Tìm về xã Đức Bác, huyện Sông Lô những ngày đầu xuân năm mới, du khách sẽ được nghe những làn điệu trống quân trong trẻo, nhộn nhịp mang hơi thở của sắc xuân tươi vui, ấm áp. Từ lâu, trống quân đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của người dân Đức Bác và được truyền từ đời này sang đời khác. Trống quân Đức Bác được mài giũa, chắt lọc qua nhiều thế kỷ đã làm mê hoặc, say đắm lòng người.
Theo các cụ cao tuổi ở trong làng thì hát Trống quân Đức Bác có từ rất lâu, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hát Trống quân được hình thành từ tích truyện của 2 làng ven sông là làng Kẻ Lép xưa tức là làng Đức Bác ngày nay và làng Phù Ninh thuộc tỉnh Phú Thọ. Cứ vào những ngày đầu xuân, khi làng mở tiệc, trai làng Đức Bác lại mời đào bên kia sông sang hát trống quân – điệu hát giao duyên giữa đôi trai gái của 2 làng với mong ước một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Trải qua bao biến động của lịch sử, loại hình sinh hoạt dân gian này đến nay vẫn tồn tại với những nét khác biệt, thể hiện sự tinh tế và tính bản địa đặc sắc. Hát Trống Quân ở Đức Bác hiện có 3 làn điệu đặc trưng là Hát đón đào, hát mó cá và hát đúm được trình diễn bằng một lối hát tự nhiên, không sử dụng kỹ thuật âm thanh phức tạp. Điều đó khiến cho giai điệu trong hát Trống quân Đức giữ được dáng vẻ dân giã, quyến rũ, chứa chan tình cảm, nhưng cũng rất dí dỏm và tươi trẻ.
Tình yêu và niềm đam mê với những giá trị văn hóa phi vật thể của cha ông để lại, các thế hệ con em trong xã đã đến học hỏi các nghệ nhân cao tuổi trong làng và thành lập nên các câu lạc bộ hát trống quân. Từ 1 câu lạc bộ được thành lập thì đến nay xã Đức Bác đã có 4 câu lạc bộ hát trống quân. Các câu lạc bộ hát trống quân ngày càng thu hút đông đảo các hội viên tham gia và có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các lứa tuổi.
Trống quân Đức Bác có thể tồn tại đến ngày nay là có sự đóng góp to lớn trong việc truyền dạy của các nghệ nhân cao tuổi trong xã. Mặc dù năm nay đã tròn 100 tuổi nhưng cụ Nguyễn Văn Phấn, ở thôn Giáp Thượng, xã Đức Bác vẫn rất tâm huyết trong việc gìn giữ các làn điệu hát Trống Quân của quê hương. Hiện cụ là một trong những nghệ nhân cao tuổi nhất ở địa phương còn truyền dạy các điệu hát Trống Quân cho các thế hệ con cháu trong xã. Dù đôi mắt không còn tinh, tai không còn thính nữa, nhưng ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ Phấn vẫn ý thức được rằng việc truyền dạy lại những gì cụ biết và nhớ về Trống Quân là việc làm có ý nghĩa để gìn giữ bản sắc riêng của quê hương mình.
Làn điệu giao duyên của Trống quân Đức Bác những ngày đầu xuân đã thể hiện sức sống mãnh liệt, là phương tiện để những đôi trai gái trao gửi tình cảm cho nhau, và cầu mong những điều tốt đẹp đến với gia đình, xóm làng, mong cho quốc thái, dân an, mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong một mùa xuân mới.
ST