Mưa gió kéo dài từ năm 2016 qua hết tháng đầu của năm 2017 đang làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào dọc dải đất miền trung đầy khó khăn. Vì vậy, những chuyến hàng Tết ra các đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cồn Cỏ (Quảng Trị) càng thêm ý nghĩa.
Chuyển hàng Tết lên đảo Lý Sơn.
Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã lên kế hoạch đi các đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cồn Cỏ (Quảng Trị) chúc Tết cán bộ, chiến sĩ, nhân dân từ sớm. Đến gần ngày xuất phát, lịch lại được thay đổi theo hướng khởi hành sớm hơn để tranh thủ khoảng thời gian biển lặng giữa hai đợt gió mùa đông bắc. Đi biển lúc này, người đỡ say, hàng Tết cũng dễ chuyển lên các cảng. Đảo Cồn Cỏ cách Cửa Tùng (Quảng Trị) 18 hải lý, có thể nhìn thấy từ đất liền nếu thời tiết đẹp. Nhưng đi từ Đà Nẵng ra Cồn Cỏ phải hơn nửa ngày. Đã nhiều lần đi biển, chưa lần nào tôi bị say sóng. Riêng lần này, vừa ra khỏi cửa sông Hàn, nhiều thành viên trong đoàn đã bị sóng đánh gục. Bữa cơm trưa đầu tiên trên tàu, gần nửa số thành viên không gượng được dậy để ngồi vào mâm. Dù vậy, khi nhìn thấy đảo, nhiều người đã tỉnh hẳn để cùng bộ đội đưa hàng vào đảo.
Huyện đảo Cồn Cỏ những ngày đầu thành lập từng đón 70 thanh niên xung phong ra đảo lập nghiệp. Đảo gần bờ, cứ nghĩ cuộc sống sẽ giống ở nhà. Nhưng sau một thời gian, có người đã quay về quê... Cũng như đất liền, Cồn Cỏ gánh chịu những đợt gió và mưa nặng hạt kéo dài gần ba tháng. Sang năm mới, mưa gió vẫn không ngừng, khiến tàu, thuyền vào đảo gặp khó khăn. Cách Cồn Cỏ một đêm hành trình, người dân Lý Sơn đón Tết với nhiều tâm trạng. Bà Trương Thị Định, 47 tuổi ở xã An Hải xuýt xoa: “Hai năm ni không có tỏi để thu hoạch. Mưa quá, tỏi trồng xuống là hỏng. Trồng lần đầu hỏng. Trồng lại cũng hỏng. Tỏi không có để thu hoạch đã đành, bây chừ tui với nhiều người trồng tỏi khác còn phải nợ thêm tiền giống”.
Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản ở Lý Sơn cũng rơi vào cảnh khó khăn. Ông Hồ Nhiên buồn rầu cho biết: “Mấy năm trước, nuôi cá bè được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa. Còn năm nay, mất cả mùa lẫn giá. Mưa bão nhiều, đảo chưa có khu vực ổn định để đưa lồng cá vào trú tránh. Kéo đi kéo lại nhiều, cá chết dần. Cá bớp nuôi ở Lý Sơn vụ năm 2015 từng bán 160 nghìn đồng/kg, nay còn 70 nghìn đồng/kg”. Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn Phạm Thị Hương chia sẻ: 80% diện tích trồng tỏi ở Lý Sơn năm 2016 bị hư hỏng, mất mùa. Số hộ nuôi cá lồng cũng giảm mạnh vì mất giá. Ngay cả những hộ dân sống bằng nghề đánh bắt cũng có một năm rất khó khăn, bởi ngư trường truyền thống đã cạn kiệt. Huyện đảo Lý Sơn có ba xã, hơn 22 nghìn khẩu, trong đó có hơn 2.374 hộ nghèo, cận nghèo.
