Cập nhật: 12/01/2017 10:04:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mười năm sau khi bị siêu bão Chanchu năm 2006 quét qua, xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), nơi có 87 ngư dân vĩnh viễn không về trong cơn bão, đang nỗ lực vươn lên, đẩy lùi nghèo đói bằng cuộc sống mới tươi sáng hơn.

Xã Bình Minh ngày nay. Ảnh: VGP/Thế Phong

Đẩy lùi nghèo đói

Bình Minh là một xã thuần ngư, ngư dân chuyên nghề đánh bắt hải sản, với ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 2006, cả xã có 60 tàu thuyền từ 20 CV đến 150 CV, tổng sản lượng hải sản đánh bắt 3.000 tấn. Ngư dân đa số đi làm thuê cho các chủ thuyền tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi…

Giữa tháng 5/2006, bão Chanchu với sức gió khủng khiếp quét qua Biển Đông và đột ngột đổi hướng khiến nhiều tàu, thuyền của ngư dân miền Trung gặp nạn. Trong cơn bão này, 87 ngư dân của xã Bình Minh câu mực khơi tại đông bắc quần đảo Hoàng Sa đã vĩnh viễn không về. Màu trắng khăn tang bao trùm một xã nghèo bãi ngang ven biển.

“Lúc đó tôi vừa gánh cá về đến nhà nghe người dân bảo tàu cá của chồng tôi bị chìm rồi. Tôi choáng váng rồi nằm bất tỉnh lúc nào không biết”, bà Nguyễn Thị Tê (54 tuổi, xã Bình Minh) nhớ lại giây phút kinh hoàng khi nghe tin chồng bà tử nạn trong cơn bão Chanchu 10 năm trước.

Chồng bà Tê mất để lại 5 đứa con nhỏ. Với phẩm chất bền bỉ của người phụ nữ làng chài, đồng thời được sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, đoàn thể và các nhà hảo tâm, bà Tê nỗ lực từng bước vượt lên số phận nuôi các con khôn lớn, gia đình nay đã thoát nghèo. “Dù cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn nhưng tôi vẫn cố gắng cho các con đi học để thành người, riêng con trai đầu tiếp tục theo nghề đi biển”, bà Tê chia sẻ.

Kể về những ngày gian khổ sau khi chồng và con trai gặp nạn trong cơn bão Chanchu, bà Trần Thị Liên, 59 tuổi (xã Bình Minh) nói: Anh ấy ra đi, một mình tôi gồng gánh nuôi 5 đứa con nhỏ. Để có tiền cho con ăn học, hằng ngày từ 4h sáng tôi đã đi gánh cá, vác củi, đúc bánh xèo. Tuy vất vả song nhờ sự quan tâm, động viên và hỗ trợ của bà con hàng xóm và các cấp chính quyền nên đời sống của gia đình nay đã ổn hơn. Ngoài 2 đứa con trai đang theo nghề biển, 3 đứa sau vẫn đang được đi học.

Khi được hỏi có muốn 2 anh theo nghề biển không, em Nguyễn Thị Quyền (con út của bà Trần Thị Liên) đang học lớp 12, thẳng thắn cho biết: Ở mảnh đất này từ xa xưa đã có truyền thống đi biển, nên dù khó khăn, thử thách nhiều người ở trong làng vẫn gắn bó với nghề của tổ tiên.

  

Chính quyền địa phương trao quà, động viên ngư dân Bình Minh gặp nạn trên biển. Ảnh: VGP/Thế Phong

Quyết tâm bám biển

Ấn tượng đầu tiên của nhiều người khi về lại xã Bình Minh, so với những năm về trước, từ một làng quê biển vốn nghèo lại gặp những khó khăn sau cơn bão Chanchu, đến nay trở thành một xã với nhiều đổi mới. Điện, đường, trường, trạm… khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể. Từ một xã có đến 50% là hộ nghèo, đến nay Bình Minh chỉ còn lại 9,21% hộ nghèo.

Mười năm qua, cả hệ thống chính trị, các nhà hảo tâm và nhân dân trên cả nước đã giúp Bình Minh vượt qua những khó khăn, ổn định cuộc sống. Những tấm lòng san sẻ đã giúp gia đình các nạn nhân bão Chanchu vươn lên, con em của họ được đến trường. Nhiều em đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, được học nghề và có việc làm ổn định.

Các ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với xã Bình Minh đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cho 380 ngư dân, đào tạo nghề cho 225 người dân và tư vấn cho hơn 640 thanh niên về việc làm, trong đó có hơn 157 người đang lao động tại Hàn Quốc và Nhật Bản…

Ông Trương Văn Công, Chủ tịch Hội Nghề cá xã Bình Minh cho biết với truyền thống đi biển, dù khó khăn, thử thách, đặc biệt là sau bão Chanchu, ngư dân Bình Minh vẫn kiên trì bám biển, nhất là ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều “Anh hùng trong bão” trở về bàn tay trắng, vẫn quyết tâm vay vốn để đóng mới tàu vỏ thép, như anh Trần Công Chi, Phan Thu, Trần Công Tú, Trần Văn Liên, Phạm Phú Thành….

Đến nay, Bình Minh có đội tàu đánh bắt xa bờ rất lớn với 4 tàu vỏ thép, 147 tàu thuyền vỏ gỗ, trong đó tàu có công suất từ 90 CV đến 1.000 CV chiếm 91 chiếc, còn lại là dưới 90 CV. Năm 2015, sản lượng hải sản đánh bắt đạt 13.200 tấn, tăng hơn 10.000 tấn so với thời điểm năm 2006.

“Kết quả đó đã chứng minh ngư dân Bình Minh vẫn một lòng với biển, quyết tâm làm giàu từ biển. Không khó khăn, thử thách nào làm sờn lòng ngư dân”, ông Trương Văn Công khẳng định.

 Thế Phong

Theo baochinhphu.vn

Tệp đính kèm