Cập nhật: 28/01/2017 12:02:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần dựa vào nội lực để phát triển và cùng với việc mở rộng thị trường ra quốc tế thì cần coi trọng thị trường nội địa.

Hiện đang là cơ hội vàng để Việt Nam cải cách mạnh mẽ nền kinh tế (ảnh minh họa: KT)

Quốc hội Việt Nam đã thông qua mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, trong đó có mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng bền vững; nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Vậy làm thế nào để Việt Nam tăng trưởng bền vững?

Trọng tâm dựa vào nội lực

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, mặc dù có những khó khăn nội tại, kinh tế Việt Nam đang ở vị thế rất thuận lợi so với nhiều quốc gia trong khu vực. Đó là nhờ đang ở thời điểm dân số vàng, lực lượng lao động đầy nhiệt huyết, cần cù và khéo léo, chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định và có lợi thế so sánh khi thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam.

“Đây chính là cơ hội vàng của Việt Nam để tiến hành cải cách mạnh mẽ nền kinh tế nếu Việt Nam thực sự muốn duy trì được tốc độ tăng trưởng bền vững trong tương lai”- ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam đánh giá.

Theo ông Hải, Việt Nam sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà bán lẻ với dân số hiện đứng thứ 13 trên thế giới và thứ 2 trong ASEAN. Các ngành tiềm năng phát triển là giáo dục, y tế, công nghệ, thực phẩm, tiêu dùng nhanh... Ngoài ra, nhờ vào các hiệp định thương mại đã được ký kết và lợi thế cạnh tranh về giá nhân công, Việt Nam đang và vẫn sẽ tiếp tục trở thành công xưởng của khu vực khi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục chuyển dịch nhà máy từ các nước trong khu vực sang Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu đi toàn thế giới.

Để có thể tận dụng tốt được xu hướng này, ông Hải khuyến nghị: Chính phủ cần hết sức quan tâm đến chất lượng của các dự án đầu tư nước ngoài, cụ thể tác động tới môi trường của dự án và tăng cường khả năng kết nối của các doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI. Chúng ta cần phát triển kinh tế, nhưng là một nền kinh tế bền vững để phát triển môi trường sống cho các thế hệ đi sau.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng khuyến nghị, Việt Nam đã rút ra được những bài học sau thời gian hội nhập vừa qua. Ví dụ như thu hút đầu tư nước ngoài cần phải như thế nào. Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố rất rõ là khuyến khích các nhà đầu tư mang lại công nghệ tốt cho Việt Nam, khuyến khích các nhà đầu tư có thể tạo được hiệu ứng lan tỏa tốt cho nền kinh tế và nhất là không gây ô nhiễm môi trường, không chuyển giá.

Trong quá trình hội nhập của mình, Việt Nam đang nhận thức rõ hơn bao giờ hết là muốn phát triển, trước hết phải dựa vào nội lực; tập trung tăng cường nội lực nền kinh tế, nội lực các doanh nghiệp Việt. Bởi vì không nước nào trên thế giới này có thể phát triển được nếu chỉ dựa vào nguồn lực ở bên ngoài.

“Hội nhập là quan trọng thật, nhưng hội nhập quốc tế phải đạt được đồng thời mục tiêu là tăng cường nội lực của đất nước này làm cho Việt Nam mạnh hơn, cạnh tranh hơn trên thế giới thì sự hội nhập đó mới có giá trị”- bà Lan nhấn mạnh.

Thực tế xu hướng phát triển kinh tế cho thấy, chiến lược phát triển dựa vào nhân công giá rẻ sẽ không thể là một chiến lược bền vững của một quốc gia. Việt Nam được khuyến cáo cần xác định những thế mạnh cạnh tranh bền vững của mình (ví dụ như nông nghiệp, du lịch và công nghệ thông tin) và cần đầu tư vào công nghệ trong các lĩnh vực này để tạo giá trị cạnh tranh bền vững.

Bởi “một quốc gia cũng giống như một doanh nghiệp. Việt Nam rất cần một chiến lược phát triển đất nước trong 20 – 30 năm tới với một tầm nhìn dài hạn, các mục tiêu rõ ràng, từng cột mốc cụ thể theo thời gian, giao trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân và các bộ ngành đối với việc đạt được các cột mốc này và thường xuyên tiến hành rà soát lại việc thực hiện chiến lược”- ông Phạm Hồng Hải lưu ý.

Cũng quan điểm phát triển cần dựa vào nội lực là chính, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khi phát biểu ở Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2016, có lưu ý: Việt Nam cần thúc đẩy, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển bằng nhiều biện pháp, tạo sân chơi bình đẳng cho các thành phần kinh tế, khuyến khích các thành phần kinh tế kết nối và cạnh tranh nhằm tạo ra những chuỗi giá trị hiệu quả trong và ngoài nước. Cần đổi mới mạnh hơn để tạo ra những thể chế thị trường hiệu quả thì mới có thể đạt được các mục tiêu trên.

Thúc đẩy xuất khẩu nhưng cần coi trọng cả thị trường nội địa

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC tại Việt Nam, còn đề xuất: Việt Nam cũng cần đẩy mạnh năng suất lao động vốn đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Cải cách giáo dục mạnh mẽ, tạo môi trường giáo dục khuyến khích sự phản biện và sáng tạo sẽ đóng góp rất quan trọng vào việc nâng cao năng suất lao động của người Việt Nam.

Đồng thời, Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo môi trường thuận lợi về thuế, thủ tục hành chính và giải ngân giúp doanh nghiệp phát triển. Ngay trong năm 2017, Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện ba mục tiêu cải cách mà Quốc hội đã đề ra là cải cách đầu tư công, các doanh nghiệp có vốn nhà nước và khu vực tài chính. Thực hiện những mục tiêu này sẽ không chỉ giúp nền kinh tế năm 2017 mà còn tạo động lực để cải thiện những tiền đề căn bản của nền kinh tế, giúp nền kinh tế chịu đựng được những cú sốc từ bên ngoài.

Nhiều phân tích kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu với những hiệp định thương mại đang ký hoặc sẽ ký với các nước đối tác. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Việt Nam còn nhiều cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hóa. Xuất khẩu là rất quan trọng, vì trong một nền kinh tế đông dân, quy mô thị trường lớn nhưng sức mua còn hạn hẹp vì thu nhập còn thấp thì Việt Nam rất cần xuất khẩu hàng hóa. Việc này không những kích thích nền kinh tế trong nước phát triển mà qua đó còn học hỏi được nhiều cách làm ăn trên thế giới.

Dẫu vậy, theo bà Lan, cũng cần phải coi trọng thị trường nội địa vì rất tiềm năng. Hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đều nhắm vào thị trường nội địa. Cho nên, các doanh nghiệp Việt trong khi hồ hởi đón nhận cơ hội để phát triển xuất khẩu thì cũng nên nhìn vào cả cơ hội ở thị trường nội địa, nhất là khi thị trường bên ngoài gặp khó khăn.

Bà Lan đặt vấn đề: “Tại sao lại nhường sân nhà của mình cho nhà đầu tư nước ngoài còn mình vất vả đi tìm kiếm thị trường bên ngoài?”./.

Theo Xuân Thân/VOV.VN

Tệp đính kèm