Lễ hội cầu ngư đã có từ 500 năm trước, là nét đặc trưng của ngư dân vùng biển miền Trung.
Tái hiện cảnh đánh bắt tại Lễ hội cầu ngư làng Thai Dương Hạ, thị xã Hương Trà.
Sáng (7/2), làng Thai Dương Hạ, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnhThừa Thiên-Huế tổ chức lễ hội cầu ngư theo lệ 3 năm một lần. Lễ hội thu hút đông đảo người dân, du khách tham gia. Đây là lễ hội cầu ngư đặc trưng của ngư dân vùng biển miền Trung.
Lễ hội cầu ngư bắt đầu bằng Lễ Cung nghinh thần Hoàng nhằm tưởng nhớ công ơn người đã có công lập làng là Trương Quý Công và các bậc tiền nhân. Tiếp đến là nhiều nghi lễ mang đậm nét văn hóa truyền thống tâm linh như: lễ cầu an, lễ tưởng niệm, lễ tạ... được tổ chức trang nghiêm, long trọng.
Ông Lê Thanh Hà, một ngư dân của làng Thai Dương Hạ cho biết, đây là lễ hội có từ hơn 500 năm trước: "Lễ hội truyền thống cầu ngư “tam niên đáo lệ” của làng Thai Dương Hạ mục đích là cầu cho mưa thuận, gió hòa và tất cả các trai bạn, ngư dân của làng làm ăn được gặp nhiều may mắn. Lễ diễn lại tất cả các sự tích lịch sử của cha ông để cho con cháu được biết. Ngày xưa cha ông làm như thế nào thì chúng tôi ngày hôm nay duy trì như thế".
Phần hội của lễ hội cầu ngư gồm nhiều trò diễn trên cạn như múa hát truyền thống, đoàn tàu ra khơi đánh cá, cảnh buôn bán trên bờ... đã tái hiện sinh động và hấp dẫn cuộc sống lao động, đời sống văn hóa của ngư dân ven biển tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Các lão ngư tái hiện cảnh sinh hoạt trước lúc ra khơi đánh bắt cá
Sau các trò chơi là lễ hội sông nước đua ghe sôi nổi trên phá Tam Giang. Tiếng trống, tiếng kèn, hò reo cổ vũ vang lên liên hồi, giục giã như chào mừng một chuyến ra khơi thắng lợi.
Hoạt cảnh mua bán cá sau khi đánh bắt tại lễ hội cầu ngư.
Ông Trần Tuấn, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cầu ngư làng Thai Dương Hạ, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà khẳng định: Ngư dân làng Thai Dương Hạ tin rằng, Lễ hội cầu ngư đầu năm mới sẽ được mùa biển, tôm, cá đầy khoang, thuyền bè an toàn, dân làng hưng thịnh.
"Làng chúng tôi tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn của ngài Dương Quý Công và sau đó cầu cho Quốc thái dân an, nhân dân no đủ. Dây là lễ hội rất lâu cho nên con cháu sau này vẫn tiếp tục giữ mãi. Bây giờ có điều kiện, con dân mỗi ngày một phát triển thì lễ hội càng được giữ gìn" - ông Trần Tuấn cho biết./.
Theo Lê Hiếu/VOV.VN