Cập nhật: 11/02/2017 22:10:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cứ đến hẹn lại lên, vào mùng 7, mùng 8 tháng Giêng hàng năm, người dân địa phương và du khách khắp nơi lại nô nức rủ nhau về chơi chợ Viềng Nam Định. Đây là phiên chợ cầu may một năm chỉ họp duy nhất một lần; đặc biệt chợ họp chủ yếu từ buổi tối đến sáng sớm hôm sau.

Ai đến với chợ Viềng cũng đều đinh ninh một ý niệm: mua may bán rủi cho năm mới được bình an, may mắn. Dù là kẻ mua người bán, bất cứ ai đã đặt chân đến chợ đều không đặt nặng vấn đề lời lãi, người bán không nói thách quá cao, người mua không mặc cả quá lời bởi quan niệm những nỗi “băn khoăn” về giá cả sẽ làm mất đi tính tâm linh của phiên chợ này.

Cầm trên tay chiếc lọ lục bình từ một gian hàng đồ cổ, ông Trịnh Hữu Mạnh, một du khách chia sẻ: Năm nào tôi cũng đi xe từ thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu lên chơi chợ Viềng. Đã thành thông lệ nên đây là dịp chúng tôi tụ họp anh em, bạn bè gặp mặt đầu năm, cũng là mong “mua” được chút may mắn dịp xuân mới.

Có thể nói chợ Viềng là phiên chợ đặc trưng của dân cư nông nghiệp vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, với đầy đủ những mặt hàng vừa truyền thống vừa mang “bản sắc” chợ Viềng. Nơi đây không bán mua những sản phẩm ngoại lai hào hoáng đắt tiền mà sản phẩm được bày bán chủ yếu là các loại cây trồng, nông cụ và đồ cổ. Không thể không nhắc tới một mặt hàng đặc trưng của chợ Viềng Nam Giang Nam Định, đó là đồ cổ và đồ giả cổ.

Đến chơi chợ lần đầu, hẳn du khách thập phương ai cũng ngỡ ngàng bởi phiên chợ “lạ” với một không gian rộng lớn bày bán hàng trăm ngàn mặt hàng từ đồ đồng, đồ đá, đồ sứ, đồ gỗ, đồ cổ thật và đồ giả cổ… đủ chủng loại, chất lượng và giá thành phong phú.

Ngoài ra, người ta còn có thể tìm thấy ở đây rất nhiều những vật dụng của nhà nông, từ đôi quang gánh, chiếc thúng, chiếc mủng, đơm, đó, giỏ cua cá hay chiếc đòn gánh, liềm, cuốc xẻng hoặc những sản phẩm dùng cho cuộc sống hàng ngày như quần áo, thực phẩm, sách vở, đồ chơi trẻ em… cùng trăm ngàn vật dụng khác.

Nếu tự thấy mình không am hiểu về đồ cổ hoặc không mấy hứng thú với nông cụ, du khách có thể chọn cho mình một cây cảnh mua về lấy may đầu năm mới.

Cũng phong phú như mọi mặt hàng khác tại chợ Viềng Nam Giang, cây cảnh được bày bán ở đây có đủ mọi kích cỡ, kiếu dáng và loại cây, từ những cây hoa đỗ quyên nhỏ xinh đủ sắc màu hồng, tím, trắng… đến những cây đinh lăng được uốn, tạo thế trong những chậu nhỏ chỉ nằm vừa lòng bàn tay; từ những giống cây ăn quả khắp mọi miền đất nước như hồng xiêm, mít tố nữ, táo Bình Thuận… đến những cây sanh, cây si nhiều thế uốn lượn cao quá đầu người…

Tuy phong phú là vậy nhưng theo nhiều tiểu thương buôn bán tại chợ, mặt hàng cây cảnh năm nay không được đắt hàng như những năm trước. Ông Phạm Văn Bắc, một chủ hàng buôn bán cây cảnh tới từ huyện Nghĩa Hưng cho biết tới thời điểm này, lượng cây tiêu thụ của ông với cùng thời điểm của năm ngoái mới được gần phân nửa. Năm nay khách mua dường như chuộng những cây hoa trang trí dạng nhỏ và cây ăn quả trồng trong vườn nhà.

