Từ xa xưa, nghệ thuật múa dân gian đã tồn tại như một thực thể rực rỡ sắc màu trong bức tranh văn hóa nghệ thuật của người Việt. Múa trống bồng được cho là một trong 20 điệu múa cổ của đất Thăng Long xưa còn tồn tại đến nay.
Trống bồng - điệu múa cổ xưa
Múa dân gian người Việt đã tạo ra những giá trị về vũ đạo học. Nó đã có loại hình múa một người như múa Bà bóng; loại múa đôi như múa Long Hổ hội, múa trống mõ; loại múa 3 người như múa sư tử; loại múa 4 người như múa trống bồng, múa giáo cờ giáo quạt; loại múa 5 người như múa trống ngũ lôi; loại múa đông người như múa rồng, múa chạy đàn; loại tổ khúc như múa xuân phả… Là một loại hình múa dân gian, vì vậy múa trống Nhật Tân, múa bồng Triều Khúc hay múa trống bồng ở các địa phương khác đều ưa xếp đội hình cân đối với số người chẵn, đứng đối diện nhau, thường dùng đội hình vòng tròn, hình vuông hoặc hình chữ nhật tùy theo số người biểu diễn 2 đôi hoặc 3 đôi, đội hình 2 hàng ngang hay dọc song song.
Múa trống bồng ở mỗi địa phương cũng có những nét khác nhau, mang đậm nét truyền thống văn hóa và đặc trưng từng làng, vùng đất... Nếu như trong múa trống bồng ở làng hoa Nhật Tân, các cô gái kinh kỳ khoan thai, duyên dáng và yểu điệu với nhịp tay vỗ trống, linh hoạt trong chuyển biến đội hình, đưa người xem đến với không khí rộn ràng, vui tươi trong sắc xuân, đào thắm... thì múa trống bồng làng Triều Khúc lại là hình ảnh ngộ nghĩnh, tinh nghịch của các chàng trai giả trang nữ, trong trang phục áo mớ ba mớ bảy, áo the đen, đầu chít khăn mỏ quạ với các động tác khoa rộng tay, nhấc chân cao, bước rộng, dáng hơi khệnh khạng, đặc biệt ánh mắt vẫn lúng liếng đong đưa. Dàn nhạc múa bồng thường có trống, chiêng, thanh la nhưng ở múa trống Nhật Tân chỉ có bốn ông đánh trống nhỏ, không sử dụng thanh la và chiêng. Có lẽ cũng vì điều đó mà ở lễ hội Triều Khúc hay các làng khác trống bồng chỉ được sử dụng là đạo cụ để múa, không phát ra tiếng còn trống bồng trong múa trống Nhật Tân ngoài là đạo cụ nó còn tạo ra những tiếng bung bung vui nhộn, thu hút cả đám người đi xem hội.
Điều khác biệt làm nên nét đặc sắc trong điệu múa múa trống bồng Nhật Tân đó là có nhiều động tác độc đáo như múa đi ngang đánh trống, múa đầu lắc lư say sưa, vừa đánh trống vừa quay ngang, múa động tác tay quay tơ và quay hình hoa sen, bước chân đi ngắn, vòng tay vung nhỏ đánh trống, múa theo nhịp trống 3 tiếng. Khi múa có lúc xoay tròn, có lúc dựa lưng hay úp mặt và ngực vào nhau, thú vị và hóm hỉnh. Nhìn động tác không quá phức tạp nhưng để múa ra múa, thật không hề đơn giản.
Đặc sắc nghệ thuật múa trống bồng
Cũng giống như những điệu múa dân gian khác, điệu múa trống bồng cũng mang trong mình những giá trị nghệ thuật đặc sắc: Là một tiết mục diễn xướng trong những hình thức nghệ thuật dân gian được lưu truyền và có những bản sắc riêng. Điệu múa phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa trống lệnh và những người biểu diễn. Đây chính là nét độc đáo mà ít loại hình nghệ thuật nào trên đất nước ta có được. Bên cạnh đó giá trị nghệ thuật của múa trống bồng còn thể hiện qua sự phối kết hợp giữa trang phục, âm nhạc, đạo cụ với từng động tác trong bài múa trống bồng.
Người múa bồng thường là nam cải trang nữ, đầu đội khăn gỗ, chít ra ngoài chiếc khăn mỏ quạ màu đỏ tươi, mặc quần áo trắng, cổ quàng tấm lụa xanh hình lá sen thêu hoa lá cách điệu. Phía dưới là chiếc váy nhiễu màu đen chùng tới mắt cá chân, lại được choàng thêm những dải màu ngũ sắc, thắt ngang lưng bằng một tấm lụa dài màu xanh lục. Những dải lụa màu rực rỡ này khi vũ công xoay người, sẽ tạo thành những vòng tròn kỳ ảo và biến hóa gây cho ta một hiệu ứng thị giác vừa đẹp mắt lại vừa thần bí.
“Con đĩ đánh bồng” là điệu múa cổ thuần Việt nhất, với những động tác mô phỏng đời sống nông nghiệp của cư dân xưa. Mặt khác, đây là điệu múa cổ có đời sống thực sự trong dân gian xưa, vừa có chức năng nghi lễ, vừa là thú vui giải trí của con người. Chính vì sự độc đáo và sức hấp dẫn thu hút đám đông của điệu múa mà “Con đĩ đánh bồng” đã và đang được nhiều làng cổ ở Hà Nội phục dựng biểu diễn trong những dịp lễ hội nhằm bảo tồn các điệu múa dân gian dân tộc của Hà Nội nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Những giá trị văn hoá tâm linh
Múa trống bồng thể hiện sự lạc quan yêu đời của tuổi trẻ, động tác múa chứa đựng nhiều ý nghĩa tượng trưng, bí ẩn chưa thể giải mã hết. Không chỉ vậy đội hình múa đã biểu hiện sự đoàn kết, gắn bó giữa con người với con người, đó là một trong những truyền thống quý báu mà cha ông ta đã để lại.
Biểu diễn múa trống bồng trong lễ hội đình là dịp để con cháu hướng về cội nguồn, khơi dậy niềm tự hào tự tôn dân tộc, góp phần gìn giữ, lưu truyền vốn văn hoá quý giá, ý thức được việc bảo tồn và phát triển điệu múa của dân tộc. Khi những người múa trống bồng tham gia vào điệu múa này, họ được gắn kết với hoạt động lễ hội, với những di sản văn hóa của địa phương, từ đó họ sẽ hiểu hơn về lịch sử, về nguồn cội của tổ tiên để rồi vun đắp nên tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc ngày càng sâu đậm. Bên cạnh đó, điệu múa còn chứa đựng những tri thức văn hoá, phản ánh sức sáng tạo, tài năng của nhân dân, nó không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo trong đời sống tinh thần, mà còn thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của mỗi dân tộc./.
ST