Cập nhật: 12/01/2017 08:26:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Kiến trúc làng cổ ở Việt Nam nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng được hình thành từ thời kỳ Hùng Vương dựng nước và được bảo tồn qua mấy nghìn năm lịch sử, tồn tại cho đến ngày nay. 

Cũng như các làng cổ ở Việt Nam, kiến trúc làng cổ ở Vĩnh Phúc là tổng hợp của các yếu tố cấu thành như: quá trình tụ cư của nhân dân, kiến trúc nhà cổ, tre làng, cổng làng, chợ làng và hệ thống di tích lịch sử - văn hóa…

Mỗi làng quê truyền thống ở Vĩnh Phúc đều được bao bọc bởi những lũy tre và cách nhau một “chòm tre”. Trong lũy tre làng là nơi định cư của nhân dân, với các thiết chế văn hóa, phong tục, tập quán đặc đặc trưng riêng. Tự bao đời nay, nhân dân ta vẫn truyền nhau câu ca “phép vua thua lệ làng” là vậy.

 Lũy tre làng không chỉ là gianh giới phân định giữa các làng với nhau, mà đây còn là thành trì kiên cố bảo vệ xóm làng tránh địch họa và trộm cắp xâm nhập. Vì thế, tre làng gắn liền với nền văn minh nông nghiệp lúa nước, gợi nên ước vọng về một cuộc sống thanh bình, đầm ấm từ đời này qua đời khác. Cùng với đó, tre còn có tác dụng giúp trị thủy, làm vật liệu xây dựng và các đồ dùng trong gia đình Việt Nam truyền thống.

Cùng với tre làng, cổng làng được xem là biểu tượng cho nếp sống, cốt cách của người dân sống trong làng. Cổng làng thường được đặt ở những vị trí trang trọng nhất ở trong làng. Hầu như làng nào ở Vĩnh Phúc xưa cũng có cổng làng, gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng xã.

Kiến trúc truyền thống của cổng làng thường được mô phỏng những ngôi tam quan của đình, chùa xưa. Cổng thường có một cửa chính, liền kề với cửa chính có hai cửa phụ hai bên, thấp và nhỏ hơn. Ban đầu cổng làng chỉ đơn giản được làm bằng tre, cửa chắn bằng phên, dong tre nhiều gai nhọn để bảo vệ tài sản, ngăn ngừa thú dữ vào làng phá phách cây cối, hoa màu và vật nuôi trong gia đình. Về sau, cổng làng mới được xây dựng ngày càng kiên cố, bề thế hơn, ngăn ngừa được trộm cắp, bảo vệ an toàn tài sản và của cư dân trong làng. Mỗi khi cổng làng đóng lại, cổng kết hợp với hệ thống hàng rào, lũy tre là ng đã trở thành một thế giới riêng khép kín rất độc đáo của làng quê Bắc Bộ.

Cổng làng có các mảng kiến trúc liên kết với nhau, tạo nên sự bền vững, hài hòa gồm: Vòm cổng. Phía dưới vòm cổng là hai trụ cổng, mặt trước trụ cổng thường có câu đối bằng chữ nho hoặc chữ quốc ngữ (nội dung chủ yếu nói về phong tục, tập quán, đặc trưng, thành tích chung hoặc xu thể phát triển của làng). Mặt cổng thường ghi tên của làng, hoặc thể hiện phương châm xử thế và mang cốt cách của làng. Cổng làng vừa mang ý nghĩa khẳng định chủ quyền địa giới, vừa góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá riêng của mỗi làng.

Trước đây ở các làng quê  Vĩnh Phúc đều có giếng làng. Giếng thường được xây dựng cạnh đường cái, cá biệt có những chiếc giếng được xây dựng cạnh ngã ba, ngã tư đường, nơi giao nhau của các đường nhỏ với trục đường chính để thuận tiện cho nhân dân trong làng  lấy nước sinh hoạt.

