Lập Thạch là huyện miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc. Nằm ở toạ độ 1050 30’ đến 1050 45’ độ kinh đông và 210 10’ đến 210 30’ độ vĩ bắc. Phía bắc giáp Tuyên Quang, đông giáp huyện Tam Đảo và huyện Tam Dương, nam giáp huyện Vĩnh Tường, tây giáp tỉnh Phú Thọ. Diện tích toàn huyện là 32.302,2 héc ta. Lập Thạch có 35 xã và một thị trấn. Dân số 207.052 người với 7 dân tộc cùng chung sống: Kinh, Dao, Cao Lan, Sán Dìu, Tày, Nùng, Hoa. Mật độ dân số 554 người/ km2.
Nói đến Lập Thạch hẳn ai cũng biết đây là vùng đất giàu tiềm năng du lịch. Tiềm năng về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hoá, ẩm thực đan xen nhau níu chân du khách.
Tiềm năng về danh lam thắng cảnh có núi Sáng Sơn với độ cao 633 m, trên núi có rừng cây quanh năm xanh tốt, phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ. Lưng chừng núi có Thác Bay cao 30 m, nước chảy dội vào đá nửa tung xuống dưới nửa bay lên trời trông rất kỳ thú. Dưới chân núi Sáng có hồ Vân Trục, hồ Bò Lạc, phía tây của Lập Thạch có dòng sông Lô trong xanh, là những điểm du lịch lý tưởng trên sông, nước. Hẳn là thiếu sót nếu quên đi vườn cò Hải Lựu, một trong những phong cảnh tự nhiên rất đẹp và thú vị của vùng đất mà Đề Thám đã xây dựng căn cứ chống Pháp.
Tiềm năng về di tích lịch sử có tháp Bình Sơn và chùa Vĩnh Khánh. Tháp Bình Sơn có giá trị lớn về kiến trúc và mĩ thuật thời Lý, Trần tháp được coi là viên ngọc báu của kho tàng dân tộc Việt Nam. Tiếp theo là đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, vị công thần khai quốc triều Lê người Lập Thạch đã có công giúp Lê Thái Tổ đánh giặc Minh giải phóng đất nước. Đền thờ Lưỡng quốc trạng nguyên Triệu Thái, đền thờ Nhà giáo Đỗ Khắc Chung…
Lập Thạch là vùng đất văn hoá cổ, có những trò chơi dân gian và các lễ hội đặc sắc như: “chọi trâu” Hải Lựu “hát trống quân” Đức Bác, tục “đả cầu cướp phết” Bàn Giản, lễ hội “rước cây bông” xã Đồng Thịnh, lễ hội “leo cầu bắt trạch” làng Thạc Trục ( nay là Xuân Hoà), tết “nhảy” của người Dao cùng một số nét văn hoá của các dân tộc Sán Dìu, Cao Lan…những trò chơi và lễ hội này đã minh chứng cho nét văn hoá sinh động của người Lập Thạch.
Những món ăn nổi tiếng như : cá thính Cao Phong- Đức Bác, bánh Nẳng chợ Tràng, bánh gạo rang Tiên Lữ, mắm tép Đức Bác …du khách đã một lần thưởng thức những món ăn nơi đây chắc hẳn sẽ không bao giờ quên.
Với truyền thống cần cù lao động, trải qua hàng ngàn năm xây dựng, Lập Thạch có nhiều làng nghề nổi tiếng, góp phần quan trọng vào tiềm năng du lịch của địa phương như: Làng gốm Sơn Đông, làng đá Hải Lựu, mây tre đan Triệu Đề, giát giường Hoàng Chung … Có sức hấp dẫn du khách tham quan, mua sắm.
ST