Cập nhật: 15/01/2017 11:27:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhìn biển cả mênh mang, chứng kiến những gian lao, vất vả mà chiến sĩ Trường Sa đang hằng ngày, hằng giờ đối mặt... đã thôi thúc nhà nghiên cứu khoa học, TS Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc, làm một điều gì đó cho Trường Sa. Chỉ chưa đầy một năm sau chuyến thăm Trường Sa lần đầu, anh đã cùng các bạn bè ở Việt Nam và Hàn Quốc biến ước mơ thành hiện thực.

TS Trần Hải Linh thăm Trường Sa.

Lời hứa Trường Sa

Chuyến thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 vào tháng 4-2015 cùng Đoàn công tác số 6 đã để lại cho TS Trần Hải Linh nhiều ấn tượng sâu sắc. Anh nhớ lại: Nhìn biển cả mênh mang, chứng kiến sự tập trung cao độ của các cán bộ, chiến sĩ trong phiên trực, rồi những gian lao vất vả của anh em trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày, tôi vô cùng xúc động và cảm kích. Đặc biệt, giây phút tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên tàu khiến tôi không kìm được nước mắt. Đất nước có biết bao đổi thay, cuộc sống của quân và dân ở Trường Sa nay đã khác, nhưng nghĩ đến những đồng bào, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc trong điều kiện khắc nghiệt của địa hình và thời tiết đã thôi thúc tôi phải làm một cái gì đó cho quân, dân huyện đảo. Có ba vấn đề chính chúng tôi rất quan tâm sau chuyến thăm Trường Sa đầu tiên, đó là nước ngọt, rau xanh và điện sinh hoạt, nhất là tại các điểm nhiều vất vả và khó khăn hơn như đảo chìm và nhà giàn, nơi có diện tích nhỏ, hẹp. Sinh sống ở Hàn Quốc hơn 10 năm nay, hoàn thành chương trình Tiến sĩ ngành công nghệ sinh học và là nghiên cứu kiêm giảng viên tại Đại học Quốc gia Chonbuk của Hàn Quốc, anh nhận thấy cần áp dụng những kiến thức chuyên môn của mình và những ứng dụng phát triển khoa học công nghệ của Hàn Quốc để góp phần cải thiện đời sống quân và dân ở Trường Sa.

Trở về Hàn Quốc, anh cùng một số bạn bè bắt tay vào việc xây dựng đề án lập Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam, tìm thông tin và đối tác về công nghệ nước sạch, năng lượng sạch và giống rau chịu mặn phù hợp điều kiện sống ở Trường Sa. Được sự ủng hộ và góp sức của đông đảo bạn bè người Việt Nam và Hàn Quốc, bốn tháng sau, ngày 30-8-2015, Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc chính thức sáng lập Quỹ và sau đó ít lâu ra mắt Quỹ tại Lễ hội văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc lần thứ 5. Quỹ phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn của Hàn Quốc đã thành công trong nghiên cứu máy “Chuyển độ ẩm không khí thành nước ngọt”, một thành tựu khoa học công nghệ mới và chưa từng được ứng dụng tại Việt Nam; nghiên cứu các giống rau xanh từ Hàn Quốc chịu mặn, chịu nhiệt, có những đặc tính ưu việt và phương pháp trồng phù hợp với điều kiện địa lý ở các điểm đảo ở Trường Sa và nhà giàn.

 

Lắp máy chuyển độ ẩm không khí thành nước ngọt trên Nhà giàn DK1/17.

Niềm vui nhân đôi khi Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo người Việt ở khắp Hàn Quốc, ở Mỹ, Đức, Nga, Australia, Séc, Ba Lan và cả một số người Việt ở trong nước. Chỉ trong một thời gian ngắn, Quỹ đã quyên góp được khoảng 28.000 USD, toàn bộ số tiền này được dùng để mua quà cho chuyến thăm Trường Sa tháng 4-2016 vừa qua của Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thực hiện “Lời hứa Trường Sa”, chúng tôi đã trao ba máy chuyển đổi độ ẩm không khí thành nước ngọt ở những nơi có độ ẩm cao hơn 70% như đảo chìm Cô Lin, Len Đao và nhà giàn DK1/17, ba máy phát điện quang năng có hiệu suất cao và các giàn trồng rau thử nghiệm trên các mô hình khác nhau. Sau bảy tháng hoạt động, đến nay, các thiết bị đều vận hành êm và các giống rau phát triển khá tốt, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, nâng cao sức kháng lực cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ chủ quyển biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Kết nối và lan tỏa những tấm lòng