Cấu tạo giếng thường hình tròn. Từ đáy giếng lên đến mặt giếng (dân gian gọi là thành giếng) được xếp bằng đá ong, đá cuội trồng chặt khít lên nhau theo một trật tự nhất định, tạo thế vững chắc cho thành giếng, qua hàng trăm năm mà không bị sụt, lún. Phần từ mặt giếng lên (gọi là tang giếng) được xây dựng bằng đá nguyên khối, được các nghệ nhân đục đẽo, trang trí họa tiết, hoa văn đẹp và kiên cố. Đây là nơi mà nhân dân trong làng lấy nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày cho gia đình.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử đến nay, giếng làng vẫn là nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa Việt, là nơi để mỗi người con của làng gửi gắm niềm thương, nỗi nhớ của mình sau những ngày lao động vất vả “một nắng hai sương”.

Cũng như bao làng quê Việt Nam khác, trước đây, ở mỗi làng cổ Vĩnh Phúc đều có chợ quê. Chợ thường được họp theo phiên, vào các ngày chẵn hay lẻ của tháng.  Ban đầu, chợ được hình thành với quy mô nhỏ, mang tính chất chợ làng, nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của chính người dân làng đó. Dần dần, một số chợ quê đã phát triển lên thành chợ của nhiều làng, nhiều xã, thậm chí là chợ trung tâm, nhưng các chợ đó vẫn thuộc vào sự quản lý của địa phương đó.

Không phải tất cả nhưng phần lớn những người buôn bán tại các chợ quê hầu như không thoát ly khỏi nông nghiệp và thủ công nghiệp. Nhiều khi họ chỉ buôn bán, trao đổi những mặt hàng là sản phẩm nông nghiệp và thủ công nghiệp do chính bản thân và các thành viên trong gia đình làm ra. Những quán hàng của họ tuy đơn sơ, giản dị, nhưng gắn bó với chợ quê đã nhiều năm qua và thực sự góp phần tô điểm thêm cho những nét văn hóa đẹp của chợ quê.

 Thành phần dân cư tham gia buôn bán tại các chợ quê rất đa dạng. Thật khó để phân biệt một cách rạch ròi trong số những người tham gia trao đổi hàng hóa tại chợ quê ai là thương nhân, ai là thợ thủ công và ai là nông dân. Sự hòa lẫn cả ba thành phần dân cư trong cùng một con người mua bán hàng hóa tại các chợ quê là hình ảnh hết sức sinh động của nền kinh tế ở nông thôn và cũng là nét nổi bật của chợ quê xưa và tồn tại cho đến ngày nay.

Các mặt hàng được bày bán tại chợ chủ yếu vẫn là các loại nông sản, lương thực, thực phẩm, công cụ lao động, đồ dùng trong gia đình, những mặt hàng cần thiết phục vụ cho cuộc sống hằng ngày. Đấy là những sản phẩm nông nghiệp và thủ công nghiệp do chính người dân đã trực tiếp làm ra và đem ra chợ bán để mua về những vật dụng cần thiết cho bản thân và gia đình. Vì thế, chợ quê tự bao đời nay có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của nhân dân.

Cùng với những nét văn hóa tiêu biểu trên, ở làng, xã truyền thống trong tỉnh cũng có đình làng, gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương. Đây là nơi thờ Thành hoàng, có thể là nhân thần hay nhiên thần, nhưng đều có công với quê hương, đất nước, được nhân dân tôn thời trải qua nhiều thế hệ đến ngày nay.

Đình ở Vĩnh Phúc có từ thời hậu Lê, thế kỷ XV; nhưng chủ yếu được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII. Trước đây, đình thường có 3 gian 2 trái, gian giữa là nơi đặt bài vị thờ Thành hoàng làng. Cuối thế kỷ XVII từ gian giữa vốn có của đình, nhân dân xây dựng thêm phần chuôi vồ, kéo dài về phía sau, tạo cho đình làng có kiến trúc kiểu chữ  đinh. Đến cuối thế kỷ XVII trở đi, đình làng ở Việt Nam nói chung, Vĩnh Phúc nói riêng được bổ xung thêm tòa tiền tế.