Dự báo được tình hình, từ cuối năm 2016, Huyện ủy, UBND, MTTQ huyện đảo Lý Sơn đã chủ động lập danh sánh các hộ có nguy cơ sống khó khăn trong dịp Tết để trình lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, xin hỗ trợ. Huyện cũng gửi thư kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương chia sẻ khó khăn với ngư dân Lý Sơn. Nhờ vậy, bên cạnh nguồn gạo hỗ trợ người nghèo đón Tết của Chính phủ với mức 15 kg gạo/khẩu, các nguồn lực xã hội đã giúp đỡ tiền mặt, nhu yếu phẩm phục vụ ngày Tết, bảo đảm bà con Lý Sơn đón Tết cổ truyền no ấm. Đại tá Nguyễn Đức Nam, Phó Tư lệnh vùng 3 Hải quân chia sẻ: “Quân chủng và Bộ Tư lệnh Vùng đã nắm được tình hình khó khăn của người dân và các lực lượng đóng quân trên đảo. Bởi vậy, đoàn đã mang theo nhiều nhu yếu phẩm tặng quân, dân trên đảo”.
Nhận quà từ Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, người lính trẻ quê ở Nghệ An năm đầu đón Tết trên đảo hồ hởi: “Mấy tháng nay mưa to, lá chuối quanh đơn vị rách hết cả. Em đang lo Tết này không gói được bánh chưng. Nhìn thấy trong quà có cả lá dong, lá chuối, em vui quá”. Không giấu được niềm vui, ông Huỳnh Phước Đông, ở xã An Hải chỉ ra cảng: “Mấy ngày ni gió to, huyện cấm biển, cho nên tàu từ đất liền không ra đảo. Tết tới rất gần rồi, mà không thấy hơi hướng từ đất liền thì buồn. Vậy nên, nghe có tàu của bộ đội ra thăm, tui chạy ra đây. Nhìn thấy bộ đội có mặt là ấm áp lắm rồi”.
Dọc các đảo, nhiều nhà dân và doanh trại bắt đầu tổ chức bữa cơm tất niên. Cơm giữa mùa khó khăn không đủ đầy như những năm được mùa, song vẫn có cá, rau, thịt và đĩa bánh ít lá gai theo phong vị truyền thống của người Lý Sơn. Trong các đơn vị đứng chân trên đảo, thời điểm này, những người lính chào nhau để về phép. Người về hối hả, nhưng không vui ra mặt. Người ở lại, rất khó kìm cảm xúc, vẫn không quên ôm vai đồng đội, gửi lời chúc Tết đến những người thân ở quê. Tết này, nhiều đơn vị trên các đảo mổ bò, lợn. Thịt được chia đều cho các đơn vị lân cận.
Dọc đường quanh đảo, đến ngày 20-1 đã ngập sắc hoa cúc, quất với giá 350 nghìn đồng/chậu to, người dân cũng đã đưa những bộ đồ thờ bằng đồng ra đánh rửa lại cho sáng… Dù khó khăn còn nhiều, nhưng lãnh đạo các huyện đảo bày tỏ lạc quan vì đã thành công trong việc thu hút khách du lịch ra với đảo. Và rồi, đây có thể là năm cuối cùng người dân Lý Sơn gặp khó, bởi những rào cản phát triển của Lý Sơn đã được huyện báo cáo lên tỉnh, lên trung ương. Sau khi tiếp nhận, các cấp, các ngành cũng đã có những ý kiến phản hồi tích cực. Phía Cồn Cỏ, lãnh đạo huyện cũng không giấu niềm vui vì hạ tầng trên đảo đang được đầu tư ngày càng đồng bộ. Đảo đã có trung tâm y tế quân dân y hiện đại, có bác sĩ ngoại chuyên khoa 1. Trung tâm có đủ điều kiện cần thiết để thực hiện những ca mổ ruột thừa. Theo kế hoạch của tỉnh Quảng Trị, trong tương lai, Cồn Cỏ sẽ trở thành đảo du lịch. Để đón “làn sóng” này, huyện đảo đã triển khai kế hoạch bảo tồn tài nguyên của đảo… Với tầm nhìn và nỗ lực mới, chính quyền, quân, dân các huyện đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ đang chuẩn bị đón cái Tết tươi vui, ấm áp, sẵn sàng chuẩn bị cho một năm mới chuyển mình.
Bài và ảnh: Dương Quang Tiến
Theo nhandan.com.vn