Bloomberg nhận định, Việt Nam là hình mẫu đối với các quốc gia chuyển từ kinh tế nông nghiệp sang xuất khẩu hàng điện tử.
Việt Nam thành công trong việc chuyển đổi từ kinh tế nông nghiệp sang sản xuất hàng điện tử xuất khẩu (Ảnh minh họa: KT)
Tờ Bloomberg cho hay, các nền kinh tế nhỏ ở châu Á, cụ thể là Đông Nam Á, đã và đang có những bước phát triển đáng kể.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), những “người tí hon” của châu Á đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn hơn những “gã khổng lồ” như Trung Quốc.
Một số chuyên gia đã dự báo, tại châu Á, trong giai đoạn 2017-2019, Campuchia, Lào và Myanmar sẽ đạt mức phát triển chỉ kém Ấn Độ, với tốc độ tăng trưởng gần 7%. Trong số các nước kém phát triển, tổng giá trị của cả ba nền kinh tế này ít hơn 100 tỷ USD, bằng khoảng 1/3 của các nước láng giềng như Singapore, Malaysia và Philippines.
Với mục tiêu xóa bỏ hình ảnh “vùng trũng” của khu vực sông Mekong, các nước Đông Nam Á đang đẩy mạnh việc cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng và đa dạng hóa nền kinh tế của họ.
Eugenia Victorino, chuyên gia của Ngân hàng Australia & New Zealand tại Singapore cho biết, Việt Nam - quốc gia đã có sự chuyển mình từ một nước nông nghiệp thành một nước xuất khẩu hàng điện tử, trong đó có điện thoại thông minh - chính là hình mẫu cho họ.
Cũng theo bà Victorina, khu vực tiểu vùng Mekong rất có tiềm năng trở thành một trung tâm sản xuất. Chuyên gia này cho biết thêm: “Việt Nam là hình mẫu đối với các quốc gia có xuất phát điểm từ nông nghiệp muốn sang phát triển dựa vào xuất khẩu các mặt hàng điện tử. Myanmar, Lào, và Campuchia cũng đang học theo mô hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam để nâng cao năng lực xuất khẩu”.
Tuy nhiên, cả ba quốc gia kể trên đều vẫn trông đợi vào những động thái từ Trung Quốc - nhà đầu tư của họ trên nhiều lĩnh vực, từ đường sắt đến bất động sản.
Đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar là Trung Quốc và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang xây dựng một đặc khu kinh tế, nhà máy điện và cảng biển nước sâu trên bờ biển phía Tây.
Theo Tạp chí Xây dựng toàn cầu (Global Construction Review), sau một thời gian dài bị trì hoãn, công trình đường sắt trị giá 5,7 tỷ USD chạy từ Trung Quốc qua Bắc Lào đã chính thức khởi công tại Lào trong tháng trước.
Campuchia hiện có sức hấp dẫn đặc biệt với các nhà sản xuất Trung Quốc có mong muốn tìm thị trường mới./.
Theo CTV Duy Quang/VOV.VN