Cấu trúc đình làng hiện nay có 3 phần, gắn với 3 chức năng khác nhau: Sân đình là nơi sinh hoạt văn hóa của làng xã, thường là nơi tổ chức các lễ hội và tiệc làng. Đại đình với chức năng sinh hoạt chính trị, là nơi dân làng thường tổ chức họp bàn mỗi khi làng có việc quan trọng. Thượng cung là nơi thờ Thành hoàng và cũng là nơi trang trọng nhất của đình làng, bầy bài vị, ngai, hương án và tượng của vị thần được thờ.

Các làng cổ Vĩnh Phúc còn được phản ánh đậm nét qua kiến trúc của làng, trước hết là hệ thống đường làng. Tất cả các ngõ đều mở ra đường cái chính, thường quần cư hết một ngõ lại tiếp sang ngõ khác nối với nhau theo quy trình ấy. Từ trên tuyến đường chính, các ngõ rẽ vào theo lối xương cá, thông thường cứ mỗi khu đất trong ngõ có hai gia đình cư trú, cổng mỗi nhà thông sang ngõ bên, đối diện với nhau, tức là thuộc vào sinh hoạt của ngõ khác. Các nhà đều đối lưng hoặc đối đốc lại với nhau. Với cấu trúc độc đáo trên, kiến trúc lang cổ ở Vĩnh Phúc đã tiết kiệm được đất thổ cư, giành đất cho sản xuất, an ninh được đảm bảo, đồng thời còn thuận tiện trong việc giao lưu và phát triển văn hóa – văn nghệ trong làng.

Trong kiến trúc đó, các ngôi nhà truyền thống ở Vĩnh Phúc tuy độc lập mà vẫn hòa đồng cùng xóm làng xung quanh. Những bức tường ngăn cách với đường đi, giữa các nhà với nhau tạo nên thế khép kín cho mỗi gia đình, nhưng cũng luôn mở ra hòa nhập vào với cộng đồng làng.

Mỗi ngôi nhà truyền thống đều được chủ nhà tạo dựng thành một hệ thống các công trình, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt và kinh tế gia đình. Các chức năng gồm: hàng rào, cổng, sân phơi, nhà chính, nhà phụ, giếng nước, vườn cây, ao cá, khu chuồng trại chăn nuôi trâu, bò, lợn gà.. Trong khuân viên ấy, trước đây, người Việt tạo cho mình cuộc sống theo lối “tự túc, tự cấp”. Ở Vĩnh Phúc bây giờ, đất chật, người đông, nên kiến trúc trên có ít nhiều thay đổi trong việc bố chí không gian sống cho gia đình. Trong khuân viên, ngôi nhà chính giữ vai trò chủ đạo, sau đó đến nhà phụ (ở đây nhà phụ thường là bếp), nối một đầu với nhau vuông góc theo hình chữ Môn. Từ bếp có cửa mở ra sân, thường ở cạnh góc sân là giếng nước, giúp việc sơ chế thức ăn được thuận tiện. Dựa theo đặc điểm kiến trúc, cha ông ta đặt cho các ngôi nhà của mình là nhà đại khoa, nhà ngói bức bàn hay đơn giản là nhà tranh, nhà xây, hoặc nhà ngói…

Trong những ngôi nhà truyền thống thường có từ hai hoặc nhiều thế hệ (tam, tứ đại đồng đường) chung sống. Ngôi nhà vì thế không chỉ là tài sản chung, mà còn là một mái ấm bình yên của các thành viên trong gia đình. Bởi lẽ đó, mà nhiều ngôi nhà, qua nhiều năm tháng, vẫn được các thế hệ của gia đình gìn giữ, tôn tạo. Điều này cho thấy sự bền vững của ngôi nhà Việt truyền thống.

Các ngôi làng cổ ở Vĩnh Phúc về nghệ thuật kiến trúc, cấu trúc quần cư không còn nhiều lắm ở Vĩnh Phúc nói riêng và cả nước nói chung. Việc bảo tồn và tôn tạo những giá trị quý giá ấy là việc chúng ta đã và đang làm, để tự răn mình và răn dạy các con cháu đời sau, không bao giờ quên nguồn gốc tổ tiên, cũng là để minh chứng cho đường lối đúng đắn của Đảng về  “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

 

ST

Tệp đính kèm