Cập nhật: 07/02/2017 09:32:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhắc đến con ba khía, chắc hẳn sẽ khó cho nhiều người để hình dung. Nhưng nếu đã có cơ hội thưởng thức ba khía - món ăn dân dã vùng sông nước, thực khách chắc chắn sẽ có thêm một lí do để thêm lưu luyến vùng đất tươi đẹp, hiếu khách này.

Ba khía sống ở môi trường nước lợ, nơi các cửa sông, cửa rạch đổ ra biển, có nhiều nhất ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu... Ba khía thuộc loài giáp xác, hình dáng và kích cỡ giống như con cua đồng, sống ở vùng nước mặn, lợ, ven sông rạch, nhất là dưới chân rừng ngập mặn. Tên gọi của nó bắt nguồn từ ba dấu gạch ở trên lưng. Cách bắt và chế biến ba khía không cầu kỳ, nhưng đây là món ăn mang đậm nét văn hóa ẩm thực miền Tây.

 

Người ta có thể dùng ba khía làm món gỏi hấp dẫn

Tháng 10 là mùa ba khía. Phải vào những ngày mưa, thịt ba khía mới chắc và ngọt. Vào thời điểm này, ba khía bu đen đặc gốc cây trong rừng ngập mặn. Người đi bắt ba khía mang theo bao tay, đèn... chèo xuồng luồn lách trong các mương xẻo, tìm bắt nơi các gốc đước khi chúng rời hang kiếm ăn hoặc thò tay vào hang, thậm chí câu hoặc dùng bẫy ắt ba khía. Theo kinh nghiệm của người miền Tây, mua ba khía không nên mua con to xác mà nên chọn con nhỏ, gạch nhiều vì loại này thịt chắc. Nếu gặp được những con đang ôm trứng thì hương vị sẽ càng hấp dẫn.

Ba khía có thể nấu thành rất nhiều món ăn. Người miền Tây khéo léo nên món ăn nào cũng chan chứa tình cảm, mang đậm hương vị không thể lẫn của vùng sông nước. Người ta chọn những con có cặp càng to đem rang, rim mặn hoặc chiên bột ăn với cơm. Cầu kỳ hơn, người ta còn biến ba khía thành món nhậu hấp dẫn như rang me, hấp bia, trộn gỏi…

Một món khá phổ biến đó là ba khía nấu canh, vừa thơm ngon vừa giải nhiệt.Trước tiên, rửa ba khía thật sạch đất bùn, sau đó bóc yếm và bẻ đôi làm hai nửa, tách cả càng, gọng. Tất cả ướp cùng hành lá giã nhuyễn, thêm đường, chút nước mắm, ít tiêu vào trộn đều. Bắc chảo dầu lên bếp, phi tỏi thật thơm rồi cho ba khía đã ướp vào xào sơ.

 

Canh chua ba khía

Khi mùi thơm của ba khía bốc lên cho ngay cà chua đã bổ miếng vào, đảo đều và nhanh tay cho nước sôi để nguội với lượng vừa ăn. Đợi nồi canh sôi bùng lên, người ta thêm me chua, trái giác và một ít bắp chuối vào. Món canh tuy đơn giản nhưng lại mang nhiều giá trị. Thưởng thức bát canh ba khía sau ngày làm việc căng thẳng, chắc chắn mọi mệt mỏi, vất vả cũng tan biến hết.

Ngoài ra, người ta còn đem ba khía muối trong những chiếc chum to để ăn dần. Ba khía sau khi bắt xong, người dân sẽ xóc rửa cho sạch bùn đất rồi đổ vào lu, khạp có nước muối và đậy nắp kín lại. Từ khi muối cho đến lúc ăn được có thể 5-10 ngày. Chất lượng của ba khía phụ thuộc độ mặn của nước muối, bởi nếu nhạt quá thì ba khía sẽ hỏng, nhưng mặn quá sẽ rụng càng, đen da, chát thịt... Ba khía muối chính là món ăn mà hầu như không một người dân nào ở miền sông nước nào không biết đến, đặc biệt đây còn được xem là món khoái khẩu. Mắm ba khía sau khi chế biến ăn với cơm, bún,... đều rất thơm ngon.

 

Người miền Tây có câu “Đừng lo cưới vợ miệt đồng. Ba khía cơm nguội ăn ròng cả năm”

Ngoài ra, ba khía còn được chế biến bằng cách luộc sả ăn cùng với nước chấm. Nước chấm được chế biến rất đơn giản nhưng không kém phần đặc biệt; gồm sả băm nhuyễn, trộn chung với cơm mẻ, cho chút ớt vào tạo vị cay rồi bỏ thêm chút gia vị cho vừa ăn. Với cách ăn này, thịt của ba khía rất ngọt, thơm do hòa với hơi cay của ớt, sả và chút chua, nồng của cơm mẻ. Ba khía luộc ăn cùng với nước chấm sẽ là một món ăn không thể quên đối với du khách.

ST

Tệp đính kèm