Ở Nam Định có tới bốn chợ Viềng, thứ nhất là chợ Viềng ở xã Mỹ Trung (huyện Mỹ Lộc) song giờ chỉ còn tồn tại như một địa danh. Từ thành phố đi lên chợ Viềng Mỹ Trung chỉ vài cây số, bình thường nói “lên Viềng” hay “đến chợ Viềng” người ta hiểu là nơi ấy.

Còn khi nói “đi chợ Viềng” hay "đi chơi chợ Viềng” người ta thường hay nghĩ tới ba chợ còn lại, những nơi mà tên gọi “Viềng” chỉ thực sự có ý nghĩa một ngày trong một năm: chợ Viềng ở chợ Chùa (thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực) và chợ Viềng Phủ Dày (thôn Trung Thành, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản), chợ Viềng ở Hải Lạng (huyện Nghĩa Hưng) thì nay còn rất ít người biết tới.

Những ngày đầu năm mới, ngoài lễ khai ấn Đền Trần thì hội chợ Viềng (bao gồm chợ Viềng Nam Giang và chợ Viềng Phủ Dày) là một trong những điểm đến thu hút khách thập phương nhiều nhất. Chợ Viềng Nam Giang (hay còn gọi là chợ Viềng Chùa) và chợ Viềng Phủ Dày (chợ Viềng Phủ) đều họp từ sáng ngày mồng 7 kéo dài đến hết ngày mồng 8 tháng Giêng hàng năm đón khách thập phương tới du xuân, mua sắm nông cụ, cây giống để xuống đồng hay cây cảnh, đồ cổ về để trưng trong nhà.

Khác với sự xô bồ của những phiên chợ thông thường, chợ Viềng còn mang ý nghĩa tâm linh. Chợ Viềng Nam Giang là nơi có chùa Đại Bi thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chợ Viềng Kim Thái, Trung Thành là nơi có quần thể di tích Phủ Dày thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh.

Hiện Nam Định đang xây dựng quy chế mới về công tác quản lý quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dày, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực về quản lý Nhà nước về di tích, lễ hội theo hướng giao cho cộng đồng dân cư là chủ thể văn hóa trực tiếp tham gia quản lý di tích, thực hành lễ hội để tránh tình trạng tư nhân hóa di tích cũng như giảm thiểu các biến thể xấu của dịch vụ phát sinh như đổi tiền lẻ ăn chênh lệch, chặt chém du khách; đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan để mang lại ấn tượng đẹp cho du khách tới chợ Viềng Kim Thái nói riêng và quần thể di tích Phủ Dày nói chung.

Nhiều người quan niệm, lỡ một phiên chợ Viềng là lỡ cả một năm. Tới phiên chợ đầu xuân này của Nam Định, mới thấy hết được không khí tấp nập, tâm trạng phấn chấn vui vẻ của mọi người.

Từ một phiên chợ của cư dân nông nghiệp, ngày nay những người tới chợ không chỉ là những người nông dân như xưa nữa mà đã bao gồm nhiều ngành nghề khác nhau đến từ nhiều tỉnh thành, sản phẩm cũng vì thế mà đa dạng hơn rất nhiều. Có lẽ chính những điều đó đã góp phần làm nên sức quyến rũ rất riêng của phiên chợ Viềng mỗi năm một lần duy nhất này.

“Giá Giêng có chợ chơi đôi lần Viềng” - tháng Giêng từ lâu được coi là “tháng ăn chơi”, là mùa bắt đầu của những lễ hội dân gian độc đáo; để rồi mỗi khi tới mùng 7, mùng 8 âm lịch, người ta lại nô nức rủ nhau đi Nam Định, tìm tới chợ Viềng - phiên chợ cầu may đặc biệt, nơi “mua may bán rủi” để thêm lộc về nhà mở đầu năm mới tốt lành.

 

Sưu tầm

Tệp đính kèm