Cập nhật: 15/01/2017 10:17:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Khu ruộng canh tác có tên gọi Gò Dền nằm ở phía Đông làng Phú Mỹ, xã Tự Lập, huyện Mê Linh, trong phạm vi diện tích khoảng 2, 5ha là nơi phân bố của di chỉ khảo cổ học Gò Dền, di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia.

Dựa vào vị trí có thế đất cao hơn khu ruộng trũng xung quanh khoảng 3m, những năm đầu công nguyên, trong cuộc đấu tranh chống giặc Tô Định thời Đông Hán, Hai Bà Trưng đã dùng nơi đây làm thành luỹ đánh quân Mã Viện ở thành Viện (đọc chệch là thành Vượn) cách đó khoảng 1500m về phía Đông Bắc, nên đây còn được gọi là thành Dền.

Phát hiện năm 1970, cho đến nay gò Dền đã qua 4 lần khai quật vào các năm 1983, 1984, 1996 và 2002 với tổng diện tích là 195m2, với hàng nghìn hiện vật bao gồm các loại: Đồ đá, đồng và gốm; Trong đó, số lượng di vật bằng đồng rất lớn, bao gồm các loại: Rìu, mũi nhọn, mũi tên, lưỡi câu, dây đồng, cục đồng, xỉ đồng, số lượng di vật đồng tương đương với di vật đá được tìm thấy trong các đợt khai quật. Đặc biệt, đã phát hiện hàng trăm mảnh khuôn đúc bằng đá, đất nung, hàng chục mảnh nồi nấu đồng, cốt đúc họng và lò nấu đồng, đây là hiện tượng hiếm thấy ở Việt Nam.

Thông qua khuôn đúc, nồi nấu và lò đúc đồng, được biết: Ngoài các loại công cụ, vũ khí nêu trên, người thợ Gò Dền còn đúc các loại: Giáo, lao có ngạch, đục, dao, khuôn loại 2 mang có đậu rót và  đậu ngót (chứng tỏ kỹ thuật rất cao), nồi nấu bằng đất trộn trấu, dùng đi dùng lại nhiều lần. Qua nghiên cứu đã khẳng định rằng nghề luyện kim đồng rất phát triển ở giai đoạn này và đặc biệt, di chỉ Gò Dền có thể chính là một trung tâm luyện kim đồng ở Việt Nam.

Di chỉ Gò Dền là di chỉ mang đặc trưng điển hình của giai đoạn văn hoá Đồng Đậu, sát lớp sinh thổ còn dấu tích của các yếu tố Phùng Nguyên (của giai đoạn trước) và lớp mặt đã xuất hiện các yếu tố Gò Mun (giai đoạn tiếp theo).

Từ di tích và di vật của Gò Dền, cho phép hình dung về diện mạo của một cộng đồng cư dân thời Đồng Đậu. Tại đây, con người sống định cư lâu dài nhờ nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước, ngoài việc làm ruộng, con người thời kỳ này còn tinh thông nhiều nghề: Đan lát, dệt vải. Nhưng đặc biệt nhất là người Gò Dền đã rất giỏi nghề luyện kim đồng với nhiều loại sản phẩm: Công cụ lao động sản xuất, săn bắn, đồ dùng sinh hoạt và vũ khí rất tinh xảo. Và, Gò Dền xứng đáng là một di tích khảo cổ học đặc biệt quan trọng cho việc phục dựng lại diện mạo của văn hoá Đồng Đậu ở Việt Nam.

Nằm cách thị xã Phúc Yên khoảng 8km về phía Tây, cạnh trục đường 303 tỉnh lộ từ Phúc Yên đi Liên Mạc, Tiến Thinh; Di tích Gò Dền rất thuận lợi để du khách gần xa tham quan nghiên cứu và học tập.

ST

Tệp đính kèm