Cũng như “bánh đúc kẻ Đanh (Đinh Xá - Nguyệt Đức), bánh hành kẻ Mỏ (thị trấn Minh Tân)”, canh chuối Liên Châu, chả nướng Lưỡng Quán (Trung Kiên), bánh khoai sọ Đông Mẫu (Yên Đồng), đậu Trò (Phương Trù - Yên Phương)… đậu phụ Minh Tân mang những đặc trưng hương vị và mùi vị rất riêng.
Vị mát ngậy nhận được ngay từ đầu lưỡi, rồi từ từ cảm thấy được vị béo, ngọt ngào trong bánh đậu Minh Tân, những bánh đậu phụ trắng mịn, hấp dẫn khiến không ít người nhớ nhung mỗi khi xa quê.
Chẳng biết tự bao giờ, nghề làm đậu đã gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây và là một trong những nghề mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều hộ dân. Cái nghề được gọi là “nghiền cái lấy nước” này ngoài việc mang lại lợi nhuận kinh tế cao còn tạo thế mạnh cho nghề dịch vụ ăn uống và nghề chăn nuôi phát triển.
Cũng như nhiều địa phương, trước đây nghề làm đậu ở thị trấn Yên Lạc chỉ đơn thuần được làm theo phương pháp thủ công thô sơ, không hiệu quả, những năm gần đây do tiếp xúc công nghệ mới, tìm được nguồn cung nguyên liệu và nguồn tiêu thụ, thương hiệu đậu phụ Minh Tân - thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc) được nhiều nơi biết đến như một món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa cơm gia đình hàng ngày. Theo ông Nguyễn Thái Dũng (Phó chủ tịch UBND thị trấn Yên Lạc) cho biết: hiện nay thị trấn Yên Lạc có khoảng 40 hộ làm nghề đậu phụ, sản phẩm đậu do người dân nơi đây làm ra chủ yếu được tiêu thụ trên địa bàn và một số địa phương lân cận. Từ việc làm đậu phụ, nhiều hộ dân nơi đây đã có thu nhập khá, tạo điều kiện để kinh tế của thị trấn phát triển.
Tuy chỉ là món ăn bình dân, nhưng để làm ra được bìa đậu trắng thơm cũng đòi hỏi khá nhiều công phu. Chế biến đậu phụ không quá cầu kỳ nhưng cần những bàn tay khéo léo, tỉ mỉ và qua nhiều công đoạn như xay, nấu đậu đến gói, nén, bóc đậu…
Chứng kiến quy trình sản xuất ra 1 mẻ đậu mới thấy nghề làm đậu không nhẹ nhàng chút nào. Người ta phải thức dậy từ sớm để kịp làm đậu nóng cho buổi chợ sớm hoặc thức xuyên trưa để kịp làm đậu nóng cho buổi chợ chiều. Tuy nhiên nhờ có niềm say mê và ý thức giữ gìn nghề của người dân nơi đây nên ngày càng nhiều người biết đến món ăn làm từ hạt cây đỗ tương này của nhân dân địa phương. Và, khác với nhiều loại đậu phụ, đậu phụ thị trấn Yên Lạc hay như nhiều người hay gọi là đậu phụ Minh Tân có “công thức” sản xuất được đúc kết qua nhiều thế hệ.
Theo kinh nghiệm của gia đình anh Đậu Văn Khang, khu 2, thị trấn Yên Lạc, một gia đình có 2 thế hệ làm đậu với hơn 20 năm kinh nghiệm chia sẻ: Muốn có đậu ngon, ngay từ khâu chọn nguyên liệu để làm đậu, người dân nơi đây đã có những bí quyết riêng mà không nơi nào có được, nguyên liệu duy nhất là đỗ tương, phải chọn được loại đỗ có màu tươi, vàng, không bị sâu mọt, hạt tròn, rắn, chắc mẩy, đều, bởi nguyên liệu có chuẩn thì sản phẩm mới ngon được.
Để có được mẻ đậu đạt yêu cầu, người làm đậu phải lao động trong gần 3 tiếng đồng hồ. Quan trọng nhất trong các công đoạn làm đậu là khâu đun sôi nước đậu đã qua lọc và pha nước chua (nước cái).
