Cập nhật: 16/01/2017 08:18:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sắt có nhiều trong thức ăn. Thuốc chứa sắt lại rẻ tiền, nhưng do chưa biết rõ sự hấp thu sắt, ăn và dùng thuốc đúng cách nên bệnh thiếu máu do thiếu sắt vẫn khá phổ biến ở người mang thai, trẻ em.

Những lý do thiếu sắt thường gặp

- Mất máu cấp tính (do bị thương) hay kéo dài (do rong kinh, bị giun móc, trĩ).

- Rối loạn tiêu hoá dẫn đến hấp thu sắt kém.

- Có thai, nhu cầu sắt tăng cao nhưng ăn không đủ lượng thức ăn chứa sắt cần thiết.

- Trẻ em trong năm đầu cần nhiều sắt. Cho ăn không đúng cách sẽ bị thiếu sắt.

Nhu cầu sắt hàng ngày: nam 1mg, nữ 1,6 - 2mg. Trẻ mới sinh đã có một lượng sắt dự trữ khoảng 0,25g. Ở trẻ sinh non, sinh già tháng, suy dinh dưỡng bào thai, lượng sắt dự trữ còn ít hơn, chỉ khoảng 0,15g. Từ khi mang thai cho đến khi nuôi con bú đến 6 tháng tuổi, bà mẹ phải mất đi khoảng 955mg sắt (bao gồm: cho thai 450mg, ở nhau thai 150mg và mất máu khi sinh 175mg và tiết vào sữa cho con 180mg). Trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi, thanh thiếu niên từ 14 -18 tuổi, người mang thai cần một lượng sắt nhiều hơn. Thiếu sắt thường xảy ra trẻ em và người mang thai. Theo các số liệu nghiên cứu có 40 - 50% phụ nữ mang thai bị thiếu sắt (thay đổi theo vùng).

Thiếu sắt sẽ dẫn tới thiếu máu nhược sắc. Người lớn thì kém minh mẫn, dễ mệt, hay quên, hay chóng mặt, ù tai, năng suất lao động giảm, trẻ em thì hay quấy khóc, vật vã, chán ăn ngủ ít, giảm trí nhớ. Riêng người có thai thiếu sắt sẽ ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Ngoài ra, thiếu máu do thiếu sắt còn làm giảm trương lực cơ, bắp thịt nhão, chậm biết ngồi, biết đi. Thiếu máu còn làm tim đập nhanh hơn (để đáp ứng nhu cầu cung cấp ôxy cho các cơ quan tổ chức), nếu để lâu ngày sẽ dẫn đến suy tim.

 

Bổ sung sắt phải đúng cách

Bổ sung bằng thực phẩm:

Có nhiều loại thực phẩm chứa sắt: Lượng sắt (tính bằng mg) trong 100 gam thực phẩm lần lượt là: tiết bò (52), men bia khô (16), gan lợn (10), thịt bò (2,7), trứng gà (2,2), cua biển (3,8) mực tươi (0,6) cá chép, cá trê, cá đối (0,8) mộc nhĩ (65), nấm hương khô (35), đậu nành (11), vừng (10), đậu xanh (4,8), cần tây, cần ta (3), rau ngót (2,7) củ cải (2,9), rau dền trắng (6,1) rau dền đỏ (5,4), các loại rau thơm (3,8).

Theo đó, thức ăn thực vật phần lớn chứa sắt ít hơn thức ăn động vật, thức ăn động vật sống dưới nước chứa ít sắt hơn loại động vật sống trên cạn. Cơ thể hấp thu được 10 - 15% thức ăn động vật nhưng chỉ hấp thu được 5% trong thức ăn thực vật (tính trung bình chỉ 10%). Song trong thức ăn động vật thì sắt dạng hemoglobin thường chiếm chủ yếu (như trong tiết) lại rất khó hấp thu. Người ăn chay ròng sẽ thiếu sắt, nhưng người chỉ ăn nước thịt bò ép cũng chỉ đưa vào cơ thể chất protein (giúp cho sự tổng hợp globin) chứ không đưa chất sắt vào cho cơ thể được. Ngoài ăn thức ăn chứa chất sắt, cần ăn các thức ăn có chất porphyrin (để tạo ra nhân pyrol) và chất protein (để có globin và vitamin) mới tạo ra được huyết cầu tố.