Hữu xạ tự nhiên hương. Những việc làm nhiều ý nghĩa sâu sắc của TS Trần Hải Linh đã có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc. Chàng trai 28 tuổi Nguyễn Văn Chính, tốt nghiệp thiết kế cơ khí ở Việt Nam, hiện làm ở Tập đoàn Huyndai, kể: Tháng 8 năm ngoái, tôi nhận được đề nghị từ TS Trần Hải Linh về việc làm một MV ca nhạc “Đất nước gọi tên mình”, nhân dịp ra mắt Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam. Từ đó, tôi cuốn vào các dự án vì Trường Sa lúc nào không hay. Và đó là lý do để tôi có mặt trong Đoàn công tác số 6 thăm Trường Sa vào tháng 4 -2016. Tôi rất vui và vinh dự được phân công phụ trách kỹ thuật, lắp đặt ba dự án máy phát điện, máy chuyển độ ẩm không khí thành nước ngọt và giàn rau mang tới Trường Sa, bảo đảm lắp đặt kỹ thuật để các thiết bị hoạt động được nơi đảo xa. Tôi hy vọng sắp tới có thể nâng công suất của các máy phát điện quang năng hoặc năng lượng điện sạch khác lên năm kw/giờ, giúp các chiến sĩ Trường Sa có dư điện dùng cho cả sinh hoạt và thực hiện nhiệm vụ.

Cũng như vậy, Nguyễn Trung Kiên, Phó chủ nhiệm Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam, nghiên cứu sinh Công nghệ sinh học tại đại học Incheon, người đã cùng TS Trần Hải Linh đến thăm Trường Sa năm ngoái, bị lôi cuốn bởi ý tưởng cần hành động để chung tay góp sức hướng về nguồn cội. Anh tâm sự, Quỹ hoạt động với phương châm “góp gió thành bão”, mỗi người tùy tâm sức của mình, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít để hướng về xây dựng và phát triển đất nước. Dù đồng bào ta ở năm châu bốn biển, nhưng tấm lòng “chia ngọt sẻ bùi”, hướng về nguồn cội ở bất cứ nơi đâu cũng đều rất đáng quý, đáng trân trọng.

Mang tất cả tình cảm thiết tha của những người con xa xứ đến với quân, dân Trường Sa, TS Trần Hải Linh tin tưởng rằng, trong thời gian tới đội ngũ trí thức trong và ngoài nước sẽ góp phần mang đến biển, đảo những thành tựu khoa học kỹ thuật để cải thiện đời sống quân, dân ở Trường Sa cũng như các vùng biển, đảo yêu dấu của đất nước. Điều bất ngờ thú vị là trong chuyến thăm Trường Sa tháng 4 vừa qua, TS Trần Hải Linh và các thành viên của Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam được nhiều bà con Việt kiều ở các nước cùng tham gia chuyến đi ngỏ ý cùng xây dựng các dự án mới hỗ trợ quân, dân trên vùng biển Trường Sa trong thời gian tới.

Là người may mắn được đến Trường Sa và nhà giàn DK trong hai năm liên tiếp, TS Trần Hải Linh chia sẻ, mỗi chuyến đi đều cho anh những trải nghiệm đặc biệt và những cảm xúc khó quên. Đó là tình cảm mộc mạc, chân tình của cán bộ, chiến sĩ hải quân nói chung và quân, dân ở Trường Sa, nhà giàn nói riêng dành cho bà con kiều bào. Là tinh thần không ngại gian khó, luôn sẵn sàng nắm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc của những người đồng bào ruột thịt nơi đầu sóng, ngọn gió. Trần Hải Linh thủ thỉ, mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, dù ở đâu người Việt Nam cũng luôn luôn hướng về Đất Mẹ. Anh và nhiều kiều bào ở khắp nơi trên thế giới sẵn sàng làm đầu mối tiếp tục kết nối và xây dựng những kế hoạch hướng về biển, đảo, về quê hương Việt Nam ruột thịt. Như lời anh nói: Khi Tổ quốc gọi, chúng tôi sẽ trả lời!

THẠCH VŨ

Theo baonhandan.com.vn

Tệp đính kèm