Thông thường, để làm khoảng 20 kg đậu thì phải chia làm 3 nồi, thời gian để mỗi nồi nước đậu sôi không được quá 40 phút. Sau khi nồi nước đậu đã sôi, chúng sẽ được đổ ra các chậu hoặc chum sành để pha nước chua, nước chua cho vào phải đạt một tỷ lệ nhất định, không quá nhiều và quá ít. Nếu lượng nước chua cho vào nhiều thì đậu cứng, xác, mất độ thơm ngậy. Ngược lại, lượng nước chua cho vào quá ít thì đậu bị nhũn, bề mặt của bìa đậu không được mịn mà sẽ bị rỗ. Đậu phụ được ép trong khuôn gỗ lớn nên bìa đậu to bản, không quá cứng mà cũng chẳng quá mềm, đây cũng là đặc điểm riêng rất khác biệt với đậu phụ ở những làng nghề khác.
Hình ảnh từng khuôn đậu nóng hổi được đặt vào lớp vải xô ép trong khuôn gỗ đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân trong làng. Từng miếng đậu vuông vắn được ép chặt trong khuôn. Người sành ăn sẽ dễ nhận thấy miếng đậu được làm ra bởi bàn tay người dân nơi đây có màu vàng hơi hồng, sờ mát tay, dày mình, thơm ngậy đặc biệt vị đậu nành. Đậu được làm ra có hình chữ nhật, được bán theo khối lượng kg, chính điều này cùng với hương vị trong mỗi miếng đậu đã tạo nên nét khác biệt căn bản của đậu phụ Minh Tân so với đậu Trò (Phương Trù - Yên Phương), đậu rùa Vĩnh Tường của tỉnh Vĩnh Phúc, đậu gù Trà Lâm (Thuận Thành - Bắc Ninh), đậu Mơ (Mai Động - Hà Nội)… Vì vậy mà dù bận rộn đến đâu, nhiều người dân quanh vùng cũng phải bố trí thời gian để ghé vào chợ Trung tâm thương mại Yên Lạc mà nhiều người quen gọi là chợ chiều Minh Tân để mua đậu về phục vụ cho bữa ăn của gia đình mình hoặc khi nhà có cúng, giỗ, đãi khách... hay đơn giản hơn là để thưởng thức một món ăn ngon trong tiết trời sang thu cùng với bạn bè, gia đình, người thân lúc nhàn rỗi.
Đậu phụ là món ăn bình dị, dân dã có mặt ở hầu hết các vùng, miền, từ chợ quê cho đến chợ phố, từ quán ăn bình dân cho đến những nhà hàng sang trọng, vì đặc tính của món ngon này rất mát, dễ chế biến và không kén khẩu vị. Đây cũng là một món ăn có nhiều lợi ích về sức khỏe phù hợp với thị hiếu của nhiều người từ trẻ em cho đến người cao tuổi. Tùy theo sở thích, thực khách có thể thưởng thức riêng hay ăn kèm với thứ khác. Khi mẻ đậu nóng vừa ra lò, chỉ cần cắt thành miếng nhỏ vừa ăn và chấm muối chanh ớt, thực khách sẽ không khỏi suýt xoa với hương vị thơm ngậy riêng biệt của đậu phụ Minh Tân. Hoặc cầu kì hơn có thể cắt nhỏ, rán vàng, chấm với muối bột canh hay mắm tôm chanh ớt ăn kèm với rau sống và bún. Rồi nướng miếng đậu trên than hoa... Và, khi kết hợp đậu phụ với một số thực phẩm khác như thịt lợn, cà chua, cua, ốc… chúng ta sẽ có ngay những món ngon đầy đủ chất dinh dưỡng.
Hiện nay, các chế phẩm của đậu phụ như: nước đậu nành và tào phớ cũng trở thành những thức uống bổ dưỡng được nhiều người ưa chuộng và bán khá chạy. Như ông Nguyễn Thái Dũng (Phó chủ tịch UBND thị trấn Yên Lạc) cho biết thì nghề làm đậu phụ còn tạo ra một khoản lợi nhuận từ sản phẩm phụ (bã đậu) để chăn nuôi gia súc, gia cầm và có thể tận dụng được nguồn lao động lúc nông nhàn cũng như lao động phụ của địa phương, góp phần quan trọng vào công tác tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.
Nghề làm đậu ở thị trấn Yên Lạc được gắn bó và truyền lại từ đời này qua đời khác, công nghệ xay đỗ tương có thể công nghiệp hóa bằng máy móc nhưng kỹ thuật pha chế và ép khuôn đậu thì vẫn được giữ gìn, vì đó là bản sắc và hương vị chỉ riêng có ở làng nghề đậu phụ Minh Tân. Hy vọng rằng với món đặc sản dân dã rất xưa này, nhiều du khách có thể ở lại Yên Lạc lâu hơn chút nữa khi tìm về với khu di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu, tìm về với Sông Loan - Núi Biện và tìm về với Đền Bắc Cung trong mùa hội tới.
ST