Người chỉ ăn thức ăn thực vật tính ra có thể đủ lượng sắt nhưng vẫn bị thiếu máu do không tạo ra được huyết cầu tố.

Các thức ăn quá giàu phospho sẽ gây kết tủa sắt làm giảm sự hấp thu sắt. Vitamin C (và một số vitamin nhóm B như B6) giúp sự hấp thu sắt và tổng hợp huyết cầu tố.

Ngoài thức ăn thông thường còn có thực phẩm chức năng bổ sung chất sắt.

Như vậy, muốn đủ sắt thì phải ăn một lượng sắt gấp 10 lần nhu cầu khuyến cáo (vì cơ thể chỉ hấp thu trung bình 10%), ăn dạng sắt dễ hoà tan trong cả động vật và thực vật, kèm theo phải ăn đủ chất đạm, không ăn quá nhiều thức ăn giàu phospho và nên ăn thức ăn có vitamin C.

 

Bổ sung sắt bằng thuốc:

Khi thiếu sắt cấp tính hay kéo dài thì nhất thiết phải bổ sung bằng thuốc. Sau khi phục hồi đủ sắt mới chuyển sang duy trì bằng chế độ ăn giàu chất sắt. Ngoài ra cần phải chữa các bệnh gây thiếu sắt (như tẩy giun móc).

Có loại thuốc chứa sắt thuần tuý (viên sắt fumarat, sắt gluconat, sắt succinat, sắt oxalat, sắt tatrat, sắt II sulfat). Có loại phối hợp chất sắt với acid folic (viên probofex.) Người có thai trong suốt thai kỳ cần uống viên sắt kết hợp với acid folic. Khi dùng viên sắt thuần tuý sẽ bị táo bón nên trong một số viên sắt người ta cho thêm dược liệu có tính nhuận là đại hoàng, nhưng nếu dùng nhiều đại hoàng sẽ bị tiêu chảy, ngừng dùng sẽ hết. Để tránh hiện tượng này không nên dùng quá liều lượng. Cũng như khi ăn muốn dùng viên sắt có hiệu quả thì không dùng viên sắt đã bị quá hạn kém phẩm chất (vì đã chuyển sang dạng sắt khó hoà tan), kèm theo phải ăn đủ chất đạm.

Cần tránh các trường hợp hay nhầm lẫn: Bệnh thiếu máu ác tính do thiếu B12, thì chỉ cần dùng vitamin B12. Còn những sản phẩm vitamin B12 kết hợp với vitamin B1, B6 (như terneurin, becofort) trước đây dùng chữa đau dây thần kinh, một số người thiếu máu do thiếu sắt đúng ra phải dùng viên sắt nhưng nhầm lẫn chỉ dùng sản phẩm kết hợp này để chữa là không đúng, vừa lãng phí vừa không đưa lại hiệu quả.

Có bệnh do thiếu hay thừa sắt nhưng lệ thuộc vào hormon hepcidine. Chứng nhiễm sắc tố sắt di truyền (hemochrommatose): sắt hấp thu vượt mức mỗi ngày 2 - 3mg ngay từ khi sinh, tích luỹ dần, nhưng sau tuổi biết đi mới có triệu chứng (da thâm đen, gan to, lách to chắc cứng, kèm theo cổ trướng, đái tháo đường). Bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm (thalassemie): gây quá tải sắt trong máu dẫn đến ngộ độc sắt. Bệnh thiếu máu sắt mạn tính: sắt không đưa được vào trong tuỷ xương để tạo hồng cầu. Với các bệnh này người ta dùng hepcidine (khi thiếu) và chất ức chế hepcoidine (khi thừa) để chữa hoặc theo các cách chữa cổ điển khác. Các trường hợp này cần khám chữa theo đơn của thầy thuốc chuyên khoa.

Ds. Vũ Hải Trung

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm