Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm trên thế giới có 12,7 triệu người mắc ung thư, trong đó có 7,6 triệu người chết.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm trên thế giới có 12,7 triệu người mắc ung thư, trong đó có 7,6 triệu người chết. Riêng ở Việt Nam mỗi năm có 150.000 người bị ung thư mới và 75.000 người chết do ung thư. Đặc biệt, bệnh ung thư tăng nhanh ở người trẻ tuổi, và có đến 70% số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng.
Ung thư vú thường gặp ở phụ nữ, tại các nước Âu - Mỹ ung thư vú đứng đầu trong các loại ung thư ở nữ giới. Tại TP.HCM, theo điều tra của Bệnh viện Ung bướu thì ung thư vú đứng hàng thứ 2 sau ung thư cổ tử cung. Nếu được phát hiện sớm (khi khối u lớn khoảng 2cm) và điều trị sớm thì tỉ lệ khỏi bệnh rất cao(80 - 85%). Việc phát hiện sớm ung thư vú qua tầm soát các phụ nữ bình thường (không có triệu chứng) ở độ tuổi 30 - 60 là rất cần thiết để phòng chống căn bệnh quái ác này.
Các yếu tố nguy cơ:
Tuổi tác: tần suất bệnh gia tăng theo tuổi, khoảng 130/100.000 dân ở độ tuổi 40 và 300/100.000 dân ở độ tuổi 60.
Yếu tố gia đình: có mẹ, chị em gái hoặc con gái bị ung thư vú. Nguy cơ gia tăng nếu người thân này bị ung thư vú lúc chưa mãn kinh hoặc bị cả hai bên vú.
Tuổi có kinh lần đầu sớm.
Tuổi khi sinh lần đầu hay tiết sữa lần đầu trễ hoặc là không sinh lần nào, không cho con bú bằng sữa mẹ. Thời gian cho con bú kéo dài trên 6 tháng có tác dụng bảo vệ chống ung thư vú ở các phụ nữ trẻ.
Tuổi mãn kinh trễ.
Trọng lượng cơ thể tăng khi trên 50 tuổi, hay béo phì.
Chế độ ăn nhiều mỡ thúc đẩy các gen sinh ung thư. Thiếu vitamin A có liên quan với sự tăng nguy cơ ung thư vú.
Hút thuốc lá (thụ động hoặc chủ động). Tiếp xúc với thuốc trừ sâu (DDT).
Dấu hiệu nhận biết
Khi không có chương trình tầm soát, triệu chứng ung thư được phát hiện đầu tiên là do chính bệnh nhân nhận thấy sự thay đổi ở tuyến vú. Thường là xuất hiện một khối u hay một chỗ dày lên, một vết lõm ở da, núm vú tụt vào trong hoặc tiết ra dịch núm vú. Khối u hay chỗ dày lên không đau, dễ nhận biết vì có mật độ chắc hơn mô tuyến xung quanh. Khám bằng cách sờ nắn và so sánh từng phần tuyến vú của mỗi bên vú sẽ nhận ra khối bất thường ở một vú. Sau đó, chụp nhũ ảnh để xác định kích thước và độ lan rộng của tổn thương, gồm cả tổn thương không sờ thấy. Nếu nhũ ảnh không có hình ảnh bất thường mà lâm sàng nghi ngờ một tổn thương ác tính thì tiến hành sinh thiết.
Cần chú ý đến tuổi của bệnh nhân. Ở phụ nữ dưới 30 tuổi, khối u sờ được thường là bướu sợi tuyến hay một nang. Nhưng ở phụ nữ trên 50 hoặc đã mãn kinh một khối u sờ được ở vú cần được khảo sát bằng chụp nhũ ảnh hoặc siêu âm. Có điều kiện thì sinh thiết bằng kim nhỏ, có hoặc không kèm theo hướng dẫn bằng nhũ ảnh, để khảo sát tổn thương trước khi cắt trọn hoặc sinh thiết bằng dao. Bệnh phẩm có được qua sinh thiết bằng kim được chẩn đoán tế bào học.
Tự khám
Để phát hiện khối u khi còn nhỏ dưới 2cm, chị em nên tự khám ngực mình lúc không có kinh (lúc này vú không căng nên dễ khám). Nếu đã tắt kinh thì khám mỗi tháng một lần. Khi tự khám đều đặn, chị em biết rõ tình trạng mỗi bên vú nên rất dễ phân biệt đâu là bình thường, đâu là bất thường.
Đứng trước gương, cởi hết áo và nịt vú, cánh tay buông xuôi xuống 2 bên hông, rồi đổi tư thế 2 tay để phía sau mông, nghiêng nhẹ người tới trước. Quan sát cả 2 vú, tìm xem có gì thay đổi, về kích thước của vú (một bên lớn hơn thường lệ hoặc teo nhỏ lại), da vú (da sần sùi như da cam, da lõm xuống), núm vú (kéo lệch, thụt vào). Ấn nhẹ núm vú xem có máu hay chất dịch tươm ra ở đầu vú không?
Nằm ngửa, kê gối dưới vai bên phải, tay phải để sau ót, dùng các ngón tay trái (bàn tay xòe thẳng) nhẹ nhàng ép sát tuyến vú vào thành sườn, bắt đầu từ phần trên rồi đến phần dưới của vú, cuối cùng là núm vú, nhằm tìm khối u. Khi khám vú trái thì đổi ngược tư thế lại. Nhớ khám vùng nách để tìm hạch.
Để phát hiện sớm ung thư vú, cần thực hiện qua các giai đoạn sau: chị em tự khám, thầy thuốc khám, chụp nhũ ảnh, siêu âm và sinh thiết.
BS. HƯƠNG BÌNH
Theo suckhoedoisong.vn