm thú nơi đây. Đến Vĩnh Sơn, du khách không chỉ được nhìn ngắm phong cảnh làng quê với mái đình cổ kính mà còn được tham quan chiêm ngưỡng các trang trại nuôi rắn, thưởng thức những món ngon từ thịt rắn – là thành quả do người nông dân tạo nên qua quá trình miệt mài hăng say lao động làm giàu cho gia đình và quê hương.
ST