Người dân xã đảo Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) rất phấn khởi, vui mừng khi được sử dụng dòng điện quốc gia.
Công trình cấp lưới điện quốc gia cho xã đảo Lại Sơn. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Đây là dự án thứ ba xây dựng đường dây trên không vượt biển mà Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC) đầu tư xây dựng, sau dự án đưa điện ra đảo Hòn Tre và đảo Lại Sơn (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang), có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển và xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền vùng biển phía Nam.
Hành trình đem điện vượt biển
Dự án đưa điện lưới quốc gia ra đảo Hòn Nghệ có tổng mức đầu tư trên 140 tỷ đồng, do điện lực Kiên Giang làm chủ đầu tư, thực hiện bằng nguồn vốn của Tổng công ty Điện lực miền Nam. Với quy mô gồm xây dựng mới đường dây 22kV trên biển dài 16,37 km và đường dây trung thế 3 pha dài 9,94 km, dự án đã xây dựng mới 8 trạm biến áp với tổng công suất 975kVA và lắp đặt 526 bộ côngtơ, nhánh rẽ khách hàng để cấp điện cho 526 hộ dân với 2.229 người trên đảo.
Đường trên không vượt biển xuất phát từ bờ Hòn Chông (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang), dài thứ hai cả nước sau dự án cấp điện cho xã đảo Lại Sơn (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang), có công suất truyền tải 14,14 MVA, có năng cung cấp tối đa hàng năm lên đến hàng triệu kWh, gấp hàng chục lần so với năng lực cấp điện trước đây của các tổ máy phát diesel ở Hòn Nghệ.
Được trực tiếp đi cùng các cán bộ ngành điện ra khảo sát, "mục sở thị" những cột điện vượt biển, chúng tôi mới thấy hết sự khó khăn, nỗ lực của các kỹ sư, công nhân thi công của ngành điện trong quá trình thi công đường dây điện vượt biển này.
Trong quá trình thi công cọc, mỗi vị trí móng phải đóng một cọc thử. Sau khi đóng cọc thử đến đạt độ sâu thiết kế, cần thời gian chờ đợi khoảng 2-3 ngày tùy theo từng vị trí, sau đó đơn vị thi công kiểm tra lại xem cọc đã đạt độ ổn định chịu tải chưa rồi mới tiến hành cho đóng đại trà.
Ông Trương Tấn Lực, Giám đốc Công ty Điện lực Kiên Giang chia sẻ trong quá trình thi công xây dựng công trình lưới điện, nhiều khó khăn trở ngại phát sinh do thời tiết xấu, sóng to, gió lớn trên biển. Tuy nhiên, chủ đầu tư, các đơn vị thi công đã nỗ lực quyết tâm và tranh thủ lúc thời tiết thuận lợi để thi công, hoàn thành công trình an toàn, chất lượng, hiệu quả và đưa dòng điện lưới quốc gia ra phục vụ nhân dân xã đảo.
Thúc đẩy phát triển kinh tế biển
Những năm qua, người dân xã đảo Hòn Nghệ dùng điện của trạm phát điện diesel, nằm sau dãy nhà của ủy ban xã, tuy không cách xa bờ biển nhưng đường vào trạm không thuận tiện. Trạm có 2 máy phát cũ, công suất 50 kW mỗi máy, đã vận hành từ năm 2002, ít được bảo dưỡng và hay hư hỏng.
Trong năm 2013, trạm được đầu tư một máy phát Cummin công suất 200 kW. Nguồn điện từ máy phát diesel chủ yếu phục vụ sinh hoạt nhỏ lẻ khiến người dân không phát triển kinh tế được.
Có điện lưới quốc gia về, ai nấy cũng đều vui mừng. Chị Nguyễn Mỹ Ngọc, chủ quán hải sản tại ấp Bãi Nam, xã Hòn Nghệ cho biết chị rất vui mừng. Điện lưới quốc gia đã đến đúng vào những ngày cuối cùng của năm 2016 chắc chắn giúp ích rất nhiều cho việc buôn bán, kinh doanh hiện nay của gia đình.
Còn gia đình anh Nguyễn Hữu Quý, chủ nhà nghỉ Mỹ Phượng, ấp Bãi Nam, xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương cho biết ngoài 8 phòng nghỉ đã kinh doanh gần 1 năm nay, kể từ khi nghe xã đảo sắp có điện lưới, anh mạnh dạn đầu tư xây thêm 4 phòng tiện nghi khang trang và rộng rãi hơn.
Anh Quý hy vọng có điện lưới quốc gia, khách du lịch sẽ đến với xã đảo ngày một nhiều. Người dân kỳ vọng, điện lưới ổn định sẽ giúp họ phát triển các ngành nghề sửa chữa tàu thuyền, ngư cụ, hậu cần nghề cá và nuôi trồng thủy hải sản, phát triển tiềm năng du lịch trên đảo.
Công nhân ngành điện kiểm tra thông số kỹ thuật điện áp. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Theo EVN SPC, từ nay đến năm 2018, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án cấp điện cho các xã đảo của tỉnh Kiên Giang.
EVN SPC sẽ đầu tư xây dựng các tuyến đường dây trung thế vượt biển, lưới trung hạ thế, trạm biến thế, nhánh rẽ vào nhà cho người dân xã Tiên Hải thuộc thị xã Hà Tiên và xã Hòn Thơm thuộc huyện Phú Quốc. Quy mô gồm tuyến cáp ngầm trung thế 3 pha xuyên biển đến xã đảo Hòn Thơm dài 2,8km; đường dây trung thế 3 pha XDM trên biển dài 36,02 km; đường dây trung thế 3 pha XDM trên đảo dài 24,49 km; đường dây trung thế 3 pha XDM trên đất liền dài 0,5 km; đường dây hạ thế trên đảo dài 27,2 km.
Cùng với đó, Tổng công ty sẽ xây dựng 67 trạm biến áp phân phối trên đảo và cải tạo 12,311 km đường dây trung thế 3 pha.
Ông Phạm Ngọc Lễ, Phó Tổng Giám đốc EVN SPC cho biết dự án cấp điện cho các xã đảo thuộc huyện Kiên Hải, Kiên Lương và thị xã Hà Tiên của tỉnh Kiên Giang góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển, đảo và ven biển, đồng thời xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Dự án còn có ý nghĩa tích cực trong việc bảo vệ môi trường, kích thích đầu tư, tăng trưởng kinh tế; giảm gánh nặng chi phí ngân sách của địa phương do phải bù lỗ hàng năm cho các trạm phát điện diesel tại các xã đảo./.
NGUYỄN CHUNG (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/dem-dien-ra-xa-dao-hon-nghe-tao-suc-bat-phat-trien-kinh-te-bien/425102.vnp