Mặc dù sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa đồng bộ, dẫn đến công tác chống buôn lậu, hàng giả còn nhiều bất cập.
Tình trạng hàng lậu, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, một số văn bản pháp luật bộc lộ những bất cập nhưng chưa được sửa đổi, dễ bị các đối tượng lợi dụng để buôn lậu, kinh doanh hàng giả kém chất lượng.
Đây là nhận định được đưa ra tại hội nghị trực tuyến Triển khai nhiệm vụ năm 2017 của lực lượng quản lý thị trường do Bộ Công Thương tổ chức chiều 23/1 tại Hà Nội.
Hội nghị trực tuyến Triển khai nhiệm vụ năm 2017 của lực lượng quản lý thị trường.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong năm 2016 lực lượng quản lý thị trường phát hiện, xử lý hơn 100.000 vụ vi phạm, tăng hơn 1.000 vụ so với năm 2015. Riêng phân bón giả, số vụ vi phạm lên tới hơn 2.200 vụ, tăng 150% so với năm 2015. Số vụ buôn lậu gian lận về thuốc lá cũng lên tới hơn 8.400 vụ, tăng 16%.
Theo đại diện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang, các mặt hàng phục vụ sản xuất như phân bón, vật tư nông nghiệp giả… có diễn biến phức tạp. Hàng giả không đảm bảo chất lượng thường có mẫu mã, bao bì, kiểu dáng được thiết kế đẹp, tinh vi, rất khó phân biệt với hàng thật và gây thiệt hại lớn cho người sản xuất.
Trong khi đó, đại diện quản lý thị trường Lạng Sơn cho biết, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu vẫn là mang vác nhỏ lẻ hàng hóa theo các đường mòn, đường tránh qua biên giới. Sau đó sử dụng hóa đơn bán hàng để hợp thức hóa hàng lậu vận chuyển qua đường bộ, đường sắt. Một số văn bản pháp luật đã bộc lộ những bất cập nhưng chưa được sửa đổi. Các đối tượng lợi dụng để hợp thức hóa hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng giả kém chất lượng.
Với những trường hợp là hàng lậu nhưng lại có hóa đơn bán hàng và đã được chuyển quyền sở hữu cho người mua, việc xử lý, tịch thu hàng hóa nhập lậu rất lúng túng, không có quy định rõ ràng, không thống nhất giữa các văn bản pháp luật.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, mặc dù sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa đồng bộ, dẫn đến công tác chống buôn lậu, hàng giả còn nhiều bất cập. Một số mặt hàng, địa bàn luôn là “điểm nóng” về hàng giả như đường, phân bón, thuốc lá…Thậm chí, hoạt động buôn lậu vẫn diễn ra công khai.
Về triển khai nhiệm vụ trong năm 2017, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, chính sách, quy chuẩn để ngăn chặn các đối tượng lợi dụng kẽ hở để buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả. Bên cạnh đó, cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm chống buôn lậu, hàng giả cũng như làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan./.
Theo Việt Hà/VOV.VN