Phân cực xã hội, "thiết bị ứng dụng trở thành vũ khí tấn công" và quá trình toàn cầu hoá thoái lui là ba rủi ro lớn nhất của nền kinh tế thế giới.
Ảnh minh họa: KT
Trước cuộc họp thường niên sẽ diễn ra tại Davos (Thuỵ Sỹ) từ ngày 17 đến 20/1, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã công bố bản tổng kết đánh giá thường niên nêu bật lên những vấn đề có thể tạo ra những mối rủi ro toàn cầu trong thập kỷ tới.
1. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Hơn tám năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn thấp và cao một cách đáng bất bình.
WEF cho biết nhiều nước bị "bóp nghẹt" bởi tình hình kinh tế bất ổn và đây là một trong những yếu tố góp phần tạo nên quan điểm chống lại các nguyên tắc xã hội, quan điểm chính trị dân tuý và làn sóng phản đối quá trình toàn cầu hoá.
Song theo WEF, thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu chỉ là một phần của giải pháp. Hàn gắn những vết rạn sâu hơn trong nền kinh tế chính trị toàn cầu mới có ý nghĩa sống còn để thấu hiểu cái giá của "việc thiếu tính đoàn kết giữa những nước đứng hàng đầu về thu nhập quốc gia và phân phối tài sản và những nước nghèo hơn”.
Trong bài phát biểu gần đây, Thống đốc Ngân hàng Anh, Mark Carney, đã đưa ra lời khuyến cáo rằng nhóm những người bị tụt hậu bởi quá trình toàn cầu hoá càng ngày cảm thấy bị "cô lập và tách biệt”. Ông Carney cho biết giải quyết vấn đề này đòi hỏi cần hành động để trang bị cho nhân công các kỹ năng cần thiết nhằm đáp ứng đối với sự thay đổi về công nghệ.
Bà Cecilia Reyes, Giám đốc Quản lý Rủi ro thuộc Công ty Bảo hiểm Zurich, nhận định những rủi ro xuất hiện trong năm 2016 có thể tiếp tục kéo dài trong năm 2017 và làm dấy lên những quan ngại về thực trạng dân chủ.
Bà nói: "Cho dù chúng ta đã chứng kiến một giai đoạn thịnh vượng trên toàn cầu, song một vài sức ép xã hội và kinh tế gia tăng đã dẫn tới những thay đổi chính trị mạnh mà chúng ta đã thấy”.
Bà Reyes cho biết một số những người tham gia khảo sát của WEF thậm chí cho rằng thế giới đang tiến sát đến "điểm bùng phát” của quá trình toàn cầu hoá bị phá vỡ.
Theo bà Reyes, nguy cơ thế giới thoái lui khỏi quá trình toàn cầu hoá là một trong những rủi ro. Song bà Reyes cho rằng đổ lỗi cho quá trình toàn cầu hoá là sai và bà nêu bật ảnh hưởng của sự phát triển của máy móc và tự động hoá đã gắn liền với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
2. Sự đột phá công nghệ
Tốc độ thay đổi công nghệ nhanh đã làm dấy lên những câu hỏi về tương lai thị trường lao động cũng như những đe doạ gia tăng về tấn công mạng.
Chủ tịch phụ trách về vấn đề rủi ro toàn cầu thuộc Công ty dịch vụ Marsch, John Drzik, cho biết sự phát triển của công nghệ cũng đã dẫn tới những các cuộc tấn công mạng tinh vi hơn.
Năm 2016, tấn công mạng được đánh giá là rủi ro lớn nhất đối với khu vực Bắc Mỹ. Trong năm nay, đây là mối đe doạ hàng đầu ở một vài nước như Đức, Nhật Bản, Thuỵ Sỹ, Singapore, Malaysia và các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Ông Drzik nói: "Tấn công mạng là rủi ro hàng đầu của nhiều khách hàng của chúng tôi ở cấp quản lý. Trí thông minh nhân tạo và 'Internet of things' - hệ thống các thiết bị, đồ dùng được kết nối với nhau qua mạng Internet - đang tạo một bề mặt tấn công rộng hơn cho các cuộc tấn công mạng".
Theo ông, các thiết bị tiêu dùng hàng ngày hiện nay đang được sử dụng để "hạ bệ các dịch vụ internet”.
Ông Drzik đưa ra dẫn chứng về vụ botnet Mirai, một botnet hình thành từ các thiết bị IoT bị nhiễm mã độc đã gây ra vụ tấn công từ chối dịch vụ DDoS làm gián đoạn nhiều dịch vụ Internet lớn của Mỹ trong một khoảng thời gian vào ngày 21/10/2016 tại Mỹ.
Ông nói: "Đây là một thử nghiệm về cơ sở hạ tầng phòng thủ... Điều gì xảy ra nếu cuộc tấn công này có dã tâm lớn hơn? Liệu bạn có thể kích hoạt các IoT này như vũ khí?"
3. Sự gắn kết xã hội
Chủ nghĩa dân tuý có thể là một đề tài chủ đạo tại Diễn đàn WEF năm nay.
Theo WEF, "tình trạng phân cực gia tăng” là xu hướng quan trọng thứ ba trong 10 năm tới và gần 1/3 người tham gia khảo sát bày tỏ mối lo ngại về vấn đề này.
WEF cho biết "hàng thập kỷ thay đổi kinh tế và xã hội nhanh” đã "làm nới rộng khoảng cách giữa các thế hệ về giá trị, phá vỡ các mô hình truyền thống về liên kết và cộng đồng và làm mất đi sự ủng hộ của các phe phái chính trị chiếm xu thế chủ đạo”.
Báo cáo nghiên cứu của WEF cũng chỉ ra rằng chiến thắng của tỉ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã phản ánh sự chia rẽ về văn hoá và nhân khẩu học giữa các thế hệ hơn là những vấn đề về bất bình đẳng thu nhập.
4. Những đe doạ về địa chính trị
WEF mô tả những diễn biến toàn cầu như sự rút lui của Nga, Nam Phi, Burundi và Gambia khỏi Toà án Hình sự Quốc tế và việc Trung Quốc phản đối bản phán quyết dài 497 của Toà Trọng tài Quốc tế tvề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông là "một dấu hiệu đáng lo ngại về sự phá vỡ cam kết hợp tác toàn cầu”.
5. Sự biến đổi khí hậu
Những rủi ro liên quan đến môi trường nổi bật trong báo cáo năm nay của WEF và mỗi rủi rõ nếu xảy ra sẽ gây ra những hậu hoạ khôn lường.
Điều này không chỉ đề cập trong Hiệp định về Biến đổi Khí hậu Paris mà còn là mối quan ngại của các nhà hoạch định chính sách.
Ông Richard Samans, thành viên của ban điều hành WEF, đã nhắc đến khuyến cáo trong của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng tình trạng khan hiếm nước có thể gây thiệt hại đến 6% GDP của một số khu vực đến năm 2050, dẫn đến làn sóng di cư và xung đột nếu vấn đề này không được giải quyết./.
Theo CTV Xuân Hương/VOV.VN